Chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2023: “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”
/Images/Upload/User/linhdt/2023/6/9860-1687770288-moitruong-vadothi-gia-dinh-1.jpg
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Bác Hồ khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách nhằm giữ gìn giá trị gia đình và tạo mọi điều kiện để các ngành, các cấp và mỗi cá nhân chăm lo xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, hạnh phúc. Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của gia đình đối với mỗi con người và trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 72/2001 lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam.
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.
Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngày Gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi…, cùng nhau vượt qua sóng gió để “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ xác định “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Có chính sách cụ thể phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiếu số. Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam".
Có thể nhận thấy, thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giữ vững và ổn định tình hình chính trị - xã hội ở địa phương. Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước./.
Sưu tầm