[In trang]
Công tác vận động nữ cán bộ CNVCLĐ vì sự tiến bộ phụ nữ trong thời kỳ mới
Thứ ba, 17/02/2015 - 10:50
Là công đoàn ngành lớn nhất toàn quốc, Công đoàn Công Thương Việt Nam hiện đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp 16 công đoàn cấp trên cơ sở và 152 công đoàn cơ sở trực thuộc

Là công đoàn ngành lớn nhất toàn quốc, Công đoàn Công Thương Việt Nam hiện đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp 16 công đoàn cấp trên cơ sở và 152 công đoàn cơ sở trực thuộc, với tổng số lao động nữ là 58.602/176.171, chiếm tỷ lệ 33,26%; trong đó đoàn viên nữ là 53.062/164.913, chiếm tỉ lệ 32,18%. Chị em tham gia ở tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, quản lý nhà nước và đóng góp một phần không nhỏ vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị hàng năm của toàn Ngành.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành các  chỉ thị , nghị quyết, chính sách pháp luật và các văn bản có liên quan về công tác phụ nữ nhằm tạo điều kiện cho chị em phát huy tốt nhất vai trò và khả năng của mình trong mọi mặt của đời sống xã hội, như Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”, Nghị quyết 6b/NQ-BCH ngày 29/01/2011 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn LĐVN (khóa X) về “Công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”… qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác phụ nữ cũng như công tác nữ công để nghiên cứu, vận dụng phù hợp điều kiện của từng đơn vị.  

Xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu thực tế của Nữ CNVCLĐ, công đoàn các cấp đã luôn đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nữ công. Trong những năm qua, Ban Nữ công công đoàn các cấp đã thực hiện tốt công tác vận động nữ CNVCLĐ và thu được những kết quả đáng khích lệ. Công tác tuyên truyền, giáo dục và đẩy mạnh phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ là công tác xuyên suốt, vận động nữ CNVCLĐ thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt những nội dung liên quan đến lao động nữ và trẻ em được quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2012, Luật BHXH, ..; 

Các phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ, đặc biệt là phong trào “Giỏi việc nước - đảm việc nhà” đã được các cấp công đoàn trong ngành cụ thể hóa nội dung, tiêu chuẩn thi đua phù hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị. Nhiều đơn vị trong ngành đã tổ chức Hội nghị và tiếp tục phát động phong trào thi đua nữ CNVCLĐ “Giỏi việc nước- Đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, nhiều cá nhân, tập thể nữ điển hình tiên tiến đã được biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời, trên cơ sở đó nhân rộng, tạo đà cho phong trào ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Tính riêng trong năm 2014, số chị em đạt danh hiệu “Giỏi việc nước- đảm việc nhà” là 41.940/58.602 chị đạt tỷ lệ 71,56%, trong đó tại cấp cơ sở là 13.673 chị; cấp trên cơ sở là 29.285 chị. Đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng cờ cho 01 tập thể và 01 Bằng khen cho 01 tập thể và 04 cá nhân tiểu biểu nhất trong ngành trong thực hiện phong trào thi đua giỏi việc nước đảm việc nhà. 


Bên cạnh phong trào thi đua giỏi việc nước đảm việc nhà trong nữ CNVCLĐ, Ban Nữ công các cấp đã động viên nữ CNVCLĐ tích cực tham gia các phong trào thi đua: “Lao động giỏi, sáng kiến, sáng tạo”; phong trào thi đua phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, nuôi con khỏe, dạy con ngoan; Thi đua dạy tốt, học tốt; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…. Ghi nhận những thành tích của chị em, 20 nữ CNLĐ đã được biểu dương tại Hội nghị “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” cấp ngành năm 2014; 01 chị được trao cúp Bông hồng vàng toàn quốc, 01 tập thể nữ và 01 chị vinh dự được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam…

Bên cạnh các phong trào nói trên, tại một số đơn vị trong ngành đã thực hiện phong trào thi đua “Mẹ lao động giỏi - con học giỏi” gắn việc phấn đấu của mẹ trong sản xuất, công tác với sự vươn lên của con trong học tập, rèn luyện nhằm khuyến khích các cặp Mẹ - Con cùng cố gắng phấn đấu đạt thành tích cao. 

Thực hiện chức năng tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách lao động nữ, chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng cho nữ CNVCLĐ, trong những năm qua, Ban Nữ công công đoàn các cấp đã tăng cường công tác phối hợp kiểm tra giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ tại đơn vị như kiểm tra việc thực hiện quy định của Bộ Luật Lao động, luật BHXH..và công tác cán bộ nữ, việc triển khai các Chỉ thị,  Nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; việc thực hiện Chương trình hành động của Công đoàn Công Thương Việt Nam về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015; việc thực hiện Chỉ thị của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương về “Tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ trong ngành Công Thương”, qua đó, Ban Nữ công công đoàn các cấp đã tham gia, đề xuất với công đoàn, chính quyền đơn vị nhằm nâng cao đời sống, việc làm và thu nhập cho lao động nữ và vì sự tiến bộ phụ nữ . Ban Nữ công các cấp đã chủ động tham mưu với Ban chấp hành cùng cấp để tham gia với chuyên môn trong việc xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chú ý đến công tác quy hoạch, đề bạt cán bộ nữ, phát hiện giới thiệu những nữ CNVCLĐ có triển vọng đưa vào quy hoạch, và tham gia cấp ủy, lãnh đạo chính quyền các cấp đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra của Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. 

Với hoạt động xã hội, Ban Nữ công các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp các gia đình nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, tự vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, tiến tới tự làm giầu. Quỹ “Vì nữ CNVCLĐ nghèo” Quỹ phát triển kinh tế gia đình.. ở các đơn vị được duy trì, giúp chị em có điều kiện vay vốn làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Đây là cách làm không mới, song hiệu quả, được chị em đánh giá cao. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến nay nguồn vốn của các đơn vị trong toàn ngành là 8.244 triệu đồng, số vốn đã được sử dụng tính riêng trong năm 2014 là 3.160 triệu đồng, số chị đã trợ giúp là 592 chị. 

Về công tác gia đình, chăm sóc, giáo dục trẻ em và dân số kế hoạch hóa gia đình, Ban Nữ công các đơn vị đã tăng cường tham gia với công đoàn, chuyên môn trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình và trẻ em, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Đẩy mạnh truyền thông và tổ chức các hoạt động vận động, tư vấn để thực hiện các biện pháp KHHGĐ; duy trì phong trào xây dựng gia đình CNVCLĐ ngành Công Thương no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Hàng năm, cán bộ công đoàn Ban Nữ công các cấp đã tham mưu với BCH công đoàn cùng cấp tổ chức tổng kết, đánh giá công tác chăm sóc trẻ em, tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan, khen thưởng động viên học sinh giỏi, tặng quà học sinh nghèo vượt khó với tổng số tiền hàng chục tỉ đồng. 

Những nỗ lực của các cấp công đoàn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nữ công công đoàn các cấp đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của công tác vận động nữ theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ trong toàn ngành ngày càng rõ nét hơn. Nhiều cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng, và giữ trọng trách trong các cơ quan, đơn vị, đoàn thể từ cấp ngành đến cơ sở. Trong hệ thống công đoàn, nữ  Chủ tịch CĐ cấp trên cơ sở và cấp cơ sở do CĐCTVN quản lý và chỉ đạo trực tiếp là 72 chiếm tỷ lệ 42,86% ; Nữ Phó Chủ tịch là CĐ cấp trên cơ sở và cấp cơ sở là 51chị chiếm tỷ lệ, 37,78% ; Nữ Ủy viên Ban chấp hành là 383 chị chiếm tỷ lệ 36,27%. Nhờ đó, nữ cán bộ, công chức có cơ hội thực hiện quyền bình đẳng giới của mình thông qua việc tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật đáp ứng nhu cầu và lợi ích giới; được cử đại diện trong các cơ quan cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể chính trị- xã hội.

Bên cạnh những việc làm được, công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động trong ngành thời gian qua còn một số hạn chế như: mặc dù nữ có những thuận lợi, ưu thế hơn so với nam giới, cán bộ nữ cũng có những điểm yếu nhất định, một số nữ trong quy hoạch phấn đấu chưa toàn diện, cho nên kết quả tín nhiệm đối với tập thể còn chưa cao. Cán bộ nữ trong độ tuổi phát triển tốt nhưng phải thực hiện thiên chức làm mẹ do vậy có ảnh hưởng lớn đến việc phấn đấu, học tập nâng cao trình độ. Việc phát hiện, bồi dưỡng, phát triển nhân tố mới là lao động trực tiếp còn chưa nhiều. Đội ngũ cán bộ nữ làm công tác nữ công mặc dù có sự phát triển, song nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới, thiếu về kỹ năng hoạt động ...

Trước yêu cầu của việc hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và trong bối cảnh kinh tế xã hội của cả nước và của ngành Công Thương còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, cùng với đó là việc sắp xếp các đơn vị, CPH, tái cơ cấu DN trong ngành sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng cũng như công tác vận động nữ CNVCLĐ. Do đó, để tăng cường vai trò của Ban Nữ công công đoàn các cấp trong công tác vận động nữ CNVCLĐ vì sự tiến bộ phụ nữ của ngành, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị cũng như của ngành trong thời gian tới và đáp ứng yêu của cầu tình hình mới, các cấp công đoàn và cán bộ nữ công, Ban Nữ công công đoàn các cấp phải thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ Ban Nữ công và các tổ, nhóm nữ công các cấp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ nữ công, nâng cao kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng tổ chức hoạt động tổ, nhóm, kỹ năng xây dựng chương trình công tác nữ công cơ sở; Tạo cơ chế phối hợp đồng thuận với bộ phận liên quan trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; Tổ chức mạng lưới hoạt động nữ công và chỉ đạo mạng lưới trong Ban Nữ công hoạt động, hướng hoạt động của Ban nữ công vào đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, thiết thực, chính đáng của nữ CNVCLĐ; Cán bộ nữ công phải sâu, sát lao động nữ, tạo được hạt nhân nòng cốt để nắm bắt kịp thời những tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn, thuận lợi của lao động để tham mưu, đề xuất giải pháp giải quyết kịp thời; Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của Ban Nữ công cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể và tạo sức hấp dẫn thu hút lao động nữ tự nguyện tham gia; Đề xuất chính sách, quy chế tạo điều kiện để cán bộ nữ công hoạt động; hướng dẫn, tạo điều kiện kịp thời để cán bộ nữ phát triển, kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở thường xuyên hoạt động của tiểu Ban Nữ công, tổ nhóm nữ công, chú trọng công tác vận động, thuyết phục nữ CNVCLĐ, quan tâm đến công tác tham mưu cho công đoàn tổ chức sơ, tổng kết, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích, rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế, phổ biến nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Lê Thị Đức