[In trang]
Nhìn lại một năm triển khai Luật Lao động và Luật Công đoàn 2012: Cần sớm ban hành đủ văn bản hướng dẫn dưới Luật
Thứ năm, 09/10/2014 - 15:24
CĐCTVN là đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức tọa đàm về vấn đề đang rất nóng này

Ngày 30/9/2014, Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) đã tổ chức buổi Tọa đàm về thực hiện Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn năm 2012 vấn đề lao động và vai trò của công đoàn trong Hiệp định thương mại tự do. Đại diện các tập đoàn, tổng công ty, các đơn vị thành viên của Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tham dự và đóng góp nhiều ý kiến vào những vấn đề đang vướng mắc sau một năm thực hiện hai Bộ Luật trên. CĐCTVN là đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức tọa đàm về vấn đề đang rất nóng này.

 

Nóng vì Bảo hiểm xã hội

Theo báo cáo của Công đoàn Công Thương Việt Nam, năm 2013, toàn ngành có 558 đơn vị công đoàn cơ sở đang quản lý 177.684 lao động, trong đó có 98,3% được ký hợp đồng lao động. Thu nhập bình quân tại các doanh nghiệp khoảng hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Trong đó khối doanh nghiệp nhà nước đạt khoảng 5,2 triệu đồng và ngoài nhà nước đạt khoảng 6,8 triệu đồng.

Việc chấp hành các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, của người sử dụng lao động và người lao động trong thời gian qua có nhiều chuyển biến. Các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện thanh toán kịp thời, tình trạng nợ đọng bảo hiểm hàng năm không xảy ra.

Tuy nhiên, hầu như các đơn vị đều phản ứng gay gắt về việc cơ quan BHXH chậm chạp trong thanh toán lương hưu cho người lao động theo mức tối thiểu 1.150.000 đồng/tháng mà vẫn thanh toán theo mức 1.050.000 đồng/tháng theo qui định cũ, mặc dù Luật Lao động và Luật Công đoàn mới đã có hiệu lực từ cả năm nay. Bà Chử Thị Ngọc Huyền – Phó TGĐ, Chủ tịch CĐ Công ty CP Tổng Bách hóa cho biết, Công ty của bà hiện đang loay không biết giải quyết thế nào với các đối tượng nghỉ ốm, nghỉ chế độ thai sản, nghỉ hưu, bởi BHXH nhất định chỉ giải quyết theo mức 1.050.000 đ và yêu cầu người lao động phải chờ hướng dẫn. Đã hơn một năm, câu trả lời vẫn là “chờ”. “Vậy thì chúng tôi phải chờ đến bao giờ và biết giải thích thế nào với đoàn viên công đoàn” – bà Huyền bức xúc.

Cùng chung ý kiến này, ông Nguyễn Trọng Thể - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Máy động lực Máy nông nghiệp đề nghị phải nhanh chóng giải quyết nợ đọng BHXH kiểu này, “không thể cứ lúc thu thì thu cao, lúc trả thì trả thấp, người lao động thắc mắc thì bảo chưa có văn bản hướng dẫn, còn bao giờ mới có văn bản hướng dẫn để thực hiện cho đúng thì tôi không biết. Một người thì có thể không nhiều, nhưng với hàng triệu triệu người lao động thì đây là một số tiền không nhỏ”.

Một số ý kiến khác lại cho rằng, doanh nghiệp họ đang vướng ở số lao động đủ tuổi về hưu, nhưng thiếu vài năm đóng BHXH nên không được hưởng lương hưu mà chỉ có thể giải quyết cho về một cục, điều đó rõ ràng rất thiệt thòi cho người lao động. Ông Nguyễn Xinh – Chủ tịch Công đoàn TCT Giấy Việt Nam đề nghị Tổng LĐLĐVN cần có văn bản hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp nên làm thế nào trong những trường hợp như thế này để có lợi nhất cho người lao động, những người đã đóng góp cả đời cho sự phát triển của ngành và đất nước.

 

Đối thoại trực tiếp mới chỉ là hình thức

Kể từ ngày 15/8/2013, Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc được thực hiện theo Nghị định số 60/2013/NĐ-CP (Nghị định 60), ban hành ngày 19/6/2013. Nghị định này qui định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ Luật Lao động, trong đó qui định chi tiết về Hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc bao gồm: Đối thoại tại nơi làm việc và Hội nghị người lao động. Ông Nguyễn Xuân Thái – Phó chủ tịch CĐCTVN thừa nhận, qua khảo sát tại một số đơn vị, có thể thấy, công tác này còn yếu. Một số đơn vị làm kết hợp với công tác sơ kết, tổng kết. Đa số các đơn vị chưa xây dựng quy chế đối thoại. Đoàn đối thoại không do Hội nghị người lao động bầu ra theo qui định tại khoản 2, Điều 18, Nghị định 60.

Khoản 1, Điều 10, Nghị định 60 qui định: “Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc do người sử dụng lao động chủ trì, phối hợp với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở thực hiện 03 tháng một lần để trao đổi, thảo luận các nội dung quy định tại Điều 64 của Bộ luật Lao động; khoảng cách giữa hai lần đối thoại định kỳ liền kề tối đa không quá 90 ngày”. Với qui định này, nhiều doanh nghiệp sản xuất thực sự cảm thấy quá áp lực. Ông Phạm Văn Thịnh – Phó Chủ tịch Công đoàn TCT CP Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) chia sẻ, ngay từ năm ngoái, từ công ty mẹ Habeco đã ban hành Qui trình tổ chức Hội nghị người lao động và Qui chế đối thoại. Tuy chưa được 100% đơn vị bầu Ban đối thoại tại Hội nghị người lao động, nhưng đa số đơn vị đều đã thực hiện. Nhìn chung tình hình triển khai thực hiện Nghị định 60 là nghiêm túc tại các đơn vị. Tuy nhiên, ông Thịnh cũng thừa nhận, một số đơn vị bầu ra Ban đối thoại nhưng để đấy, chưa triển khai gì, đó là một thực trạng của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Ông Thịnh cho rằng, qui định “khoảng cách giữa hai lần đối thoại định kỳ liền kề tối đa không quá 90 ngày” là bất cập, chưa phù hợp. Trên thực tế đi kiểm tra tại các đơn vị cơ sở, ông Thịnh cho rằng, các đơn vị có nhiều hình thức đối thoại, từ Hội nghị người lao động, trên các cuộc họp giao ban, chuyên môn các cấp công ty, tổ, bộ phận đều có thực hiện qui chế dân chủ và đối thoại trực tiếp. Do đó, với đơn vị nào có những vấn đề bức xúc thì không nói làm gì, còn đơn vị nào giải quyết ổn thỏa thì không nhất thiết phải cứng nhắc hai lần “liền kề không quá 90 ngày”. Vì theo ông Thịnh, nếu cứng nhắc quá, với các đơn vị sản xuất, nhất là các đơn vị sản xuất có tính thời vụ thì 90 ngày trôi qua rất nhanh. Nhiều đơn vị không làm được.

Chung quan điểm này, ông Nguyễn Xinh cho biết, tại TCT Giấy đây cũng là vấn đề vướng. Có đơn vị đã qua 4 tháng so với lần đối thoại trước, nhưng vẫn chưa biết tiếp theo sẽ làm gì, bởi chưa tìm ra nội dung cho kỳ đối thoại tiếp theo. Ông Xinh nhấn mạnh, muốn đối thoại trực tiếp thì phải có vấn đề, qui định thời gian, thành phần, nội dung, địa điểm, mỗi bên bao nhiêu người,

đối thoại cái gì, làm sao cho phù hợp, vấn đề phải đáng để đem ra bàn luận, chứ không thể đưa những vấn đề nho nhỏ ra đối thoại cho có là không cần thiết và rất hình thức. Vì thế, với qui định này, cơ sở chưa thực hiện được.

 

Đưa thực tế vào chính sách

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Trọng Thể tham góp trong vấn đề xây dựng Luật. Ông Thể cho rằng, lâu nay chúng ta cứ tuyên truyền “đưa chính sách vào cuộc sống” – đó là một sai lầm. Chính sách cần phải bắt đầu từ thực tế mới sát với những đang diễn ra, mới dễ triển khai và đạt hiệu quả. Cho nên, theo ông Thể, cần “đưa thực tế vào chính sách”, những người làm luật cần phải gắn với thực tiễn sản xuất, tránh tình trạng ngồi bàn giấy “vẽ voi”, xa rời thực tế, rồi lại “ép chính sách vào cuộc sống”.

Đã qua hơn 1 năm triển khai Luật Lao động và Luật Công đoàn, nhưng hệ thống văn bản dưới Luật ban hành vừa chậm, vừa không đủ. Ông Lê Đình Quảng – Phó Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐVN, chúng ta hiện mới ra được khoảng 16 văn bản hướng dẫn so với hơn 40 văn bản trước kia. Vì vậy, hiện Tổng LĐLĐVN đang đề nghị Chính phủ cho phép ban hành tổng cộng khoảng hơn 20 văn bản hướng dẫn mới đáp ứng được yêu cầu hướng dẫn Luật Lao động và Luật Công đoàn 2012.

Đại diện Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, ông Nguyễn Huy Thông – Trưởng Ban chính sách pháp luật, cho rằng, Luật Lao động 2012 đã có nhiều điểm mới, nhưng khung pháp lý hiện tại vẫn chưa đầy đủ. Trong quá trình thực hiện vẫn phải sử dụng nhiều qui định tại các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Lao động trước đây. Mặc dù về nguyên tắc, các văn bản hướng dẫn trước đây nếu chưa bị tuyên bố hết hiệu lực, bị hủy bỏ hay thay thế thì vẫn còn hiệu lực áp dụng. Tuy nhiên, việc áp dụng hướng dẫn bộ luật cũ cho bộ luật mới về mặt logic rõ ràng là không ổn.

Kết thúc buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Thái tổng hợp lại các vấn đề đại biểu đã đóng góp ý kiến và khẳng định CĐCTVN là đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức buổi tọa đàm này nhằm lấy ý kiến các đơn vị sau một năm triển khai Luật Lao động và Luật Công đoàn 2012. CĐCTVN chỉ mong muốn xới xáo vấn đề, để các đơn vị có thời gian nhìn nhận lại việc triển khai thực hiện nội dung hai Bộ Luật, cũng như tập hợp những vấn đề khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để kiến nghị lên Tổng LĐLĐ Việt Nam. Dự kiến, trong năm nay, Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức thêm một buổi tọa đàm nữa để lấy ý kiến các đơn vị khu vực phía Nam.

 Hồ Nga