banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Phân phối tài chính Công đoàn Công Thương Việt Nam trong cơ chế mới
Cập nhật lúc 01:17 ngày 09/01/2014

Có thể nói, Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012 có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 đã làm thay đổi “diện mạo” về tài chính công đoàn, khi mà tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều có nghĩa vụ trích nộp kinh phí CĐ bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH, cho dù cơ quan, tổ chức, DN đó đã thành lập được CĐ cơ sở hay chưa. Điều này đồng nghĩa với việc số thu kinh phí công đoàn của hệ thống Công đoàn Việt Nam sẽ tăng lên. Kết quả tăng này là do khi đưa việc thu 2% kinh phí công đoàn vào Luật, chúng ta đã thu đúng, thu đủ với số lao động hiện có ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, tránh thất thu cho tổ chức công đoàn và thu được kinh phí cả ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. 


Nhưng có một thực tế, không phải trên nguyên tắc, số thu của hệ thống Công đoàn Việt Nam tăng nghĩa là số thu kinh phí công đoàn của các cấp công đoàn trong hệ thống công đoàn Việt Nam đều tăng theo mà có nhiều đơn vị, ngược lại, sẽ bị giảm nguồn thu này. Điều này được thể hiện rất rõ tại Công đoàn Công Thương Việt Nam.Theo số liệu tổng hợp dự toán năm 2013 thì số thu kinh phí công đoàn năm 2013 giảm khoảng 50% so với năm 2012. Sự sụt giảm này không chỉ riêng với Công đoàn Công Thương Việt Nam mà còn ở một số Ngành khác. Lý do là từ năm 1999 đến năm 2012, hệ thống công đoàn thực hiện thu kinh phí công đoàn theo hướng dẫn tại Thông tư 76/1999/TTLT/TC-TLĐ và Thông tư 119/2004/TTLT/BTC-TLĐLĐVN, theo đó các doanh nghiệp trích, nộp kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương, tiền công phải trả cho người lao động  thay bằng bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH như hiện nay. Chính vì vậy, những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, có lợi thế, được ưu đãi trong sản xuất kinh doanh là những doanh nghiệp có quỹ tiền lương phải trả lớn. Sau khi thực hiện thu kinh phí công đoàn theo Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012, số thu kinh phí công đoàn của công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Công Thương Việt Nam trung bình giảm khoảng 50%, cá biệt có đơn vị giảm đến 70%. Đây chính là một “thách thức” đối với công tác tài chính của Công đoàn Công Thương Việt Nam.

Xác định công tác tài chính công đoàn là “chất xúc tác” cho các hoạt động của công đoàn nên trong những năm qua công tác tài chính của Công đoàn Công Thương Việt Nam luôn được coi trọng, đã hoàn thành tốt vai trò của mình, đảm bảo đủ điều kiện vật chất cho các hoạt động của Công đoàn Công Thương Việt Nam. Tuy nhiên điều mà Công đoàn Công Thương Việt Nam hướng tới không chỉ là việc hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ trong công tác tài chính nói riêng, các mặt hoạt động công đoàn nói chung, mà phải là xây dựng một hệ thống tài chính có tính bền vững, hướng tới mục tiêu cùng phát triển trong cơ chế mới như hiện nay. Trong đó, việc phân phối nguồn thu giữa các cấp công đoàn trực thuộc Công đoàn Công Thương Việt Nam là hết sức quan trọng.

Với ý nghĩa đó, mục tiêu đặt ra cho công tác tài chính Công đoàn Công Thương Việt Nam là tạo sức mạnh tài chính từ cơ sở, khai thác triệt để các nguồn thu và có sự điều tiết hợp lý giữa các cấp công đoàn trong hệ thống qua bài toán phân phối tài chính.

Riêng đối với việc phân phối với công đoàn cơ sở đã được Tổng Liên đoàn quy định cụ thể tại Quyết định số 168/QĐ-TLĐ ngày 09/01/2013, theo đó Công đoàn cơ sở được sử dụng 65% kinh phí, 60% đoàn phí và 100% thu khác. Vấn đề còn lại là bài toán phân phối giữa Công đoàn ngành và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đây là việc khá khó khăn trong bối cảnh nguồn thu giảm sút như hiện nay nhưng vẫn phải giữ được nguyên tắc đảm bảo hài hòa, hợp lý và có tính bền vững.

Nếu như Quyết định phân phối tài chính công đoàn đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở của Công đoàn Công Thương Việt Nam - ban hành năm 2011 dựa trên Quyết định số 1070/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam căn cứ vào chỉ tiêu lao động và chỉ tiêu thu kinh phí để quy định tỷ lệ cho phù  hợp với 09 bậc và tỷ lệ giãn cách giữa các bậc là 1%, trong đó tỷ  lệ trích nộp cao nhất về Ngành là 25% và tỷ lệ thấp nhất là 15% (vì tỷ lệ trích nộp của Công đoàn Công Thương Việt Nam lên Tổng Liên đoàn năm 2012 là 15%); thì nay, khi xem xét, nghiên cứu để ban hành Quyết định phân phối mới cho phù hợp với quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo Luật Công đoàn sửa đổi; ngoài việc xem xét các chỉ tiêu về lao động, nguồn thu, Công đoàn Công Thương Việt Nam còn phải phân tích số liệu báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách công đoàn của các đơn vị qua nhiều năm để đưa vào phương án phân phối một tỷ lệ chi nhất địnhcho từng công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Việc đưa tỷ lệ chi vào phương án phân phối sẽ giúp cho công đoàn cơ sở có cái nhìn tổng quát về “bức tranh” tài chính không chỉ riêng ở đơn vị mình mà tổng thể toàn Ngành để từ đó có sự cố gắng, có ý thức trách nhiệm, chia sẻ những khó khăn trong bối cảnh nguồn thu bị giảm sút nhưng các nội dung hoạt động vẫn phải đảm bảo duy trì đều đặn. Với cách làm hết sức tỷ mỷ, có sự đầu tư khoa học, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã đưa ra một tỷ lệ nộp cấp trên hợp lý, có thể cân đối nguồn tài chính toàn Ngành, đồng thời tạo khuyến khích công đoàn cơ sở thu cao, tích lũy nguồn tài chính, tạo vị thế cho tổ chức công đoàn.

Quyết định số 239/QĐ-CĐCT ngày 10 tháng 9 năm 2013 của Công đoàn Công Thương Việt Nam về phân phối nguồn thu tài chính công đoàn đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã đáp ứng được những yêu cầu đặt ra cho “bài toán” tài chính công đoàn hiện nay. Mặc dù Công đoàn Công Thương Việt Nam phải lấy tỷ lệ % nộp cho Tổng Liên đoàn làm căn cứ phân bổ tỷ lệ nộp cấp trên cho các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nhưng ngay từ sau buổi Hội thảo trước khi ban hành Quyết định, dựa trên yêu cầu thực tế cũng như những ý kiến tham gia, góp ý của tất cả các đơn vị tham dự Hội thảo (15/16 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở), Ban Tài chính Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tham mưu xây dựng thêm 2 phương án phân phối để trình Thường trực Thường vụ xem xét trước khi Ban Thường vụ phê duyệt. Quyết định phân phối năm 2013 đã chia nhỏ tỷ lệ trích nộp với 17 bậc, tỷ lệ giãn cách giữa các bậc là 0,5 %. Với cách phân bậc này, khi số thu kinh phí công đoàn hàng năm của đơn vị tăng lên do tăng lương tối thiểu, tăng mức đóng BHXH… cũng không ảnh hưởng nhiều đến cán cân tài chính của công đoàn cơ sở do tỷ lệ nộp có độ giãn cách hợp lý.

Tuy nhiên, những đơn vị có nhiều khó khăn sẽ được Ban Thường vụ Công đoàn Công Thương Việt Nam xem xét và quyết định một tỷ lệ thích hợp để đảm bảo cho đơn vị có đủ kinh phí để hoạt động.

Năm 2013, sẽ là năm các doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước và cũng là năm đầu tiên thực hiện thu kinh phí theo Luật Công đoàn, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tài chính công đoàn. Chính vì vậy, những người làm công tác tài chính công đoàn phải là người hiểu sâu sắc nhất ý nghĩa của công tác này.

Những thành tích đã đạt được của đội ngũ những người làm công tác tài chính công đoàn trong Ngành trong những năm qua là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, những khó khăn sắp tới đòi hỏi mỗi cá nhân cần phát huy hết năng lực, trách nhiệm, thực hiện thu đúng, thu đủ, chi tiết kiệm, hiệu quả, quản lý tốt nguồn thu góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu hoạt động công đoàn và phong trào công nhân của Ngành trong nhiệm kỳ mới.

Tin rằng với sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Thường vụ Công đoàn Công Thương Việt Nam, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Thường vụ Công đoàn Công Thương Việt Nam, tin tưởng ở đồng nghiệp, và đặc biệt tin vào đội ngũ những người làm công tác tài chính trong Ngành, cùng hướng tới một mục tiêu Công đoàn Việt Nam ngày càng phát triển và phát triển bền vững.

Nguyễn Thị Phương Nam