Là phụ nữ, vừa chăm sóc gia đình, vừa phải hoàn thành tốt công việc cơ quan giao, nhưng chị Huỳnh Thị Việt Hà - Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam - vẫn say mê với công tác nghiên cứu khoa học. Chính niềm say mê ấy đã giúp chị có được 7 sáng kiến cải tiến sản xuất, làm lợi trên 7 tỷ đồng cho Công ty.
Chị Huỳnh Thị Việt Hà - Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Long An hiền hòa, người phụ nữ sinh năm 1972, lại chọn con đường hóa học học tập rồi trở thành thạc sỹ ngành này. Kiến thức chuyên môn về hóa học vững vàng đã giúp chị gắn bó với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam.
Là nhân viên của Trung tâm Nghiên cứu - phát triển, chị Hà luôn tìm tòi, nghiên cứu nhằm đạt chất lượng sản phẩm tối ưu và phương pháp gia công phù hợp. Chị được ban lãnh đạo phân công nhiệm vụ kiểm soát quy trình công nghệ luyện bán thành phẩm cao su dựa trên kết quả đưa ra, từ đó truy tìm được nguyên nhân và cách khắc phục lỗi trên sản phẩm. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của khách hàng hoặc theo nhu cầu thị trường, chị phải nghiên cứu đưa ra đơn pha chế mới... Công việc của một cán bộ nghiên cứu luôn khiến chị phải tự bổ sung kiến thức bằng cách học thêm ngoại ngữ để đọc tài liệu nhằm nâng cao chất lượng công việc.
"Giọng nói của chị Hà nhẹ nhàng lắm, nhưng giá trị sáng kiến của chị "nặng" lắm đó em ơi" - đó là câu đùa hóm hỉnh của đồng nghiệp chị Hà khi nghe tôi hỏi về chị. Quả thực, nhìn vào danh sách những sáng kiến của chị, bất cứ người lao động nào cũng cảm thấy hết sức khâm phục và tự hào. Trong đó, sáng kiến "Sử dụng cao su tái sinh Butyl vào đơn săm ô tô" của chị được áp dụng từ năm 2012 đã là lợi cho doanh nghiệp hơn 3,633 tỷ đồng/năm. Hay như sáng kiến "Tăng hàm lượng SBR 1712 trong đơn săm xe đap S22TE để cải thiện tính kín khí và giảm giá thành sản phẩm" đã mang lại lợi ích cho Công ty hơn 1,103 tỷ đồng/năm. Kể về sáng kiến này, chị Hà cho biết, trước đây, đơn pha chế của săm xe đạp sử dụng hàm lượng độn cao và sử dụng cao su thiên nhiên khiến độ kín khí thấp, săm xe đạp mau bị xì. Từ khi sử dụng cao su SBR 1712 vào trong pha chế đã giúp vừa giảm giá thành, vừa cải thiện tính năng cơ lý, tăng tính kín khí cho sản phẩm.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu, cải tiến đơn T73 để khắc phụ chế phỏng rộp interliner trong lốp radical của chị Hà đã giúp chấm dứt tình trạng này, mang lại hiệu quả cho Công ty hơn 1,245 tỷ đông/năm.
Bên cạnh đó, những sáng kiến như: "Cải tiến M94 cải thiện thời gian chạy lý trình lốp 8.25 - 16"; "Nghiên cứu thay đổi thành phần chống mài mòn cho lốp xe máy"; "Nghiên cứu cải thiện tính năng cơ lý đơn mặt lốp ô tô công trình"; "Xác định hệ số điền đầy đủ và quy trình luyện để đảm bảo chất lượng bán thành phẩm săm xe đạp" của người phụ nữ này cũng làm nên những con số tiền tỷ cho đơn vị.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, chị Hà cho biết, dựa theo kết quả kiểm tra chất lượng, phản ánh của khách hàng, từ đó chị mày mò nghiên cứu. Đồng thời, áp dụng các nguyên vật liệu mới hỗ trợ quá trình gia công, sản xuất và bảo đảm chất lượng để nghiên cứu cải tiến sản phẩm.
Nguyễn Phượng