banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Những người thợ nơi địa đầu Tổ quốc
Cập nhật lúc 07:30 ngày 06/07/2015

Nhân dịp Tháng Công nhân năm 2015, đoàn cán bộ Công đoàn Công Thương VN chúng tôi có chuyến công tác lên Hà Giang thăm công nhân Tổng công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp đang tham gia lao động trên công trường Thuỷ điện Nho Quế 2.

Xuất phát từ Hà Nội, đi trên con đường cao tốc rộng thênh thang, băng qua những đoạn đường quanh co bên dòng Lô Giang lịch sử, những cánh rừng nguyên liệu giấy mới trồng, những bãi ngô xanh mướt, chúng tôi tới Thành phố Hà Giang lúc trời sắp tối; tranh thủ ăn nhanh và đi ngủ sớm, chuẩn bị cho chặng đường hôm sau.

Sáng sớm, khi trời còn mờ sương, chúng tôi lên đường. Mặc dù anh lái xe đã cảnh báo đoạn đường này khó đi nhưng anh em trong đoàn vẫn háo hức. Cảnh sắc nơi đây thật hùng vỹ và thơ mộng. Những dãy núi hàng triệu năm tuổi đứng dưới nắng mưa của Cao nguyên đá Đồng Văn được điểm xen màu xanh của nương ngô, của những cánh rừng nguyên sinh tạo nên bức tranh tuyệt mỹ. Đang say sưa ngắm cảnh núi rừng, bất ngờ xe rẽ vào con đường lạ ! Một con đường hình như mới được hình thành từ khi xây dựng công trình thuỷ điện. Một bên là vách núi thẳng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Những ổ gà, ổ voi, những vũng bùn sình lầy, thỉnh thoảng xuất hiện những tảng đá to tướng nằm chình ình giữa đường - hậu quả của một vụ sạt lở đất sau cơn mưa rừng trước đó - làm chúng tôi rất vất vả mới tới được công trường.

Anh em công nhân miệt mài lao động trên công trường

Theo kế hoạch, chúng tôi thăm và làm việc với Ban quản lý dự án Nhà máy Thuỷ điện trước, sau mới vào thăm công nhân, nhưng do có việc đột xuất, đồng chí Giám đốc đang đi xử lý công việc tại hiện trường. Bằng kinh nghiệm của mình, đ/c Toản - Chủ tịch công đoàn Tổng công ty Máy Thiết bị công nghiệp đề xuất thăm anh em công nhân trước, sợ tối và trời mưa sẽ không về được.

Giữa ngổn ngang của công trường, một chiếc lán nhỏ, mái lợp tôn, nằm bên dòng sông nước chảy cuồn cuộn, ngầu đỏ phù sa. Anh em công nhân đang mải mê làm việc, người gò, người hàn, người nâng, người bẩy. Họ đang hoàn thiện những đoạn ống xả nước đường kính rộng vài mét. Những giọt mồ hôi lăn dài trên mặt, ướt đẫm lưng áo. Họ vẫn mải miết làm và chẳng hề để ý tới sự có mặt của chúng tôi. Sau khi thăm nơi làm việc, chúng tôi đến thăm nơi ở và văn phòng làm việc. Những chiếc giường được làm bằng những tấm gỗ cốp pha, kê bằng gạch, dấu hiệu của sự tạm bợ. Tôi ngỡ ngàng trước một chiếc giường tầng kỳ lạ, tầng trên cao như những chiếc khác còn tầng dưới là nền đất. Anh tổ trưởng giải thích là do thời tiết nóng quá nên làm thế ngủ cho mát. 

Chiếc giường tầng "kỳ lạ"

Một điều thú vị nữa là mặc dù khó khăn như vậy, anh em vẫn làm một gian “đặc biệt” và đặt tên là phòng “Hạnh phúc” để giành cho những công nhân có vợ lên thăm vì hầu hết anh em phải 6 tháng mới về thăm nhà một lần. Thậm chí có người cả năm mới về. Công nhân ở đây vẫn truyền nhau một câu chuyện vui liên quan đến căn phòng này. Đó là có một anh mới xây dựng gia đình nhưng lâu không về nên vợ phải lên. Tối đến, vợ chồng họ tình cảm với nhau, khổ nỗi các bạn lại nằm ngay vách bên cạnh, không hiểu do tò mò hay trêu đùa thế nào mà hôm sau chị vợ giận dỗi bỏ về.

Sau khi đưa chúng tôi đi thăm nơi ở và làm việc, anh đội trưởng triệu tập tất cả anh em công nhân để đoàn gặp gỡ. Anh Thái, Phó chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam thăm hỏi cuộc sống và tình hình lao động, thu nhập và tâm tư nguyện vọng của Đội.

Đoàn đến thăm anh em công nhân tại công trường

Qua trò chuyện mới thấy thêm những khó khăn và quyết tâm của anh em: Nước ăn phải xin của dân bản, tắm thì xuống sông đục ngầu, chợ thì quá xa. Tuy nhiên, hầu hết anh em đều thể hiện tinh thần quyết tâm hoàn thành tiến độ do Ban quản lý dự án đề ra; đưa các tổ máy vào phát điện trong thời gian sớm nhất. Đồng chí Phó Chủ tịch động viên các anh chị em trên công trường; vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Kết thúc buổi gặp gỡ, Đoàn đã tặng quà cho toàn Đội, những món quà được mua từ tiền đóng góp của người lao động và đoàn viên công đoàn trong toàn Ngành. Tạm biệt mọi người, chúng tôi rời công trường lúc trời xẩm tối. Về thị trấn Mèo Vạc, thật may cho chúng tôi, anh em báo ra, nếu chỉ ở thêm lát nữa thì sẽ không về được vì một trận mưa lớn đã gây sạt lở. lấp hết mặt đường.


Phó Chủ tịch CĐCTVN Nguyễn Xuân Thái tặng quà cho anh em công nhân

Chia tay Hà Giang, chia tay Mèo Vạc, sáng hôm sau chúng tôi trở về Hà Nội. Xe đưa đoàn qua con đường “Hạnh Phúc”... Tôi có nghe câu chuyện về con đường này. Cách đây trên 50 năm, hàng ngàn thanh niên các dân tộc Cao- Bắc- Lạng; Hà- Tuyên- Thái; Hải Hưng, Nam Định trong 6 năm trời ròng rã, chỉ bằng những phương tiện thô sơ và lòng nhiệt tình của tuổi trẻ đã làm nên con đường huyết mạch này.

Tự hào thay những người công nhân năm xưa! Tự hào thay những người thợ hôm nay! Những người thợ nơi tuyến đầu Tổ quốc đang viết tiếp những trang sử hào hùng của giai cấp công nhân Việt Nam, hăng say lao động để đem lại dòng điện ngày mai cho đất nước.       

                                                                                                                                                                                                        Ngọc  Hà