banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật cho người lao động thời hội nhập
Cập nhật lúc 06:00 ngày 20/06/2016

Từ trước tới nay, các công ty lẫn các tập đoàn hoạt động tại Việt Nam thường gặp nhiều hạn chế trong việc tuyển dụng lao động nước ngoài bởi phải đáp ứng được hàng loạt thủ tục, tiêu chí “đầu vào” của Bộ luật Lao động Việt Nam. Song khi đã gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh những quy định pháp luật đang bảo hộ cho lao động trong nước.

Điều này sẽ dẫn đến việc lao động Việt Nam (VN) dễ mất việc ngay trên “sân nhà” nếu không đáp ứng được các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kiến thức pháp luật cho người lao động (NLĐ) nhằm đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới, thì bên cạnh những yêu cầu chủ quan và khách quan, đã đến lúc cần phát huy vai trò chủ động của doanh nghiệp.

Những trở ngại dễ thấy

Tiến trình CNH-HĐH cũng như hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay đang đòi hỏi đội ngũ lao động không chỉ đáp ứng được về số lượng, cơ cấu, trình độ học vấn mà còn đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn về kỹ năng nghề nghiệp của người lao động. Thực tế cho thấy, trong số lao động đã qua đào tạo và có trình độ thì mới chỉ có 15-20% số NLĐ đáp ứng được yêu cầu của DN (nhưng phải tiếp tục đào tạo thêm 2-3 năm nữa bởi đa phần LĐ Việt vẫn thiếu khả năng tư duy sáng tạo, tính chủ động trong công việc cũng như tác phong làm việc theo nhóm).


Nâng cao trình độ chuyên môn với NLĐ là yếu tố sống còn với DN.

Theo ông Trần Ngọc Anh (Chủ tịch CLB giám đốc Sales & Marketing VN), không thể phủ nhận những điểm mạnh của lao động bậc trung và phổ thông của VN là năng động, thông minh, thích nghi nhanh..., nhưng kỹ năng làm việc hiệu quả, tính chuyên nghiệp, khả năng tuân thủ nội quy và nhất là ngoại ngữ là những điểm yếu trong bối cảnh thị trường lao động đang hội nhập sâu rộng như hiện nay. Đứng ở góc độ chủ sử dụng lao động, ông Nguyễn Văn Đạo – lãnh đạo một liên doanh với Hàn Quốc nhìn nhận: “Chưa có nhiều người trẻ Việt quen với những “thông lệ quốc tế” (tác phong công nghiệp chuyên nghiệp, kỹ năng giao tiếp trong môi trường quốc tế...). Đồng quan điểm, ông Simon Mathews - đại diện của tập đoàn Manpower chia sẻ: “Bên cạnh kỹ năng làm việc, tôi cho rằng lao động VN cần chú trọng tới kỹ năng sử dụng ngoại ngữ. Có thể so sánh điều này ở các nước trong khu vực Asean. Philippines là một ví dụ: Nguồn nhân lực của họ sử dụng kỹ năng tiếng Anh tốt nên công tác xuất khẩu lao động khá thận lợi”.

Còn Luật sư Nguyễn Hữu Phước - Chủ tịch Công ty luật Phước & Cộng sự cho biết thêm: “Nhiều LĐ chưa được trang bị đầy đủ, một số thậm chí không quan tâm các kiến thức pháp luật về lao động, đặc biệt quyền và nghĩa vụ của người lao động... điều đó làm cho lao động Việt nói chung thường không có tính kỷ luật cao cũng như tuân thủ các cam kết, ràng buộc phát sinh từ hợp đồng lao động. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia trong khu vực ASEAN có bước chuẩn bị cho lao động nước họ về các mặt trên từ rất sớm”.

Để lao động là một tài sản quý

Để tạo cơ hội cho lao động trong nước, đặc biệt là lao động trẻ,  kịp điều chỉnh những điểm yếu và phát huy thế mạnh để có cơ hội bắt kịp “guồng xoay” mới của AEC và TPP  trong quá trình tìm việc làm thời hộị nhập, không thể phủ nhận vai trò của DN trong vấn đề này. Cuộc khảo sát mới đây của Cty Grant Thornton tiến hành trên 34 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy, nhiều DN hiện xem nguồn lao động là một tài sản quý báu. Họ chú trọng đến công tác đào tạo và bồi dưỡng cho nhân viên nhiều hơn bao giờ hết. 69% số DN ở VN nói rằng họ chi cho công tác đào tạo với mức chi phí nhiều hơn so với trước đây, trong khi trung bình của thế giới chỉ có 63% DN làm việc này.

“Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, không ngừng trí thức hoá giai cấp công nhân là một nhiệm vụ chiến lược. Đặc biệt quan tâm xây dựng thế hệ công nhân trẻ có học vấn, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao, ngang tầm khu vực và quốc tế, có lập trường giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng, trở thành bộ phận nòng cốt của giai cấp công nhân”.

(Trích Nghị quyết 20 - NQ/TƯ của Ban Chấp hành TƯ Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân VN thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước)

Bản báo cáo về tình hình lao động, nguồn nhân lực mới đây của VCCI cũng chỉ ra rằng, cần tăng cường hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và DN để thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội mà Chính phủ và Bộ GD - ĐT đề ra. Các hiệp hội  DN và các DN cũng đã có những ký kết cụ thể với cơ sở giáo dục đào tạo. Tức là DN đặt hàng ngành giáo dục đào tạo trong việc cung ứng lao động chất lượng cao. Các DN không thể đứng ngoài hệ thống giáo dục đào tạo, chỉ đòi hỏi, yêu cầu, đặt hàng, mà họ phải trở thành một trong những chủ thể quan trọng nhất của đào tạo, chủ động tổ chức đào tạo để đáp ứng nhu cầu của chính mình và của xã hội.  Chẳng hạn,  các DN cần có những chính sách ưu đãi riêng để “chiêu mộ” người lao động có trình độ chuyên môn cao, tay nghề vững về làm việc trong đơn vị mình. Ngoài việc chiêu mộ lao động có tay nghề cao, từng DN cần phối hợp với các trường kỹ thuật tiến hành đào tạo, đào tạo lại để người lao động có điều kiện hoàn thiện tay nghề và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công việc. Các chuyên gia lao động cũng cảnh báo rằng: Nếu lãnh đạo DN không bắt tay vào việc phát triển nhân tài cho chính DN của mình thì sẽ phải trông chờ vào nơi khác, hoặc phải dùng lương cao và phúc lợi hấp dẫn hơn để thu hút những người mà chưa chắc kiến thức và kỹ năng của họ khiến bạn hài lòng 100%.

Tuy nhiên, ông Simon Mathews cho rằng: “Đứng từ góc độ của nhà tuyển dụng, quan điểm của tôi là không cần quá tập trung tuyển người đã được đào tạo kỹ năng cứng chính xác mà cần chú ý tới kỹ năng mềm của NLĐ nhiều hơn (tức là thái độ làm việc, sự cống hiến cho công việc, sự chăm chỉ làm việc và sự gắn bó với công ty…). Đó là cách chúng ta phải đào tạo ngay từ ban đầu”.

Ông Simon Mathews cũng cho biết thêm, VN cần gấp rút đào tạo nâng cấp kỹ năng lao động. Điều này giúp cho lao động có thể làm việc được trong những lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng cao hơn, đồng nghĩa với thu nhập sẽ cao. Bởi đã đến lúc, câu chuyện cần được quan tâm là năng suất lao động và tính hiệu quả trong lao động, chứ không tới lao động giá rẻ hay đắt nữa. “Nếu thực hiện được việc đào tạo nhân lực có tay nghề và điều chỉnh sang lĩnh vực kỹ thuật cao, VN có thể làm và cạnh tranh được với nhiều nước trong khu vực ASEAN. Đơn cử như tại Thái Lan, giá ngày công lao động trung bình là 10 USD/ngày. Với sự điều chỉnh trên, tôi nghĩ  lao động VN sẽ có thể cạnh tranh được” – ông Simon Mathews khẳng định. 

Có thể thấy, nâng cao trình độ cho người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho họ là một cách thiết thực, cụ thể và nó đang là những nhiệm vụ hàng đầu của cộng đồng DN. Bởi ai cũng hiểu rằng, chăm lo tốt cho người lao động chính là nghĩa vụ trước pháp luật, là tố chất nhân văn của chủ DN đối với người lao động và là đạo đức kinh doanh, văn hóa - văn minh của doanh nghiệp VN trong giai đoạn hiện nay.

Kim Thoa (Nguồn LĐTĐ)