Tâm niệm đơn sơ và trong sáng của Trần Văn Việt, thợ lái xe nâng Nhà máy Bia Sài Gòn - Củ Chi mới đích thực là sức mạnh kéo tôi trở về thời trai trẻ của mình, cái thời đẹp đẽ nhất trong mỗi chúng ta, với những ước mơ hoài bão, tràn đầy nhiệt huyết, lao vào công việc không một chút so đo tính toán.
Thi xong tốt nghiệp phổ thông tháng 6 năm 1981, đúng dịp đắp đê chống lụt hàng năm, tôi theo chú ra bờ sông Hồng, đoạn đê Sen Chiểu - Phúc Thọ. Ở đó, đúng như chú động viên trước lúc đi, tôi chỉ xắn đất, xúc lên xe cút kít. Việc chuyển lên đê chú tôi lo.
Xắn đất, xúc lên xe, ngày đầu tiên OK. Ngày thứ hai ê ẩm bắp chân. Ngày thứ ba ê ẩm bò lên lưng. Từ ngày thứ tư trở đi, xắn đất, xúc lên xe trở thành nỗi ám ảnh thường trực. Chân xắn đất mà trong đầu chỉ toàn những con số, “còn 7, ngày nữa, còn 6 ngày nữa, còn 5 ngày nữa… là hết đợt 15 ngày chống lụt bão”.
Áng chừng, mỗi ngày tôi đạp chân đến 250 lần để xắn đủ 2 khối đất đưa lên xe cút kít.
Năm 1982 đi bộ đội. 3 năm trong quân ngũ, đại đội tôi di chuyển vị trí 6-7 lần. Mỗi lần đóng quân ở nơi mới là đào hào, đào công sự. Lần này không áng chừng, tôi đếm cẩn thận, mỗi ngày đạp chân xắn đất trên 300 lần. Chân và lưng đau ê ẩm.
Không phải là bác sĩ, nhưng là người trải nghiệm trực tiếp, tôi cảm nhận rõ rệt mối tương quan giữa chân và lưng. Chân cố sức thì lập tức lưng đau như dần. Mỗi tối tôi phải cong lưng lên đến 4-5 phút, lựa đi lựa lại tư thế rồi mới dám đặt lưng xuống giường.
Đạp chân xắn đất đã để lại trong tôi những hồi ức không phai về những tháng ngày gian nan vất vả, nhưng ngập tràn lòng tự hào của một thời thanh niên trai tráng. Xắn đất trên 300 lần mỗi ngày đâu phải sức trai nào cũng từng trải qua, kham nổi?
Nhưng cuộc sống là một dòng chảy lớn, lòng tự hào với kỷ lục xắn đất trên 300 lần mỗi ngày, theo thời gian rồi cũng tan dần trong tâm trí, nhường chỗ cho những lo toan, bận rộn mưu sinh trên dòng đời tấp nập.
Tưởng như dòng tâm thức của tôi từ giờ chỉ băng băng lao về phía trước: gả chồng cho con gái lớn, lo việc cho con gái bé, sửa lại nếp nhà trước khi về hưu… tất cả đều đang chiếm một khoảng không nào đó trong tương lại, thì bỗng dưng ký ức của một thời trai trẻ ùa về bên tôi, trong một lần đến thăm Nhà máy Bia Sài Gòn - Củ Chi.
Người đưa tôi trở về với thời trai trẻ là anh Trần Văn Việt, thợ lái xe nâng. Nghe nói mỗi ca làm việc anh phải đạp chân ga 400 lần để nâng hạ những kiện hàng có trọng lượng hàng tạ, tôi gần như không thốt lên lời. Bồi hồi giở máy ra tính, 1 ca làm việc 8 giờ là 480 phút, tức cứ mỗi 1 phút 12 giây anh phải đạp chân ga nâng hạ 1 lần! Mà anh đang ở độ tuổi 55, gấp hơn 2 lần cái thời trai trẻ tôi từng tự hào với kỷ lục “oai hùng” trên 300 lần xắn đất!
Công việc của thợ lái xe nâng lúc nào cũng gấp. Đầu vào sản xuất, gồm nguyên liệu, vỏ lon, vỏ chai… cũng như đầu ra là những thùng bia, đều một tay nhờ đến xe nâng vận chuyển. Lại còn phải cân đối, làm sao sản xuất ra đến đâu phải giao hàng hết đến đó để giải phóng sân bãi.
Đâu chỉ có vậy, xe gần như chuyển hướng liên tục, chạy tới chạy lui, chân tay và các giác quan được huy động toàn bộ: chân đạp thắng (phanh); chân đạp ga nâng hạ; tay thì lái; mắt và cổ ngước lên, quay sang trái, sang phải, quay ra trước, ra sau theo dõi chuyển động của kiện hàng.
Theo tính toán của anh Việt, một xe container cách sân bãi khoảng 50 mét thì xe nâng phải chạy tới chạy lui 94 lần, tương đương với 10 km để hoàn thành việc xếp hàng. Xong mỗi ca làm việc, chân trái (chân đạp ga nâng hạ) muốn đuối luôn.
Tuy nhiên, điều kiện của xe, của người lái bây giờ tốt hơn trước rất nhiều. Những năm bao cấp, xe nâng rất hiếm phụ tùng thay thế. Đơn giản như bánh xe mòn cũng không có thay; có lần anh phải lấy vỏ trước, chế lại cho vừa để thay vào vỏ sau. Lần khác, xe bị kẹt bộ phận làm mát, muốn sửa phải chờ xếp hàng, trong khi sân bãi cần giải phóng nhanh. Anh đành tiếp tục chạy, cứ 2 tiếng lại phải làm mát, giải nhiệt cho xe…
Chuyện đáng nhớ nhất khi còn ở Nguyễn Chí Thanh - Sài Gòn, khi nhà máy thay dây chuyền sản xuất. Mặt bằng cực kỳ chật hẹp, một bên bố trí vật tư lắp ráp dây chuyền mới, một bên vẫn phải để dây chuyền cũ hoạt đông. Giữa hai dây chuyền ấy, xe nâng vẫn phải chạy tới, chạy lui lo đầu vào, đầu ra cho sản xuất. Đó là thời kỳ gian nan nhất trong đời thợ lái xe nâng Trần Văn Việt.
Tôi hỏi anh cảm giác lái xe ở gần cuối ca làm việc khi mà chân đã đuối. Anh cười bảo, thực ra khi làm việc anh ít khi có suy nghĩ này nọ, bởi lái xe nâng thuộc dạng điều khiển thiết bị có chế độ vận hành nghiêm ngặt; an toàn là yếu tố luôn phải đặt lên hàng đầu. Càng cuối ca, càng phải tập trung hơn vì đây là thời điểm dễ xảy ra các sự cố do không duy trì được sự tỉnh táo.
Nhưng sau ca làm việc, anh thường có cảm giác nhẹ nhõm, và có thể là một chút thở phào, với tâm niệm khi về nhà, anh có thể nói với các con rằng, ngày hôm nay, những việc cần làm bố đã làm, những việc cần tránh bố đã tránh.
“Những việc cần làm bố đã làm, những việc cần tránh bố đã tránh”- Tâm niệm đơn sơ và trong sáng của anh mới đích thực là sức mạnh kéo tôi trở về với thời trai trẻ của mình, cái thời hào hùng, đẹp đẽ nhất trong mỗi chúng ta, với những ước mơ hoài bão, tràn đầy nhiệt huyết, dũng khí lao vào công việc không một chút so đo tính toán.
Nguyên Vỵ