banner2019
 
Thứ tư, ngày 08 tháng 01 năm 2025
Thứ tư, ngày 08 tháng 01 năm 2025
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất tăng giờ làm thêm ở tất cả các ngành nghề
Cập nhật lúc 07:54 ngày 17/01/2022
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các quy định về giới hạn làm thêm trong tháng, trong năm tại Bộ luật Lao động cần có sự điều chỉnh trong giai đoạn hiện nay dưới tác động của đại dịch COVID-19.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa kiến nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về tăng giờ làm thêm trong năm. Theo đó, số giờ làm thêm tối đa trong tháng được đề xuất tăng lên 72 thay vì 40 như hiện nay; mức trần 300 giờ làm thêm trong năm được áp dụng cho tất cả ngành nghề, do chủ sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận.
Trước mắt, chính sách dự kiến áp dụng đến hết năm 2022. Tùy tình hình thực tế nếu cần thiết kéo dài thì Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4, khóa XV vào tháng 10-2022.
Luật hiện hành có hiệu lực từ đầu năm 2022 quy định người lao động được làm thêm không quá 200 giờ mỗi năm, nới mức trần làm thêm theo tháng lên 40 giờ thay vì 30 giờ như cũ. Chủ sử dụng lao động khi tổ chức làm thêm giờ phải được người lao động đồng ý, đảm bảo giờ làm thêm không quá 50% giờ làm việc bình thường trong ngày.
Luật chỉ mở rộng khung giờ làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm cho một số ngành nghề, gồm: Diêm nghiệp, điện, điện tử, bên cạnh các nghề hiện hành là sản xuất gia công xuất khẩu hàng dệt may, da giày, chế biến nông lâm, thủy sản, sản xuất và cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng cần thiết tăng giờ làm thêm, bởi đại dịch Covid-19 kéo dài hai năm, đặc biệt là đợt dịch thứ tư làm đứt gãy sản xuất, doanh nghiệp thiếu hụt lao động, nhất là cuối năm. Nhiều công ty vừa chống dịch, vừa sản xuất và phải chịu nhiều chi phí như xét nghiệm, ba tại chỗ, một cung đường hai điểm đến.
Các doanh nghiệp dệt may, da giày giảm sút 30-50% lao động... trong khi vẫn cần đảm bảo đơn hàng. Nếu không có chính sách để doanh nghiệp phục hồi dễ dẫn đến nguy cơ làm chậm đà phát triển kinh tế, kém hấp dẫn trong thu hút đầu tư và có thể doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư sang nước khác có cơ chế tốt hơn. Nhiều doanh nghiệp lẫn người lao động mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, bù cho khoảng thời gian ngừng việc, với nhu cầu làm thêm trên 40 giờ mỗi tháng và từ trên 200 giờ đến 300 giờ mỗi năm, không bị giới hạn ở một số ngành nghề, công việc.
"Các ngành chức năng, đặc biệt là người sử dụng lao động phải tính toán kỹ để đảm bảo sức khỏe và an toàn của người lao động, giúp họ gắn bó lâu dài với nơi làm việc"- ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lưu ý.
A. Chi (nguồn: nld.com.vn)