[In trang]
Công đoàn đồng hành có hiệu quả cùng chuyên môn
Thứ bảy, 14/02/2015 - 16:40
Trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, CNVC-LĐ ngành Công Thương vẫn luôn kiên định, vững vàng, tin tưởng ở đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; vẫn giữ vững bản chất tốt đẹp của giai cấp công nhân, ra sức khắc phục khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2015.

Vượt qua khó khăn, thách thức, ngành Công Thương đã hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2014. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm (2011-2015), Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2011-2020). Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hung đã trả lời phỏng vấn Bản tin Công đoàn Công Thương.


PV: Thưa Thứ trưởng, năm 2014 ngành Công Thương đã chèo chống con thuyền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn và đã đạt được những thành tích đáng kể. Xin Thứ trưởng cho biết một vài dấu ấn đặc biệt của ngành trong năm qua?

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng: Năm 2014, ngành Công Thương có nhiều khởi sắc, tiếp tục đạt được những thành tích đáng phấn khởi, trong đó đáng chú ý là: 

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,6%, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,9% của năm 2013;

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,98% so với năm 2013. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng 7,15% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có chuyển biến tích cực với mức tăng 8,45%;

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.945,2 nghìn tỷ đồng.

Kim ngạch xuất khẩu của cả nước lần đầu tiên vượt ngưỡng 150 tỷ USD. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn  là: Điện thoại và linh kiện đạt 24,1 tỷ USD; hàng dệt may đạt 20,8 tỷ USD; giày dép đạt 10,2 tỷ USD; điện tử máy tính và linh kiện đạt 11,6 tỷ USD; thủy sản đạt 7,9 tỷ USD…

Nhiệm vụ cấp điện từ lưới điện quốc gia cho các huyện đảo trên mọi miền của Tổ quốc tiếp tục được thực hiện với nhiều thành công và thắng lợi. Sau khi huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh và huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, được chính thức cấp điện từ lưới điện quốc gia trong các năm vừa qua, trong khoảng thời gian chưa đầy 1 năm, đã có thêm 02 huyện đảo được cấp điện bằng các dự án cáp ngầm xuyên biển (huyện đảo Lý Sơn được cấp điện từ lưới điện quốc gia từ tháng 9/2014 và huyện đảo Vân Đồn từ tháng 12/2014). Dự kiến vào trước dịp Tết nguyên đán Ất Mùi 2015, dự án cấp điện cho huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang cũng sẽ chính thức hoàn thành. Đây là những công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần cải thiện đời sống của người dân trên các huyện đảo, giúp các huyện đảo phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá… đồng thời tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho công tác đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn chủ quyền biển đảo của đất nước. Như vậy, cho tới nay chúng ta đã triển khai đưa điện lưới ra 6/12 huyện đảo. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tìm các giải pháp để cấp điện an toàn, ổn định với chi phí hợp lý cho các huyện đảo còn lại.

Chúng ta đã lần lượt kết thúc ở cấp kỹ thuật 02 Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan Nga - Bê-la-rút - Ca-dắc-xtan (VCUFTA) và với Hàn Quốc (VKFTA). Ngoài ra, chúng ta đã xác định được định hướng để sớm kết thúc đàm phán FTA giữa Việt Nam với EU trong một vài tháng tới. Đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do với khối EFTA (gồm 4 nước Na Uy, Ai-xơ-len, Thụy Sĩ và Lích-ten-xtai) đã được đẩy nhanh và có nhiều khả năng sẽ được kết thúc trong năm 2015.

 Sau 3 năm xây dựng, nhà máy sản xuất phân bón cao cấp DAP tại khu công nghiệp Tằng Loỏng  (Lào Cai) công suất 330.000 tấn/năm đã chính thức cho ra lò mẻ sản phẩm đầu tiên, từ nguồn nguyên liệu quặng apatit tại chỗ, đạt các tiêu chuẩn thương mại, cung cấp nguồn phân bón giá trị cao cho sản xuất nông nghiệp của các tỉnh miền núi phía bắc và cả nước.

Với mục đích thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh; đổi mới mô hình, tổ chức hoạt động của ngành Công Thương nhằm đáp ứng kịp thời cho sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước, đồng thời phục vụ tốt cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030, Bộ Công Thương đã hoàn thành đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 1 tháng 12 năm 2014.

PV: Thưa Thứ trưởng, Bộ trưởng có nhắc đến việc hoàn thành đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Vậy ngành Công Thương sẽ phải đối mặt với những thách thức nào khi Việt Nam chính thức tham gia các hiệp định thương mại tự do đó?

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng: Trong bối cảnh Việt Nam tới đây sẽ tham gia đầy đủ các hiệp định thương mại tự do, để ngành Công Thương phát triển bền vững quả là một bài toán không đơn giản bởi chúng ta đều hiểu rằng hội nhập kinh tế quốc tế đem đến cho ngành Công Thương cả cơ hội và thách thức. Chỉ có điều, cơ hội và thách thức luôn đan xen, chuyển hóa lẫn nhau, không ở trạng thái tĩnh mà luôn luôn chuyển động. Nếu chúng ta  có quyết tâm, có chính sách đúng, cơ hội sẽ nhiều hơn thách thức. Ngược lại nếu kém hiểu biết, thách thức sẽ lớn hơn và sự trả giá là không tránh khỏi. Thực tiễn hiện nay cho thấy rõ những thách thức bắt nguồn từ sự yếu kém của nền kinh tế. Đó là tỷ trọng giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất đã tăng lên nhưng mức chênh lệch giữa giá trị sản xuất và giá trị gia tăng còn lớn. Nguyên nhân chủ yếu là chất lượng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp còn yếu, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, nhiều ngành công nghiệp (kể cả những ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn) vẫn còn mang tính lắp ráp, gia công, hàm lượng sản xuất trong nước còn thấp. Trình độ công nghệ lạc hậu, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm tuy có cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với các nước trong khu vực. Năng suất lao động thấp; năng lực quản lý còn hạn chế; bộ máy quản lý cồng kềnh, chồng chéo, kém hiệu quả; sự điều chỉnh cơ cấu kinh tế còn thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán. Các doanh nghiệp phần lớn còn thiếu hiểu biết về thị trường thế giới và luật pháp quốc tế, thiếu kinh nghiệm làm ăn với các đối tác quốc tế... Tuy nhiên, chúng ta không nên quá lo lắng hay bi quan trước những thách thức đó. Điều quan trọng hơn là mỗi đơn vị, mỗi doanh nghiệp phải nắm được cơ hội, tìm thấy cơ hội trong thách thức để có những bước chuyển theo kịp sự phát triển của khu vực và thế giới và như vậy thì sức bật của ngành Công Thương sẽ rất nhanh, rất mạnh.

PV: Thưa Thứ trưởng, năm 2015 và những năm tiếp theo Công đoàn Công Thương Việt Nam cần làm gì để góp phần tạo nên sức bật nhanh và mạnh của Ngành?

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng: Năm 2015 sẽ có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, nhiều ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, đồng thời cũng là năm đánh dấu một bước tiến quan trọng của chúng ta trong tiến trình hội nhập quốc tế. Thời cơ, vận hội nhiều nhưng khó khăn, thách thức cũng không ít. Sự lớn mạnh của phong trào CNVC-LĐ và hoạt động Công đoàn của Công đoàn Công Thương Việt Nam luôn đi đôi với sự phát triển của Ngành. Để góp phần vào sự lớn mạnh, bền vững của Ngành, năm 2015 và những năm tới đây Công đoàn Công Thương Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động, thực sự hướng về cơ sở, vì đoàn viên và người lao động; động viên cán bộ, đoàn viên, CNLĐ ra sức phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của ngành. Bên cạnh đó, Công đoàn Công Thương Việt Nam cần chủ động phối hợp với các trường đào tạo trong Ngành có biện pháp, giải pháp nâng cao trình độ nhận thức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ tay nghề cho CNLĐ góp phần xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân ngành Công Thương lớn mạnh theo tinh thần Nghị quyết 20 BCH Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước”; thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ thông qua việc kiểm tra giám sát chấp hành pháp luật lao động, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; phối hợp với Bộ tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua, các hoạt động chào mừng các ngày lễ trọng đại của đất nước.

PV: Thưa Thứ trưởng, xin Thứ trưởng có đôi lời cùng đoàn viên, CNVC-LĐ ngành Công Thương trong năm mới Ất Mùi.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng: Trong những thành tựu đạt được của ngành Công Thương có sự đóng góp xứng đáng của đội ngũ CNVC-LĐ. Trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, CNVC-LĐ ngành Công Thương vẫn luôn kiên định, vững vàng, tin tưởng ở đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; vẫn giữ vững bản chất tốt đẹp của giai cấp công nhân, ra sức khắc phục khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2015. 

Nhân dịp năm mới, tôi xin chúc toàn thể đoàn viên, CNVC-LĐ trong Ngành sức khỏe, hạnh phúc, đoàn kết, đổi mới, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả để làm giàu cho mình, cho đất nước, cho sự phát triển lớn mạnh và bền vững của ngành Công Thương.

PV: Trân trọng cám ơn Thứ trưởng. 

Thay mặt đoàn viên, CNVC-LĐ ngành Công Thương kính chúc Thứ trưởng sức khỏe, hạnh phúc.   

 

PV