Trước việc Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới tạo ra những thuận lợi và khó khăn đối với các tổ chức công đoàn và người lao động, Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam đã chủ động đề ra phương hướng hoạt động để phù hợp với tình hình mới.
Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam tạo điều kiện cho người lao động phát huy thế mạnh
Theo lộ trình cổ phần hóa Tổng công ty Giấy Việt Nam thì đến thời điểm cuối năm 2016, 100% đơn vị sẽ là công ty cổ phần, nhà nước không nắm cổ phần chi phối. Đây là một trong những thách thức đối với Công đoàn Tổng công ty cũng như các công đoàn cơ sở, sẽ có những thay đổi lớn về tổ chức và hoạt động công đoàn, đội ngũ cán bộ, công nhân lao động, pháp luật lao động… Trong khi đó, ngành công nghiệp giấy đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của giấy nhập khẩu. Các doanh nghiệp trồng rừng lại chịu nhiều yếu tố tác động như nguồn vốn, sâu bệnh, bão lốc, xâm lấn đất đai, sản phẩm ngoài trời… nên hiệu quả kinh tế bị ảnh hưởng giảm sút. Thêm nữa, máy móc, thiết bị và công nghệ sản xuất chính của các doanh nghiệp đa phần đã bị lạc hậu; Khi thay đổi công nghệ, một bộ phận lao động có nguy cơ mất việc.
Trước tình hình đó, lãnh đạo và Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam đã xác định và chỉ đạo các công đoàn cơ sở phải tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, đặc biệt là Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, những chính sách mới đối với người lao động. Từ đó, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, nắm bắt kịp thời những diễn biến tư tưởng và làm tốt công tác tư tưởng cho người lao động. Đồng thời, công đoàn cũng chủ động phối hợp với đơn vị chuyên môn và người sử dụng lao động; đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động giỏi, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thực hiện tiết kiệm gắn với tiết giảm chi phí trong sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hạ giá thành sản phẩm; nâng cao năng suất gắn với chất lượng sản phẩm, tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường.
Đơn cử, với đặc thù ngành nghề, công đoàn các công ty lâm nghiệp cũng cần đẩy mạnh phong trào “Người trồng rừng giỏi”, gắn với việc phát triển kinh tế hộ gia đình; phối hợp chuyên môn tổ chức các hội nghị chuyên đề để tìm ra các giải pháp tạo điều kiện cơ chế cho công nhân phát huy hết khả năng thế mạnh của mỗi đơn vị, từng bước nâng cao đời sống cho công nhân trồng rừng, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa.
Theo ông Nguyễn Xinh - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam, hoạt động công đoàn cần phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị toàn tổng công ty và các tổ chức trong đơn vị. Trên cơ sở đó, công đoàn tổng công ty cũng sẽ giữ mối quan hệ chặt chẽ, thông tin kịp thời giữa công đoàn cơ sở, duy trì mối quan hệ với công đoàn địa phương, thực hiện các nội dung công tác phối kết hợp trong các hoạt động công đoàn và phong trào cán bộ, công nhân viên chức địa phương; coi trọng công tác tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm hoạt động để đưa ra các giải pháp mới tốt nhất.
Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam được thành lập từ tháng 2/1996, là công đoàn cấp trên cơ sở. Hiện tại, Công đoàn Tổng công ty quản lý chỉ đạo 37 công đoàn cơ sở, 6 công đoàn cơ sở thành viên và 14 công đoàn bộ phận trực thuộc…
Thu Hà