banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Hội chứng bệnh công sở
Cập nhật lúc 04:19 ngày 04/11/2015

Bạn đang làm công việc văn phòng như đánh máy, soạn thảo văn bản, thư ký riêng... Bạn đã từng có cảm giác lưng đau nhừ, mắt và tay mỏi rã rời, da nhăn nheo, tóc xơ cứng...

Bạn đã đi khám sức khỏe nhưng chưa tìm ra bệnh? Bạn có biết mình đang mắc phải hội chứng văn phòng - một bệnh của thời hiện đại?


“Hội chứng văn phòng” dùng để chỉ một số bệnh thường gặp ở những người làm việc tĩnh, làm việc với máy tính... Hội chứng này gồm:

Đau lưng do ngồi không đúng tư thế

Do áp lực thời gian và tính chất công việc, hầu hết những người làm văn phòng thường ngồi hàng giờ trước bàn làm việc mà ít chịu đi lại. Ngồi lâu lưng sẽ mỏi, từ đó phát sinh ra những động tác để giảm mỏi lưng mà vẫn không phải đứng lên làm gián đoạn công việc. Đa phần người làm văn phòng đều có thói quen ngồi còng lưng, vẹo lưng sang trái hay sang phải, gác chân phải lên chân trái hay ngược lại khi ngồi... Nếu cứ áp dụng sự “sáng tạo” này trong thời gian dài, chắc chắn bạn sẽ bị đau lưng và mắc những bệnh về cột sống như gù, vẹo cột sống, đau dọc thần kinh tọa do chèn ép rễ thần kinh hông-khoeo. Để giảm đau lưng, bạn nên tập ngồi theo tư thế đúng, cột sống (cổ, lưng, thắt lưng...) phải thẳng, đùi thẳng góc với cột sống. Nên chọn bàn phù hợp với chiều cao của bạn để tránh phải gập người khi làm việc. Ghế ngồi phải vững chắc, có chỗ tựa lưng và bảo đảm chân bạn chạm đất một cách thoải mái. Khi thấy mỏi lưng hãy đứng dậy đi lại và tập một số động tác chống đau mỏi lưng.

Hội chứng ống cổ tay (HCOCT)

HCOCT là một dạng tổn thương vùng cổ tay và tay do căng thẳng thường xuyên. Những người dễ mắc HCOCT là các nhà lập trình máy tính, nhà văn, biên tập viên, người thu tiền quầy tạp hóa, công nhân, các nhân viên văn phòng... Đặc điểm của HCOCT là đau và tê cứng ngón trỏ và ngón giữa, yếu ngón cái, có thể cảm thấy đau cổ tay, lòng bàn tay hoặc cẳng tay do dây thần kinh giữa bị chèn ép. 

Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh này là thường xuyên sử dụng quá mức các cơ và gân của ngón tay, bàn tay, cánh tay và bả vai. Triệu chứng nhẹ thì như bị “kim châm” ở bàn tay, nặng thì cảm thấy đau bàn tay ghê gớm, bỏng rát và nhức nhối trong cánh tay, tay yếu và tê cứng. Đôi khi, bệnh này có thể dẫn đến tàn tật lâu dài.

Để không bị HCOCT, bạn nên chú ý đến ghế của mình. Ghế phải hơi dốc về đằng trước để đầu gối được ở đúng vị trí; giữ lưng thẳng hoặc hơi ngả về phía trước bắt đầu từ hông và luôn giữ được độ hơi cong tự nhiên của phần lưng dưới. Màn hình máy tính nên ngang bằng hoặc thấp hơn tầm mắt một chút, từ đó, những ngón tay có thể cong nhẹ hoặc duỗi ra mà không cần phải vặn cổ tay. 

Bàn phím tốt nhất nên đặt thẳng hoặc thấp hơn khuỷu tay. Cứ sau 45 phút làm việc nên đứng dậy, vươn vai và đi lại. Nên xoa bóp tay khi có điều kiện vì xoa bóp đúng cách giúp phục hồi khả năng tuần hoàn của vai, cổ, cánh tay, vì vậy ngăn ngừa được HCOCT. Hằng ngày bạn cũng nên thường xuyên tập thể dục để giúp cơ bắp khỏe mạnh và rắn chắc hơn để chống chọi với HCOCT.

Mỏi mắt do thiếu ánh sáng

Đọc tài liệu, ghi chép... trong môi trường không đủ ánh sáng dẫn đến việc co mạch máu và mỏi cơ vùng mắt, tạo điều kiện cho bệnh cận thị xuất hiện và làm tăng độ đối với những người sẵn mắc bệnh cận thị. Vì thế, bạn chỉ đọc sách khi có đủ ánh sáng. Sách phải đặt cách mắt ít nhất 25cm.

Mỏi mắt do máy tính

Những người thường xuyên làm việc trên máy tính trong một thời gian dài thường bị mỏi mắt, kèm theo là chứng đau lưng, nhức vai và thần kinh căng thẳng. Nguyên nhân do ngồi lâu ở một tư thế, nhìn lâu vào một loại ánh sáng mờ, phải chú ý theo dõi các hàng chữ nhỏ... chứ không phải là do màn hình của máy phát ra những tia có hại như nhiều người vẫn tưởng. Muốn giảm các tác hại của máy tính đối với sức khỏe, bạn nên thực hiện các biện pháp sau: đặt máy tính xa cửa sổ để mắt không bị chói vì ánh sáng mặt trời và ánh sáng phản chiếu trên màn hình và luôn giữ cho màn hình thật sạch. Nếu các nét trên màn hình bị mờ, chập, nhảy, nên chữa máy ngay. Độ chếch của màn hình với đường nhìn xuống của mắt vào khoảng từ 10-15o so với mặt bàn (1/3 của góc vuông).

Chớp mắt nhiều để mắt không bị khô. Khi làm việc không nên đeo đồ trang sức cho mắt (lông mi giả, kính màu...). Kính hai tròng không thích hợp vì thường tròng thứ hai được đặt để nhìn thẳng xuống sách báo, không hợp với độ chếch của mắt và màn hình. Nên nghỉ giải lao có định kỳ trong thời gian làm việc để tập một số động tác về cổ, vai và lưng.

Bệnh ở hệ thống tiêu hóa

Ăn uống thiếu điều độ, vừa ăn vừa làm việc, lạm dụng thức ăn nhanh, ít uống nước, ít ăn rau... cộng với việc ngồi quá nhiều, nên rất nhiều người làm công tác văn phòng mắc các bệnh đường ruột. Nhẹ thì táo bón, khó tiêu, nặng thì đau dạ dày, đau đại tràng, trĩ...

Để không mắc chứng bệnh này, bạn cần ăn uống đúng giờ, không được bỏ bữa sáng. Tuyệt đối không vừa làm vừa ăn hoặc bỏ bữa. Nên uống nhiều nước và ăn nhiều rau quả có chứa chất xơ.

Khô da và tóc do mất nước

Ngồi làm việc thường xuyên trong một thời gian dài ở phòng điều hòa chắc chắn da sẽ mất nước trầm trọng. Nếu trong phòng làm việc có người hút thuốc lá hoặc bản thân bạn là người hút thì hậu quả sẽ nặng nề hơn.

Muốn da luôn căng tràn nhựa sống, bạn nên uống nhiều nước, dùng kem dưỡng da ban ngày hoặc kem dưỡng ẩm. Nếu có thể hãy mở cửa phòng làm việc của bạn khi thời tiết đẹp, để vừa tiết kiệm điện lại vừa chống khô da và tóc.

TD (Theo SKDS)