banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
TPP - Những tác động tới tiền lương và sự dịch chuyển lao động
Cập nhật lúc 11:36 ngày 03/11/2015

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nhiều lần cải cách chính sách tiền lương để phù hợp với nền kinh tế hội nhập. Dù đã đạt được những thành công nhất định, song vẫn còn rất nhiều hạn chế, nhất là cơ chế tạo nguồn chưa được tháo gỡ dẫn đến việc cải cách tiền lương bị rơi vào vòng luẩn quẩn và còn nhiều vấn đề bất hợp lý giữa tiền lương và thu nhập của người lao động ở các thành phần kinh tế khác nhau.


Thực trạng tiền lương của người lao động Việt Nam

Một điều dễ thấy là mức tiền lương nhìn chung vẫn còn thấp. Chế độ tiền lương hiện đang áp dụng cho người lao động không phản ánh đúng giá trị sức lao động và không phù hợp với những biến đổi của giá cả trên thị trường, còn mang tính bình quân cao, chưa thực hiện đồng bộ với các chính sách kinh tế xã hội như bảo hiểm xã hội, giáo dục và đào tạo...

Những tồn tại trên của hệ thống tiền lương là do Nhà nước và các ngành chức năng chưa nhận thức đúng bản chất tiền lương, chưa xem tiền lương là yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất và do đó tiền lương chưa theo đúng giá trị sức lao động. Chưa gắn với chính sách tài chính và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế từng thời kỳ. Trong khi chuyển từ cơ chế quản lý cũ sang cơ chế quản lý mới, nhiều ngành đã đổi mới hoạt động cho phù hợp với cơ chế thị trường nhưng hệ thống tiền lương lại chậm được thay đổi, tiền lương vẫn còn nửa bao cấp, nhiều khoản chưa được tiền tệ hoá, điều đó đã tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống xã hội. Thêm vào đó nhiều hiện tượng tiêu cực như tham nhũng đặc quyền, đặc lợi... gắn với những sơ hở trong quản lý kinh tế cũng tác động xấu đến tiền lương và thu nhập làm cho vấn đề cải thiện, nâng cao đời sống người lao động không được là bao.

Những bất cấp của chính sách tiền lương đã dẫn đến lương bình quân của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ASEAN (ở mức 3,8 triệu đồng/tháng -181 USD), chỉ cao hơn Lào, Campuchia nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các nước còn lại trong ASEAN. Một khảo sát mới đây của Công ty dịch vụ đầu tư quốc tế Dezan Shira & Associates cho thấy, tiền lương trung bình tháng của Việt Nam chỉ bằng 1/4 so với Malaysia và bằng 1/2 tiền lương ở Thái Lan và Trung Quốc. Mức lương này chỉ cao hơn Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực ASEAN như Philippines (206 USD), Thái Lan (357 USD), Malaysia (609 USD), Singapore (3.547 USD). 

Tác động tích cực tới vấn đề tiền lương

Đối với người lao động, tiền lương luôn là mối quan tâm đặc biệt bởi tiền lương là nguồn thu nhập chủ yếu của người lao động; tiền lương là bộ phận chủ yếu đáp ứng yêu cầu tái sản xuất và tái sản xuất mở rộng sức lao động trên các phương diện: thể lực, trí lực, văn hóa tinh thần và chi phí đào tạo cho cả người lao động lẫn gia đình họ.Ngoài ra tiền lương thể hiện sự đánh giá của xã hội đối với tài năng, trí tuệ, năng lực, kết quả lao động và cống hiến của mỗi người. Ở mức độ nhất định, tiền lương có thể được xem là bằng chứng thể hiện giá trị, địa vị, uy tín của người lao động trong xã hội. Vì vậy, tiền lương và thu nhập phải thể hiện được sự công bằng trong phân phối theo kết quả lao động và hiệu suất công tác của mỗi người. Đối với toàn bộ nền kinh tế Tiền lương là một trong những chính sách kinh tế - xã hội vĩ mô quan trọng của Nhà nước nhằm phân phối, điều tiết thu nhập. Một chính sách tiền lương hợp lý sẽ góp phần kích thích, tạo động lực trong sản xuất kinh doanh; thúc đẩy phát triển thị trường lao động; khuyến khích người lao động rèn luyện nghiệp vụ, nâng cao tay nghề, góp phần phát triển và phân bố hiệu quả nguồn nhân lực; đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng lực lượng lao động, góp phần làm tăng thu nhập, nâng cao đời sống người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, đồng thuận… Chính vì vậy, tiền lương có thể sử dụng như một công cụ kích cầu trực tiếp, có hiệu lực nhanh nhất, nhạy cảm nhất. Chính sách tiền lương sẽ tác động tích cực đến cải thiện đời sống không chỉ của người lao động mà của toàn xã hội, từ đó kích sản xuất, dịch vụ xã hội phát triển, tăng thu ngân sách.

Trong quá trình thực hiện TPP, sẽ làm cân bằng  giá tất cả các yếu tố sản xuất trong đó có yếu tố tiền công - tiền lương giữa các nước, các khu vực. Khoảng cách về thu nhập của người lao động tại các nước, các vùng phát triển và chậm phát triển hơn sẽ dần được thu hẹp lại do kết quả của việc tăng trao đổi thương mại và luân chuyển vốn đầu tư. Sẽ có sự tăng mức lương trung bình giữa các nước khác nhau nhờ quá trình tự do hóa thương mại và đầu tư. Với người lao động Việt Nam, TPP sẽ có tác động tích cực tới tiền lương. Sự ảnh hưởng tích cực này được thực hiện thông qua mối quan hệ trực tiếp giữa tiền lương với năng suất lao động, giữa tiền lương với giá cả sức lao động.

TPP sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tự do hóa thương mại đồng thời đẩy nhanh quá trình CNH,HĐH đất nước, tiền lương của người lao động nước ta có thể sẽ tiếp tục tăng lên hàng năm. Dự báo về triển vọng tiền lương khu vực châu Á năm 2015 của Công ty tư vấn nhân sự Towers Watson cho hay, nếu tính cả yếu tố lạm phát, tiền lương của Trung Quốc vẫn tiếp tục dẫn đầu năm 2015 với mức tăng 5,2%. Việt Nam theo sát Trung Quốc với 4,1%; Ấn Độ 3,5%; Indonesia 3,3%; Malaysia và Singapore 2,2%.

Mức dự báo này phù hợp với xu hướng gần đây của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện tăng lương tối thiểu vùng với mức tăng phụ thuộc vào từng vùng từ 250.000-400.000 VNĐ. Đây là lần tăng lương thứ 4 của Việt Nam trong vòng 5 năm.

Tác động tiêu cực tới vấn đề tiền lương

Khi TPP được thực hiện, có thể dẫn tới nguy cơ tăng khoảng cách thu nhập, đời sống không chỉ trong các bộ phận dân cư mà ngay cả trong đội ngũ công nhân, lao động nước ta. Bởi các yếu tố của TPP không trực tiếp gây nên sự nghèo đói nhưng lại làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, đẩy nhanh tốc độ phân cực giữa các nhóm lao động với nhau.

Do yêu cầu lao động, các nhóm lao động có trình độ cao sẽ được trả công cao hơn gấp nhiều lần, thậm chí gấp hàng chục lần và được hưởng các đãi ngộ lớn hơn hẳn các nhóm lao động khác. Đặc biệt, từ bất bình đẳng về thu nhập sẽ dần đến những bất bình đẳng về cơ hội, quyền lợi và địa vị xã hội giữa những người lao động như:

- Bất bình đẳng trong tiếp cận hệ thống giáo dục, dạy nghề.

- Bất bình đẳng trong cơ hội tạo việc làm, tìm kiếm và thay đổi việc làm.

- Bất bình đẳng trong tiếp cận hệ thống chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.

- Bất bình đẳng trong tiếp cận hệ thống BHXH.

- Bất bình đẳng về địa vị xã hội.

- Bất bình đẳng về cơ hội giao lưu xã hội, giao lưu quốc tế.

- Bất bình đẳng trong hưởng thụ đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần.

- vv… 

Ngoài ra, để đương đầu với những áp lực từ phía thị trường, nhiều doanh nghiệp sẽ cắt giảm lao động, giảm tiền lương và trợ cấp phúc lợi. Việc vi phạm các quy định về điều kiện an toàn vệ sinh lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và các điều kiện làm việc khác sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Trong khi hệ thống chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, hưu trí, chăm sóc y tế, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chưa thực sự hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế thị trường hội nhập kinh tế quốc tế. Những yếu tố tiêu cực trên sẽ tác động làm cho quan hệ lao động trở nên phức tạp hơn, dẫn đến những tranh chấp lao động lơn hơn về quy mô, số lượng và phức tạp hơn về tính chất nếu như  chúng ta không khẩn trương có những giải pháp đồng bộ để giải quyết.

Tác động tới sự dịch chuyển lao động

Sự di chuyển lao động tự do phần lớn mang tính tự phát tới các vùng đô thị. TPP được thực hiện, với làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, sự di chuyển lao động diễn ra mạnh hơn, kéo theo nhiều tác động với mức độ lớn hơn. Sự di chuyển này có tác động hai mặt cả tích cực lẫn tiêu cực.

Cùng với đầu tư nước ngoài, kinh tế tư nhân cũng sẽ phát triển mạnh mẽ, điều đó góp phần tạo nên nhiều chỗ làm việc mới và dẫn đến số lượng người lao động chuyển đến khu vực đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng tăng làm cho cơ cấu đội ngũ lao động theo thành phần kinh tế cũng có sự dịch chuyển mạnh. Cùng với đó, phần lớn lao động và dân cư nước ta hiện nay vẫn ở khu vực nông thôn, TPP sẽ góp phần đẩy nhanh hơn quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, quá trình đô thị hóa nông thôn sẽ tăng lên. Sẽ có một lực lượng lớn lao động nông nghiệp, thanh niên nông thôn gia nhập đội ngũ công nhân lao động trong các doanh nghiệp.

Ngoài ra TPP còn có những tác động kích thích di chuyển lao động ở cả tầm quốc tế. Bên cạnh việc di chuyển lao động truyền thống còn dẫn đến sự dịch chuyển lao động giữa các ngành nghề, các khu vực kinh tế, thu hút cả lao động phổ thông, lao động có tay nghề ở những trình độ đào tạo khác nhau. Như vậy, việc di chuyển lao động tự do góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho bộ phận lao động dư thừa đang có xu hướng tăng lên ở nông thôn. Nó cũng góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế trong cả nước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và đáp ứng nhu cầu lao động cho nhiều ngành nghề mới.

Trong quá trình thực hiện tự do hóa thương mại việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế sẽ làm cho lao động khu vực nông nghiệp có nhu cầu tìm việc làm mới tăng cao khiến cho số lượng việc làm được tạo ra trong ngành kinh tế không thể thu hút hết số lao động đang tìm việc làm hoặc thay đổi chỗ làm việc mới. Việc gia tăng nhanh lao động trong khu vực doanh nghiệp bên cạnh việc tác động tích cực tới việc làm - đời sống người lao động nhưng cũng đặt ra hàng loạt vấn đề về quản lý nhà nước về lao động. Bởi trên phương diện đời sống, những lao động tìm việc làm hoặc thay đổi chỗ làm mới sẽ bỡ ngỡ và gặp khó khăn với môi trường sinh hoạt đô thị và các khu công nghiệp. Họ không chỉ gặp khó khăn về chỗ ở và việc làm và còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận và hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục. Họ cũng không có điều kiện hưởng các chương trình trợ giúp của nhà nước. Nhiều quyền, lợi ích chính đáng của lao động nhập cư không được bảo đảm thực hiện.

Cùng với đó, lao động nhập cư với số lượng lớn sẽ làm cho đời sống dân cư ở nhiều địa phương gặp khó khăn, làm tăng thêm gánh nặng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng nhanh về nhu cầu nhà ở, điện, nước, giao thông, làm tăng các tệ nạn xã hội. Vì vậy, vấn đề di chuyển lao động vào các khu công nghiệp, các đô thị cần được các cơ quan chức năng của Nhà nước nhìn nhận đúng để có chiến lược lâu dài. Tổ chức công đoàn cũng cần hết sức quan tâm để bảo vệ người lao động nhập cư trong quá trình dịch chuyển lao động.

Hiệp Hưng