TƯLĐTT là văn bản thỏa thuận giữa tập thể LĐ và người sử dụng LĐ về các điều kiện LĐ mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể. Bên cạnh đó, TƯLĐTT được ví như một “bộ luật LĐ con” tại mỗi doanh nghiệp. Một bản TƯLĐTT có chất lượng sẽ là công cụ quan trọng trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ và giải quyết các mối quan hệ LĐ trong DN.
Việc chăm lo đời sống cho NLĐ trong mỗi dịp lễ, tết đã được Cty TNHH may Tinh Lợi (Hải Dương) đưa vào TƯLĐTT.
TƯLĐTT chất lượng - đời sống NLĐ được cải thiện
Tập đoàn Hóa chất VN là một trong những đơn vị lớn thuộc ngành Công thương với gần 23.000 cán bộ, CNVCLĐ. Theo ông Vũ Tiến Dũng - Chủ tịch CĐ Công nghiệp Hóa chất VN - hiện nay, ngoài các đơn vị hành chính sự nghiệp thì 100% số DN trong tập đoàn đều đã ký TƯLĐTT. Trong đó, có nhiều bản thỏa ước (TƯ) có nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ. Cụ thể: Hỗ trợ NLĐ về nghỉ chế độ từ 5-7 tháng lương, hỗ trợ tiền khám-chữa bệnh cho NLĐ mắc bệnh hiểm nghèo từ 30-50 triệu đồng/năm… (Cty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao); Hỗ trợ cho nữ CNVC có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, đi học tập nâng cao trình độ tại các trường ngoài tỉnh 1.000.000 đồng/tháng, đi học trong tỉnh là 500.000 đồng/tháng, Hỗ trợ 50% tiền mua bảo hiểm tai nạn sinh hoạt cho 100% CNVC (Cty TNHH MTV Apatit VN); NLĐ cứ mỗi năm thâm niên làm việc trong Cty được cộng thêm 1,1% hệ số lương cấp bậc hoặc chức vụ nhân với lương cơ bản, NLĐ khi nghỉ hưu được trợ cấp 3 tháng lương (Cty CP Pin ắc quy miền Nam); Mua bảo hiểm nhân thọ cho 100% CNLĐ (Cty CP Phân bón Bình Điền)…
Qua công tác tuyên truyền của các cấp CĐ, tỉ lệ các doanh nghiệp trong ngành công thương có TƯLĐTT mỗi năm đều tăng. Tuy nhiên, chất lượng của các bản thỏa ước ấy không đồng đều. Không ít bản TƯLĐTT được chép theo luật, những bản có chất lượng (có nhiều khoản có lợi hơn cho người lao động so với luật quy định) chiếm tỉ lệ khiêm tốn.
Đánh giá mới nhất của CĐ TCty Thuốc lá VN cho thấy có 25/27 bản TƯLĐTT đạt loại A - nội dung các TƯ đều có những thỏa thuận cao hơn luật, có lợi hơn cho NLĐ: Mua bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm thân thể cho NLĐ; NLĐ đi khám bệnh dưới 4 giờ được tính vào giờ làm việc; NLĐ được hỗ trợ tiền thuốc 100.000 đồng/người/tháng; chi tiền tàu, xe thăm nguyên quán, tứ thân phụ mẫu, vợ/chồng, con... Đặc biệt hỗ trợ NLĐ bị bệnh hiểm nghèo điều trị bệnh với mức hỗ trợ tối đa 120 triệu đồng/người…
Thực tế cho thấy, CNLĐ ở các đơn vị thuộc CĐ Công nghiệp Hóa chất VN và CĐ TCty Thuốc lá VN có việc làm và thu nhập ổn định ở mức khá; NLĐ yên tâm làm việc, cống hiến. Ông Vũ Tiến Dũng - Chủ tịch CĐ CN Hóa chất VN - cho rằng, có được điều này là nhờ sự tác động, ảnh hưởng không nhỏ từ những bản TƯLĐTT có chất lượng mà các cấp CĐ đã đạt được, trên cơ sở nắm bắt chính xác những nhu cầu của cả NLĐ lẫn DN trong quá trình thực tế sản xuất kinh doanh.
Đa dạng hình thức để cạnh tranh phát triển
Theo ông Quách Văn Ngọc - Trưởng ban Chính sách Pháp luật CĐ Công thương VN - hiện ngành Công thương có các loại hình ký kết TƯLĐTT như sau: TƯLĐTT trong DN, TƯLĐTT theo nhóm ngành nghề (TCty Thép VN), TƯLĐTT ngành Dệt may. Tuy nhiên, trong ngành Dệt may lại có TƯLĐTT nhóm DN dệt may Bình Dương.
Mục đích của loại TƯ này là đưa ra một mặt bằng chung cho một nhóm DN hoặc một ngành về quyền lợi của NLĐ mà tất cả các DN phải thực hiện, tùy từng điều kiện của DN mình mà có thể thương lượng để tăng những điểm có lợi hơn cho NLĐ và không được phép thấp hơn mặt bằng chung đó. Ưu điểm là tạo sự phấn đấu giữa các DN trong cùng ngành, cùng nhóm với nhau. Ví dụ, TƯLĐTT đưa ra tiền lương tối thiểu phải cao hơn 10-20% so với mức lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước. Khi các DN chấp nhận vào “sân chơi” đó thì đương nhiên “anh” phải thực hiện theo TƯ chung. Mặt khác, DN cũng phải thực hiện được những cam kết khác của mình đối với NLĐ.
Bên cạnh đó, theo ông Trịnh Xuân Tuyên - Phó Chủ tịch CĐ Công thương VN - việc ký TƯLĐTT theo ngành hay theo nhóm DN nêu trên giúp cho công tác quản lý của cấp trên cơ sở được sâu sát hơn đến việc chăm lo quyền lợi của NLĐ bởi các TCty và các Tập đoàn hiện đang có mối quan hệ đối vốn và đối nhân đối với các đơn vị của mình, họ muốn đưa ra những ràng buộc không chỉ về SXKD, mà còn chăm lo đến đời sống NLĐ trên cơ sở TƯLĐTT. Ưu điểm là thế, nhưng vấn đề ở đây là phải có cơ chế giám sát thực hiện chặt chẽ. Giám sát một DN đã khó, giám sát một nhóm DN hay một ngành chắc chắn không đơn giản. Hơn nữa, chế tài xử lý (nếu không thực hiện đúng theo TƯLĐTT hoặc không ký trong DN) chưa đủ mạnh để các DN có thể tự giác thực hiện. Ông Ngọc cho biết, với mức xử phạt như hiện nay (từ 3-5 triệu đồng) thì không ít DN sẵn sàng không ký TƯLĐTT hoặc có ký thì cũng chỉ là hình thức, chép đúng những điều quy định trong luật.
Nguồn Báo Lao động