banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Nội dung Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc
Cập nhật lúc 09:43 ngày 24/03/2015

Ngày 18/11/2009, tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, đại diện Chính phủ Việt Nam và Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Đại Vĩ, đại diện Chính phủ Trung Quốc đã ký Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. 

 Văn kiện này chính thức có hiệu lực từ ngày 14/7/2010, đánh dấu mốc kết thúc toàn bộ quá trình giải quyết biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc nói chung và việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền hai nước nói riêng.

Bảo vệ chủ quyền (cột mốc trên tuyến biên giới Cao Bằng)

1. Nghị định thư phân giới cắm mốc gồm 5 phần, 13 điều, cụ thể là:

Phần I giới thiệu các quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 6) nêu cơ sở pháp lý và triển khai công tác phân giới cắm mốc, quy định cách thức mô tả đường biên giới; chất liệu mốc giới, phân công cắm mốc, các loại mốc giới và cách đánh số mốc giới...

Phần II mô tả hướng đi của đường biên giới và vị trí mốc giới (Điều 7) từ điểm khởi đầu đường biên giới (giao điểm đường biên giới giữa ba nước được quy định trong “Hiệp ước về xác định giao điểm đường biên giới giữa nước CHXHCN Việt Nam, nước CHDCND Lào và nước CHND Trung Hoa”), đến điểm kết thúc đường biên giới (điểm thứ nhất của đường phân định lãnh hải trong vịnh Bắc Bộ giữa hai nước được quy định trong “Hiệp định giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ”). Phần này mô tả chi tiết hướng đi của đường biên giới theo hướng từ Tây sang Đông theo từng đoạn biên giới lần lượt từ mốc tới mốc; tọa độ, độ cao, vị trí cụ thể của từng mốc; chất liệu và kích cỡ các loại mốc; quy định đường biên giới được thể hiện trên “Bản đồ biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa” tỷ lệ 1/50.000 do hai bên cùng thành lập. Đây là phần quan trọng nhất của Nghị định thư phân giới cắm mốc.

Phần III đề cập việc kiểm tra, bảo vệ hướng đi của đường biên giới, mốc giới, đường thông tầm nhìn biên giới (từ Điều 8 đến Điều 10). Phần này nêu các quy định cụ thể đối với công tác kiểm tra, bảo vệ hướng đi của đường biên giới, mốc giới, đường thông tầm nhìn biên giới…

Phần IV quy định khu vực tàu thuyền đi lại tự do (Điều 11) nêu rõ phạm vi, điều kiện đi lại tự do của tàu thuyền tại khu vực cửa sông Bắc Luân theo đúng thỏa thuận của hai Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Chính phủ đàm phán về biên giới lãnh thổ; đồng thời nêu rõ các hoạt động này được thực hiện theo Hiệp định do hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc thống nhất.

Phần V bao gồm các điều khoản cuối cùng (Điều 12, 13) quy định vệ hiệu lực, trình tự và thủ tục để Nghị định thư có hiệu lực.

Toàn bộ Nghị định thư phân giới cắm mốc gồm 372 trang văn bản theo đúng thể lệ quy định của Việt Nam về điều ước quốc tế và 542 trang tiếng Trung Quốc.

2. Phụ lục kèm Nghị định thư

Các phụ lục đính kèm Nghị định thư bao gồm: Bản đồ biên giới (gồm 35 mảnh bản đồ và 3 tờ phụ lục), Bảng đăng ký mốc giới (gồm 1980 trang), Bảng tọa độ và độ cao mốc giới (gồm 111 trang) và Bảng kê sự quy thuộc của các cồn bãi (gồm 8 trang).

Bản đồ biên giới

Bản đồ biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa (gọi tắt là bản đồ biên giới) là tài liệu đính kèm Nghị định thư, bản đồ biên giới thay thế bản đồ đính kèm “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa”. Bản đồ biên giới gồm 35 mảnh Việt - Trung văn và 35 mảnh Trung - Việt văn, đánh số đại thể từ Tây sang Đông, được thành lập tỷ lệ 1/50.000, hệ thống tọa độ mặt phẳng, thể hiện dải địa hình cách đường biên giới từ 3 đến 5 km về hai phía. Nội dung bản đồ bao gồm: cơ sở toán học, dân cư, mạng lưới đường sá, hệ thống thủy hệ, dáng đất và chất đất, thực vật, đường biên giới và các mốc giới. Bản đồ được thành lập theo ảnh hàng không bay chụp năm 1996-1998, được lưu giữ ở hai dạng (file số và file giấy). Bản đồ biên giới in 5 màu: đen, nâu, lơ, ve, đỏ, trong đó màu đỏ thể hiện đường biên giới, các mốc giới và số hiệu của nó.

Bảng đăng ký mốc giới

Thống kê loại hình mốc, vật liệu làm mốc, thời gian cắm mốc, mô tả vị trí cắm mốc, tọa độ vuông góc và địa lý của mốc, chiều cao mốc và độ cao mặt đất mốc, vị trí và khoảng cách giữa các mốc, sơ đồ vị trí mốc của từng cột mốc. Bảng đăng ký mốc giới được đóng thành 3 tập với 1980 bảng đăng ký mốc giới.

Bảng tọa độ độ cao mốc giới

Thống kê tọa độ, góc phương vị, khoảng cách với các mốc liền kề, độ cao mốc, khoảng cách đến đường biên giới của tất cả các mốc.

Bảng kê sự quy thuộc của các cồn bãi

Thống kê tên các cồn bãi, nước quy thuộc, tọa độ tâm các cồn bãi trên sông suối biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

3. Cách nhận biết đường biên giới trong Hiệp ước, Nghị định thư phân giới cắm mốc trên bản đồ

Trong Hiệp ước biên giới trên đất liền năm 1999 đường biên giới được mô tả khái quát đại thể từ Tây sang Đông, từ giới điểm đến giới điểm.

Trong Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc năm 2009, đường biên giới, vị trí các mốc giới được mô tả chi tiết đại để từ Tây sang Đông bắt đầu từ mốc giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc, lần lượt từ mốc đến mốc đến điểm cuối cùng của đường biên giới trên đất liền. Đường biên giới mô tả qua các dạng địa hình sau:

- Đường biên giới đi theo phân thủy (đường chia nước của các lưu vực sông của hai nước).

- Đường biên giới đi theo sống núi

- Đường biên giới đi theo đường thẳng

- Đường biên giới đi theo trung tuyến dòng chảy (hoặc trung tuyến dòng chảy chính) sông suối tàu thuyền không đi lại được. Đường biên giới đi theo trung tuyến luồng chính sông suối tàu thuyền đi lại được.

- Đường biên giới đi theo trung tuyến đường mòn, trung tuyến đường phòng hỏa

- Đường biên giới đi theo sườn núi, dốc núi…

Các mốc giới được mô tả vị trí cắm, tọa độ địa lý và độ cao mặt đất của mốc giới. Khoảng cách giữa các mốc đôi, mốc ba, khoảng cách đến đường biên giới của các mốc giới cắm trên sông suối.

Các điểm đặc trưng (nơi chuyển hướng của đường biên giới) được ghi chú bằng độ cao hoặc A, B…

Trên bản đồ biên giới đính kèm Nghị định thư phân giới cắm mốc, đường biên giới được biểu thị bằng đường nét liền màu đỏ lực nét 0,3 mm, các mốc giới được biểu thị bằng vòng tròn có chấm tâm (thể hiện đúng vị trí) hoặc không có chấm tâm (thể hiện không đúng vị trí) màu đỏ, tùy theo tình hình có thể có ghi chú số hiệu, độ cao. Nếu khoảng cách trên bản đồ từ mốc đến mốc quá nhỏ hoặc mốc giới quá dày không biểu thị được, thì đường biên giới và mốc giới sẽ được biểu thị trên sơ đồ phóng. Tọa độ của mốc giới có thể lấy số liệu tại vị trí mốc giới trên bản đồ số hoặc lấy trên bảng đăng ký mốc giới đính kèm Nghị định thư phân giới cắm mốc.

Đường biên giới trên sông suối, quy thuộc các cồn bãi trên sông suối

- Theo lời văn mô tả: đường biên giới theo trung tuyến dòng chảy hoặc trung tuyến dòng chảy chính trên sông suối tàu thuyền không đi lại được và đường biên giới theo trung tuyến luồng chính tàu thuyền đi lại trên sông tàu thuyền đi lại được.

Sông suối biên giới mà Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc mô tả chia thành hai loại: sông suối tàu thuyền đi lại được và sông, suối tàu thuyền không đi lại được. Sông Ka Long (Bei Lun He), sông Bắc Luân từ mốc giới số 1350 về phía Đông là sông tàu thuyền đi lại được; những sông, suối biên giới khác là sông, suối tàu thuyền không đi lại được.

Hai bên thông qua đo đạc thủy văn đã xác định vị trí chính xác của đường biên giới là trung tuyến luồng chính tàu thuyền đi lại trên sông tàu thuyền đi lại được và trung tuyến dòng chảy hoặc trung tuyến dòng chảy chính trên sông, suối tàu thuyền không đi lại được, đồng thời đã xác định sự quy thuộc của các cồn, bãi trên sông, suối biên giới.

Số hiệu và sự quy thuộc của các cồn, bãi trên sông, suối biên giới được ghi trong “Bảng kê sự quy thuộc của các cồn, bãi”. Số hiệu của các cồn, bãi được đánh số theo từng sông, suối biên giới và lần lượt theo hướng đi của đường biên giới.

Các cồn, bãi trên dòng chảy có độ rộng nhỏ hơn 20m thì không biểu thị trên bản đồ biên giới. Các cồn bãi không thể biểu thị được theo tỷ lệ trên bản đồ biên giới thì biểu thị bằng ký hiệu chấm tròn màu đen đường kính 0,3 mm đặt ở điểm trung tâm của cồn, bãi đó. Trong đó các cồn, bãi và đường bờ nước liên quan trên sông Bá Kết đã dịch chuyển vị trí để biểu thị.

Các cồn, bãi có tên trên sông Quây Sơn (Gui Chun He), suối Nà Sa, sông Đồng Mô, suối Bỉ Lao, sông Ka Long (Bei Lun He), sông Bắc Luân sẽ được ghi chú tên gọi và sự quy thuộc trong bảng kê đặt tại chỗ trống trong khung bản đồ.

Sau khi phân giới đường biên giới, nếu có các cồn, bãi mới xuất hiện trên sông, suối biên giới thì căn cứ theo đường biên giới đã phân giới để quy thuộc.

- Trên bản đồ:

Khi đường biên giới đi theo trung tuyến dòng chảy mương nước, trung tuyến dòng chảy hoặc trung tuyến dòng chảy chính của sông suối có độ rộng nhỏ hơn 20m, nếu chiều dài mương nước, sông suối liên quan nhỏ hơn 500m, thì trên bản đồ biên giới chỉ vẽ đường biên giới, không vẽ mương nước hoặc sông suối; nếu mương nước hoặc sông suối liên quan có độ dài lớn hơn hoặc bằng 500m, thì trên bản đồ biên giới đường biên giới sẽ được vẽ bằng nét đứt so le hai bên theo dòng chảy mương nước hoặc sông suối.

Khi đường biên giới đi theo trung tuyến dòng chảy (trung tuyến dòng chảy chính) sông suối có độ rộng lớn hơn 20m hoặc trung tuyến luồng chính tàu thuyền đi lại, thì trên bản đồ biên giới, đường biên giới sẽ được vẽ trùng với trung tuyến dòng chảy (trung tuyến dòng chảy chính) sông suối hoặc trung tuyến luồng chính tàu thuyền đi lại được.

So với các Hiệp ước và Nghị định thư phân giới cắm mốc trước đây Việt Nam ký với các nước láng giềng, Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc đầy đủ, đồng bộ, hiện đạo và hoàn thiện hơn. Cùng với Hiệp ước 1999, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Nghị định thư phân giới cắm mốc trở thành bộ hồ sơ hoàn chỉnh về đường biên giới Việt - Trung, tạo cơ sở vững chắc cho công tác quản lý biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển./.

Cảnh Toàn (theo UBBG)