Phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong nữ công nhân viên chức - lao động (CNVC - LĐ) đã được Hội nghị Ban chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lần thứ 5 (khoá VIII) phát động từ năm 1989.
Với tỷ lệ nữ CNVCLĐ toàn Ngành là trên 33% và tham gia ở tất cả các lĩnh vực: Sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, dịch vụ…, chị em nữ CNVCLĐ ngành Công Thương luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy và lãnh đạo các cấp, qua đó bồi dưỡng phát triển cán bộ nữ có năng lực để quy hoạch và đào tạo bồi dưỡng, từng bước phấn đấu để đạt được các chỉ tiêu của chiến lược bình đẳng giới đề ra.
Những kết quả ấn tượng
Trong phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, 5 năm qua, nữ CNVCLĐ ngành Công Thương đã phát huy hơn 2.000 sáng kiến, mang lại giá trị làm lợi hàng trăm tỷ đồng. Riêng trong năm 2014, 20 nữ CNLĐ được biểu dương sáng kiến, sáng tạo trong Hội nghị “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” cấp Ngành. Nhiều chị được giao chức vụ lãnh đạo chủ chốt, phát huy sự năng động, sáng tạo trong quản lý doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, đảm bảo chất lượng sản phẩm nhằm đưa doanh nghiệp ngày một phát triển, như: Chị Phạm Thị Hồng Hạnh - Tổng Giám đốc TCty CP Bia Rượu NGK Sài Gòn là 1 trong 100 nữ DN tiểu biểu toàn quốc được trao cúp Bông hồng vàng năm 2014, chị Tạ Thị Thu Thủy - Giám đốc Cty CP Bia Hà Nội - Hải Phòng, chị Nguyễn Thị Kim Hoa - Phó TGĐ Cty CP Bánh kẹo Hải Hà - TCty Thuốc lá Việt Nam …
Phó Chủ tịch CĐCTVN Tạ Thị Vân Anh trao quà cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn tại Cty CP Sắt tráng men nhôm Hải Phòng
Đội ngũ cán bộ, CNVCLĐ nữ trực tiếp sản xuất luôn nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt công tác được giao, chị em ngại khó, tích cực phấn đấu nhằm đóng góp thành tích của mình vào thành tích chung của đơn vị, tiêu biểu như: Tập thể nữ CNVCLĐ Phân xưởng Bóng đèn huỳnh quang (Cty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông), tập thể nữ CNVCLĐ Cty CP Phụ tùng máy số 1 (TCty máy Động lực và máy Nông nghiệp…
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, các chị luôn là tấm gương miệt mài nghiên cứu, tự trang bị cho mình kiến thức để đáp ứng với yêu cầu công việc. 5 năm qua, các chị đã có hàng trăm đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ đã được nghiệm thu và ứng dụng vào thực tế, có những đề tài đang được vào thử nghiệm thực tế và kết quả sẽ mang lại hiệu quả kinh tế hàng trăm tỉ đồng, điển hình như: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, TCty CP Thiết bị Điện VN, TCty Máy Động Lực, Máy Nông nghiệp…
Đội ngũ giáo viên nữ tại các Trường Đại Học, Cao đẳng thuộc Bộ với lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp, đã luôn tích cực trong phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt"; "Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực” và phong trào “mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”. 5 năm qua đã có 30 chị tốt nghiệp tiến sỹ, trên 100 chị tốt nghiệp thạc sỹ, nhiều chị tốt nghiệp loại giỏi. Nhiều chị đạt giải cao trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp toàn Quốc, tỉnh, TP. Bên cạnh đó, nữ cán bộ, giảng viên còn chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình lưu hành nội bộ, đã có nhiều đề tài sáng tạo cấp Bộ, cấp đơn vị.
Các chị làm công tác quản lý Nhà nước luôn gương mẫu trong công tác và trong sinh hoạt, phấn đấu bình đẳng giới trong mọi hoạt động, tích cực tham mưu với Nhà nước, các tổ chức chính trị , xã hội về chủ trương chính sách pháp luật nhằm phục vụ tốt sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước và các hoạt động của đoàn thể có hiệu quả, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em, đóng góp thành tích đáng kể vào việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, tiêu biểu là: Chị Hồ Thị Kim Thoa -Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chị Nguyễn Thị Thu Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Công Thương… Chị em tham gia công tác đoàn thể luôn là những cán bộ gương mẫu, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Nhiều cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng, và giữ trọng trách trong các cơ quan, đơn vị, đoàn thể từ cấp ngành đến cơ sở. Nhờ đó, nữ cán bộ, công chức có cơ hội thực hiện quyền bình đẳng giới của mình, thông qua việc tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật đáp ứng nhu cầu và lợi ích giới; được cử đại diện trong các cơ quan cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể chính trị- xã hội.
Đi đôi với việc công việc chuyên môn, nữ CNVCLĐ ngành Công Thương còn hoàn thành nhiệm vụ của người mẹ, người vợ, người con trong gia đình. Không phải chị nào cũng có được sự hỗ trợ của các anh, của gia đình nội ngoại, có chị chồng công tác xa, cha mẹ già yếu, có chị chồng đau yếu bệnh tât, vừa nuôi con lại phải chăm chồng, có chị sinh con bị nhiễm chất độc da cam do hậu quả chiến tranh để lại..., song các chị đã vượt qua tất cả để gia đình luôn “trong ấm, ngoài êm”, nuôi dạy con thành đạt trong học tập và công tác. Nhiều đơn vị đã có các hoạt động trợ giúp các gia đình nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, tự vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, tiến tới tự làm giầu. Quỹ “vì nữ CNVCLĐ nghèo”, Quỹ phát triển kinh tế gia đình... ở các đơn vị được duy trì, đã giúp chị em có điều kiện vay vốn làm kinh tế gia đình để phát triển. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến nay nguồn vốn của các đơn vị trong toàn Ngành là 8.244 triệu đồng, số vốn đã được sử dụng tính riêng trong năm 2014 là 3.160 triệu đồng, số chị đã trợ giúp là 592 chị.
5 năm qua, toàn Ngành có gần 500 nữ CNVCLĐ được khen thưởng cao từ Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ trở lên, 5 tập thể nữ được tặng cờ cấp Tổng Liên đoàn, 10 tập thể, và hơn 20 cá nhân được tặng Bằng khen cấp Tổng Liên đoàn về thành tích trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; 250.000 lượt chị đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” từ cấp cơ sở đến cấp trên cơ sở; tỷ lệ nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” 5 năm đạt là 72% (trong đó các đơn vị hành chính sự nghiệp nữ đạt danh hiệu “hai giỏi” chiếm tỷ lệ cao từ 90%-95%). Hàng năm, có 95 - 98% gia đình chị em đạt danh hiệu gia đình văn hoá tiêu biểu tại khu dân cư, góp phần quan trọng vào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và làm lành mạnh quan hệ xã hội. Trong đợt tổng kết này, hàng trăm tập thể, hàng ngàn cá nhân nữ được các đơn vị trong Ngành biểu dương, khen thưởng. Tại hội nghị sơ kết 5 năm cấp ngành, Công đoàn Công Thương Việt Nam quyết định biểu dương và tặng cờ cho 03 tập thể, tặng Bằng khen cho 49 tập thể, 51 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai đoạn 2010-2015.
Thống nhất trong chỉ đạo và triển khai
Để triển khai thành công phong trào, CĐCTVN đã hướng dẫn các cấp công đoàn trong Ngành đưa nội dung phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” vào Nghị quyết, chương trình công tác hàng năm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng ý nghĩa của phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong CNVCLĐ”.
Bên cạnh đó, CĐCTVN đã chỉ đạo các cấp Công đoàn trong Ngành chủ động nắm bắt tâm tư và giải quyết những kiến nghị, đề xuất của lao động nữ như: Điều kiện làm việc, tiền lương, thưởng, vấn đề cán bộ nữ, quan tâm bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nữ; tăng cường công tác tham mưu với chuyên môn thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật nói chung, chính sách lao động nữ nói riêng.
Bằng nhiều biện pháp sáng tạo, công đoàn các cấp đã tập trung chỉ đạo phong trào thi đua nữ CNVC "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà" coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa vào chương trình công tác hàng năm. Các đơn vị đã cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, tiêu chuẩn thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” phù hợp với đặc điểm tình hình và nhiệm vụ của đơn vị, đưa phong trào tiếp tục phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Định kỳ có sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả phong trào và kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu.
Công đoàn các cấp đã vận dụng linh hoạt những nội dung các phong trào thi đua, như: Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Sáng kiến, tiết kiệm, chống lãng phí, hạ giá thành”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” vào nội dung của phong trào thi đua ‘Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Đầu năm, hướng dẫn nữ lao động đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, cuối năm bình xét, tổng kết, đánh giá và khen thưởng kịp thời.
Năm 2015, một số đơn vị cấp trên cơ sở và các cơ sở đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm “Công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai đoạn 2010-2015 kết hợp với gặp mặt các thế hệ cán bộ nữ công đoàn, hoặc tổ chức cùng dịp kỷ niệm 105 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Do điều kiện có đơn vị không tổ chức hội nghị sơ kết, xong vẫn thực hiện làm báo cáo tổng hợp số liệu và khen thưởng kịp thời.
Để chị em có điều kiện phấn đấu “Giỏi việc nước”, các cấp Công đoàn cùng chuyên môn đã tạo điều kiện cho chị em có việc làm, đảm bảo các quyền lợi về tiền lương, các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, chế độ thai sản; khuyến khích, động viên chị em học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để khẳng định vị trí làm việc của mình. Để tạo điều kiện cho chị em “Đảm việc nhà”, Công đoàn phối hợp cùng chính quyền tổ chức các hoạt động xã hội nhằm chăm lo bảo vệ quyền lợi CNVCLĐ và quan tâm đến con CNVCLĐ.
Trong công tác bổ nhiệm và quy hoạch cán bộ nữ, nhiều cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng và giữ trọng trách trong các cơ quan, đơn vị, đoàn thể từ cấp Ngành đến cơ sở. Trong bộ máy lãnh đạo từ Bộ Công Thương đến các đơn vị trực thuộc có 01 chị là Thứ trưởng, chiếm tỷ lệ 14,3% tổng số Lãnh đạo cấp Bộ, 49 chị là cán bộ lãnh đạo trong các đơn vị thuộc Bộ chiếm tỷ lệ 12,6% và tỷ lệ nữ trong quy hoạch chức danh lãnh đạo các đơn vị chiếm tỷ lệ 17,6%. Trong hệ thống công đoàn, nữ Chủ tịch CĐ cấp trên cơ sở và cấp cơ sở do CĐCTVN quản lý và chỉ đạo trực tiếp là 72 chị chiếm tỷ lệ 42,86%. Nữ Phó Chủ tịch là CĐ cấp trên cơ sở và cấp cơ sở là 51 chị chiếm tỷ lệ, 37,78%. Nữ Ủy viên Ban Chấp hành là 383 chị chiếm tỷ lệ 36,27%.
Những nỗ lực của các cấp công đoàn, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các đơn vị và đặc biệt là đội ngũ cán bộ nữ đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của công tác vận động phụ nữ theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ trong toàn Ngành.
Nguyễn Dương