Vừa qua, Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) đã phối hợp cùng Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Công đoàn Dệt may Việt Nam, Công đoàn Điện lực Việt Nam, Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trong doanh nghiệp”.
Các TƯLĐTT nên tập trung vào các vấn đề thực tiễn ở từng đơn vị như: Giảm giờ làm, chất lượng bữa ăn ca…
Theo ông Quách Văn Ngọc - Trưởng ban Chính sách pháp luật CĐCTVN, TƯLĐTT là công cụ quan trọng để bảo vệ quyền lợi cho người lao động (NLĐ), là cơ sở để giải quyết mọi vấn đề trong mối quan hệ giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ. CĐCTVN cũng coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tất cả các cấp, ngành công đoàn, xây dựng chương trình toàn khóa về việc ký kết TƯLĐTT: Tỷ lệ ký kết TƯLĐTT, số lượng những quy định điều khoản có lợi hơn cho người lao động...
Trong những năm qua, công đoàn các cấp đã tiến hành rà soát, thống kê, phân loại, đánh giá chất lượng TƯLĐTT; tuyên truyền vai trò của TƯLĐTT đối với NSDLĐ và NLĐ; tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn nâng cao kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể; phổ biến kinh nghiệm, hỗ trợ, tư vấn các công đoàn cơ sở (CĐCS) xây dựng, thực hiện TƯLĐTT, trong đó có TƯLĐTT cấp tổng công ty. Kết quả báo cáo sơ kết, tổng kết hàng năm cho thấy, tỷ lệ ký kết TƯLĐTT tại các doanh nghiệp đạt trên 90%; trong đó các doanh nghiệp nhà nước đạt đến 97 - 98%, các doanh nghiệp FDI là trên 80%. Trong các đơn vị đã ký kết TƯLĐTT, có trên 60% các bản thỏa ước có nhiều điểm lợi cho NLĐ theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Quách Văn Ngọc, trên thực tế, số lượng doanh nghiệp ký kết TƯLĐTT có tăng theo từng năm nhưng mức tăng còn chậm. Tính đến hết tháng 5/2016, mới chỉ có 440 doanh nghiệp đã ký kết TƯLĐTT, chiếm 88% tổng số doanh nghiệp. Có những TƯLĐTT đã hết hạn nhưng chưa tiếp tục được gia hạn thêm, hay một số bản thỏa ước còn hạn nhưng không phù hợp với luật định. Tỷ lệ ký kết TƯLĐTT theo đúng trình tự cũng còn khá thấp. Một số doanh nghiệp, TƯLĐTT còn mang tính hình thức, sao chép lại luật định trong Bộ Luật Lao động, ít có những điều khoản thiết thực, thực sự có lợi cho NLĐ tại doanh nghiệp. Đặc biệt, tỷ lệ những bản TƯLĐTT đạt loại A chỉ chiếm khoảng 30% và ít có đơn vị nào sử dụng TƯLĐTT để giải quyết mối quan hệ hài hòa với NLĐ như đúng chức năng của nó.
Lý giải tình trạng này, ông Nguyễn Mạnh Kha - Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - cho biết: Hiện nay, lực lượng cán bộ công đoàn phần lớn đều là những người kiêm nhiệm, không chuyên trách về công đoàn nên vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác đối thoại thương lượng. Thêm vào đó, cán bộ công đoàn làm kiêm nhiệm nên cũng không tránh khỏi việc ngại va chạm với lãnh đạo - NSDLĐ. “Trong thời gian tới, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, các hiệp định thương mại có hiệu lực, quyền lợi của NLĐ lại càng được đặt lên hàng đầu thì việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT sẽ lại càng gặp nhiều khó khăn”, ông Kha nhấn mạnh.
Đại diện Công đoàn Điện lực Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho rằng: Các doanh nghiệp, tổng công ty các ngành điện, than - khoáng sản, dệt may, dầu khí… đều là những đơn vị có bề dày thành tích lịch sử, có nhiều thuận lợi cho việc triển khai thương lượng và ký kết TƯLĐTT. Các TƯLĐTT của các doanh nghiệp nên tập trung vào các vấn đề thực tiễn ở từng đơn vị cơ sở như: Giảm giờ làm, chất lượng bữa ăn ca, số ngày nghỉ, chế độ lễ, tết cho NLĐ… Có như vậy, TƯLĐTT mới thực sự đi vào “chất lượng”, là công cụ để bảo đảm quyền và lợi ích cho NLĐ.
Ông Mai Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam: Nên ký TƯLĐTT hàng năm để việc trao đổi giữa NLĐ và NSDLĐ được cập nhật thường xuyên liên tục hơn, bảo đảm cho chế độ và quyền lợi của NLĐ, nâng cao vai trò trách nhiệm của công đoàn từng đơn vị. |
Nguồn Báo Công Thương