banner2019
 
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Từ chối đơn gia nhập công đoàn không có lý do
Cập nhật lúc 02:34 ngày 30/03/2015

Hỏi: Tôi công tác tại doanh nghiệp X được 02 năm. Trong thời gian này, tôi có làm đơn xin gia nhập Công đoàn của doanh nghiệp X nhưng bị từ chối mà không được giải thích lý do. Xin hỏi, theo Luật Công đoàn năm 2012, Công đoàn doanh nghiệp X làm như vậy là đúng hay sai?

Trả lời:

Điều 5 Luật Công đoàn năm 2012 quy định: Người lao động có quyền gia nhập vào tổ chức công đoàn.

Cũng theo Điều 9 Luật này quy định những hành vi sau đây bị nghiêm cấm:

- Cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn.

- Phân biệt đối xử hoặc có hành vi gây bất lợi đối với người lao động vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

- Sử dụng biện pháp kinh tế hoặc biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức và hoạt động công đoàn.

- Lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Như vậy, trường hợp Công đoàn doanh nghiệp X từ chối khi anh (chị) làm đơn xin gia nhập tổ chức này là sai vì đã vi phạm hành vi cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn của anh (chị).

Hỏi: Đoàn công tác của Bộ C làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh A kiểm tra, giám sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, thu nhập tại tỉnh. Xin cho hỏi, tổ chức công đoàn tỉnh A có được tham gia, phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát cùng Đoàn công tác không?

Trả lời: Điều 14 Luật Công đoàn năm 2012 quy định việc tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của tổ chức công đoàn như sau: Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Như vậy, tổ chức công đoàn tỉnh A được tham gia, phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát cùng Đoàn công tác của B C, khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, thu nhập tại tỉnh.

Khi tham gia, phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát, Công đoàn tỉnh A có quyền:

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu và giải trình những vấn đề có liên quan;

- Kiến nghị biện pháp sửa chữa thiếu sót, ngăn ngừa vi phạm, khắc phục hậu quả và xử lý hành vi vi phạm pháp luật;

- Trường hợp phát hiện nơi làm việc có yếu tố ảnh hưởng hoặc nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng người lao động, Công đoàn có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn lao động, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động.

Minh Anh