/Images/Upload/User/linhdt/2023/8/ledinhquang-16915470951112141592412-1691547122016719277582.jpg
Đến thời điểm này, tổ chức Công đoàn đã chuẩn bị tất cả số liệu, căn cứ khoa học để thương lượng điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 tại phiên thứ nhất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia
Sáng nay 9-8, tại Quảng Ninh, Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp phiên thứ nhất năm 2023 để thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024. Cuộc họp được chủ trì bởi ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu khai mạc
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, đã trao đổi một số nội dung về góc nhìn của tổ chức công đoàn trước phiên họp.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, phát biểu
Theo ông Quảng, trong bối cảnh hiện nay, đời sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn, nhất là hơn một năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao so với trước đây.
Tuy nhiên trong các yếu tố để xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu thì khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng rất quan trọng.
Rõ ràng trong điều kiện hiện nay, điều này cần được xem xét để vừa đảm bảo động viên người lao động làm việc có năng suất, chất lượng, làm sao để tiền lương thực sự là động lực cải thiện điều kiện làm việc, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhưng cũng hài hòa với khả năng chi trả. Đó là bài toán phải tính rất kỹ.
Ngoài khả năng chi trả của doanh nghiệp, mức sống tối thiểu cũng là một tiêu chí quan trọng trong 7 yếu tố để xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu hằng năm.
Về dự kiến các phương án điều chỉnh lương tối thiểu cho năm 2024 tới ra sao, ông Lê Đình Quảng cho biết đến thời điểm này, tổ chức Công đoàn đã chuẩn bị tất cả số liệu, căn cứ để chuẩn bị thương lượng.
Tuy nhiên, năm nay trong bối cảnh khó khăn chung, tổ chức Công đoàn sẽ đưa ra nhiều phương án chứ không có một phương án cụ thể nào. Trong quá trình đàm phán, các thành viên của tổ chức công đoàn sẽ thống nhất rồi sẽ có phương án sau.
Về thời điểm điều chỉnh, ông Lê Đình Quảng cho rằng trong phiên đàm phán đầu tiên, thời điểm điều chỉnh cũng là nội dung mà các bên trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần thảo luận.
"Chúng tôi thấu hiểu hiện nay doanh nghiệp khó khăn, do đó việc đề nghị lùi thời gian điều chỉnh tiền lương cũng là một yếu tố cần thảo luận kỹ lưỡng để vừa đảm bảo quyền lợi người lao động, vừa bảo đảm khả năng chi trả của người sử dụng lao động".
Còn với góc độ cá nhân, ông Quảng cho rằng mức tăng lương năm tới chỉ nên điều chỉnh làm sao đủ bù đắp trượt giá, người lao động vẫn duy trì được tiền lương theo Nghị định 38.
Chỉ có 26,2% NLĐ có điều kiện ăn thịt, cá Tổng LĐLĐ Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023. Cuộc khảo sát cho Ban Chính sách - Pháp luật và Viện Công nhân và Công đoàn phối hợp thực hiện. Chỉ có 24,5% NLĐ cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ thu nhu cầu chi tiêu của họ. Có 17,3% NLĐ phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% NLĐ thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an. Tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của 53,7% NLĐ và quyết định con của 72,0% NLĐ. Chỉ có 26,2% NLĐ có điều kiện để ăn thịt, cá trong các bữa ăn hàng ngày; 10,3% NLĐ tham gia khảo sát cho biết với thu nhập hiện nay họ ít khi (1 lần/tuần) có điều kiện để ăn thịt, cá trong bữa ăn tại gia đình. |
Văn Duẩn (nguồn: nld.com.vn)