Một nhà nghiên cứu kinh tế đã đánh giá Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông là một “hiện tượng”, vì 26 năm liên tục có doanh thu năm sau cao hơn năm trước, đến năm 2015 đạt gần 3.000 tỷ đồng, với tốc độ tăng bình quân 10 -15%/năm, trong đó có năm đạt doanh thu gấp 2 lần so với năm trước.
Có được kết quả ngoạn mục này, một nguyên nhân quan trọng mà có lẽ những người đã gắn bó nhiều năm với đơn vị sẽ thấu hiểu nhất, đó là doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả nhân tố con người, tạo lập được mối quan hệ lợi ích kinh tế giữa người sử dụng lao động và người lao động. Ở đây không có quan hệ người chủ - người làm thuê, mà thay vào đó, cán bộ công nhân viên vừa là người lao động vừa là chủ sở hữu Công ty.
Người lao động cùng chèo lái và làm chủ “con thuyền Rạng Đông”
Nhớ lại những năm đầu của cuộc đổi mới lần I, trong bối cảnh kế hoạch hóa tập trung vừa xóa bỏ bao cấp, doanh nghiệp (DN) lại đụng độ với cơn lũ hàng Trung Quốc tràn qua biên giới. Do không được chuẩn bị, có lúc toàn Công ty với biên chế cồng kềnh trên 1.600 người chỉ tạo doanh thu 4 tỷ đồng/năm (1987, 1988), phải đóng cửa liền 6 tháng, luân phiên đóng cửa mỗi bộ phận 3 tháng, năm 1990 còn bị lỗ... khiến Con thuyền Rạng Đông sắp đắm.
Vì sự tồn tại của DN lúc đó, nhiều đảng viên gương mẫu đã lôi cuốn trên 700 cán bộ công nhân viên (CBCNV) chấp nhận khó khăn về mình, chuyển sang công việc khác hoặc nghỉ việc để Công ty sắp xếp lại, với hy vọng Rạng Đông sẽ phục hồi. Trong lúc đơn vị mỗi lần vay vốn ngân hàng phải có cấp trên bảo lãnh, không có tiền đầu tư, với cơ sở vật chất hoàn toàn như cũ, 900 con người ở lại đã nhanh chóng phục hồi Công ty, rồi liên tục năm sau đạt doanh thu, lợi nhuận gấp đôi năm trước. Đến khi đã khai thác tối đa năng lực từng dây chuyền hiện có, muốn tiếp tục phát triển thì DN cần đầu tư vào khâu “căng” nhất để phát huy năng lực toàn hệ thống. Lúc đó, một DNNN mà trông chờ Nhà nước rót vốn đầu tư là không thể. Trong hoàn cảnh ấy, hơn 10 năm liền, CBCNV đã dành tiền thưởng cho Công ty vay số tiền chiếm tới 2/3 tổng vốn đầu tư, làm thay đổi gần toàn bộ phần “ruột” Nhà máy.
Lại nhớ giai đoạn từ năm 2004, Công ty bắt tay vào cổ phần hóa (CPH). Vị thế “làm chủ” của người lao động (NLĐ) được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Nhờ có sẵn số tiền thưởng hàng năm cho Công ty vay, mọi công nhân đều có tiền mua hết số cổ phần được mua, chiếm tới 96% và nắm giữ 40,6% cổ phần. Đây thực sự là điều hiếm có. Nhưng khi thị giá cổ phiếu tăng 15-20 lần, nhiều người đã bán cổ phiếu, tỷ lệ tập thể CBCNV nắm giữ chỉ còn 7%, đã có những thế lực muốn xóa bỏ thương hiệu Rạng Đông, biến thành khu đô thị. Lãnh đạo Công ty không cam chịu và đến năm 2015 đã hoàn thành mua phần lớn cổ phiếu RAL giao cho tổ chức công đoàn nắm giữ. “Tết 2016, riêng chia cổ tức, bình quân mỗi CBCNV được chia 6,5 triệu đồng. CBCNV không phải là người làm thuê cho ông bà chủ nắm quyền sở hữu Công ty, mà 100% sở hữu cổ phiếu tập thể. Tiền lương, tiền thưởng trả cho NLĐ không còn là chi phí nhân công mà là sự đầu tư cho nhân tố con người, sự chia sẻ giá trị gia tăng do mọi người tạo ra, sau khi thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, với xã hội và với Công ty”, Bí thư Đảng ủy - Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng phấn khởi cho biết.
Người lao động là “trung tâm” mỗi phong trào thi đua
Nói đến vai trò “làm chủ” của NLĐ tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, không thể không nhắc đến các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) sôi nổi rộng khắp.
Điều này thể hiện rõ trước hết ở phong trào “Thi đua học tập và làm theo lời Bác dạy” 20 năm đầu, tổ chức mỗi năm 4 đợt. Khi đã bắt đầu có sức ỳ, phong trào thi đua chuyển sang tổ chức các cao trào “Hội thao diễn kỹ thuật & Bình chọn lao động giỏi” (HTDKT&BCLĐG). Đến giữa năm 2015, Đảng bộ quyết định chuyển các cao trào HTDKT&BCLĐG thành “Thi đua làm theo lời Bác trong mọi công việc thường xuyên, hàng ngày của mỗi người”. Hàng tháng, mọi đơn vị chấm điểm cho đơn vị và từng cá nhân theo kết quả nâng cao giá trị gia tăng hoàn thành vượt mức SXKD và chức năng nhiệm vụ, theo kết quả thực hiện các nhóm giải pháp của 3 Chương trình nâng cao trình độ quản trị, trình độ KHCN, phát huy nhân tố con người. Nghị quyết Đại hội không chỉ nằm trên văn bản mà được cụ thể hóa thành 6 tiêu chí và 18 tiểu tiêu chí, thành thang điểm 1.000 và gắn với thu nhập hàng tháng, tiền thưởng của mọi người. Hàng tháng, cá nhân tự chấm điểm, từng đơn vị tự chấm điểm, tập thể lãnh đạo cấp trên chấm điểm. Gắn với điểm không chỉ là thu nhập nhiều - ít, mà quan trọng hơn là kết quả hoạt động của từng người, từng đơn vị được định lượng, được khẳng định. 6 tháng một lần, CBCNV được phân loại từ xuất sắc đến yếu, làm cơ sở để sắp xếp, tinh giản biên chế.
Ông Nguyễn Đoàn Thăng có lần chia sẻ, thành quả quan trọng nhất của các phong trào thi đua là tạo được niềm tin trong lòng tập thể NLĐ Rạng Đông, rằng: Với con người và điều kiện SXKD đang có, nếu đồng lòng quyết vươn lên, phát huy trí tuệ sáng tạo, chắc chắn có thể tạo nên kết quả cao hơn, vượt mọi thách thức. 5 năm với 10 đợt HTDKT&BCLĐG (2010-2015), Rạng Đông đã nâng doanh số tiêu thụ từ 1.445 tỷ đồng lên 2.998 tỷ đồng (tăng 2,07 lần); nộp ngân sách cũng tăng 2,07 lần; thu nhập bình quân từ 5,3 triệu lên 10,5 triệu đồng/người/tháng (tăng 1,98 lần); lợi nhuận tăng 2,59 lần; cổ tức từ 20% lên 35% (tăng 1,75 lần). Với vốn điều lệ ít ỏi 115 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 500 tỷ đồng, DN vẫn được Report Việt Nam, Forbes Việt Nam liên tục 4 năm qua xếp trong 500 DN lớn nhất, 500 DN tăng trưởng nhanh nhất, 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, đặc biệt sản phẩm LED - nguồn sáng thế kỷ 21 phát triển ào ạt, các sản phẩm đèn truyền thống Rạng Đông như dây tóc, huỳnh quang… suy giảm nhanh chóng theo vòng đời sản phẩm, thì kết quả tăng trưởng liên tục này chính là thành tựu đáng tự hào mà các phong trào thi đua sôi nổi - trong đó NLĐ luôn là “trung tâm” đã mang lại.
Việt Hòa