[In trang]
Vai trò của công đoàn trong việc cải thiện điều kiện làm việc góp phần tăng năng suất lao động
Thứ năm, 25/09/2014 - 14:16
Lao động là hoạt động quan trọng nhất của con người và cũng chính lao động tạo ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần cho xã hội

Lao động là hoạt động quan trọng nhất của con người và cũng chính lao động tạo ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần cho xã hội. Đảm bảo việc làm và tăng năng suất lao động là nguồn gốc của phát triển kinh tế xã hội. Năng suất lao động để chỉ năng lực sản xuất hoặc hiệu suất của lao động và phản ánh hiệu quả hoạt động sản xuất của người lao động trong quá trình sản xuất. Năng suất lao động cao hay thấp là do số lượng sản phẩm làm ra trong một đơn vị thời gian quyết định; năng suất lao động ảnh nhiều bởi nhiều yếu tố như: trình độ, tay nghề của người lao động, tình hình phát triển của khoa học công nghệ, khả năng tác dụng công suất, chất lượng nguyên liệu, vật liệu và nhiên liệu, tổ chức lao động và các yếu tố tổng hợp như: (i) Năng suất yếu tố tổng hợp: mức độ công nghệ, luật pháp, thể chế kinh tế, khả năng phối hợp, môi trường kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thủ tục hành chính đơn giản, tiện lợi; môi trường đầu tư thông thoáng, ưu đãi, lành mạnh (ii) Nguồn lực tổng hợp về vốn: mật độ vốn đầu tư, vốn đầu tư nội tại, vốn đầu tư ngân sách, vốn đầu tư người ngoài, vốn vay, vốn liên kết, điều này ảnh hưởng tới khả năng đầu công nghệ mới, máy móc sản xuất điện đại, khoa học (iii) Vốn xã hội: sự tin tưởng, quy tắc hành vi mẫu mực chung, là sự tương tác, kết hợp thành một mạng lưới người lao động với tâm lý, niềm tin, kỳ vọng vào giá trị lao động nhằm tạo dựng bầu không khí lao động hăng say, văn hóa lao động tích cực lan tỏa.

Để tăng năng suất lao động, ngoài những điều kiện như nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao, thì một yếu tố quan trọng là công nghệ sản xuất hiện đại, khoa học, nhưng trong tình hình thực tế hạn chế về vốn hiện nay, mục tiêu dài hạn là đầu tư các thiết bị khoa học công nghệ mới, tiến tiến. Do vậy giải pháp hữu hiệu trong tình hình thực tế hiện nay với điều kiện tài chính và nguồn lực hạn chế đó là thực hiện theo lộ trình ngắn hạn và trung hạn trong phạm vi và năng lực phù hợp, đó là cải thiện điều kiện làm việc thông qua các sáng kiến, sáng tạo để cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động. Trước tình hình thực tế khách quan tại mỗi đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, công nhân lao động không ngừng tìm tòi, suy nghĩ, trăn trở để có những sáng kiến giúp cải thiện điều kiện lao động, giúp tăng năng suất lao động và tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và sức khỏe, trước hết là cho chính mình và những người xung quanh và đơn vị, doanh nghiệp. Với suy nghĩ và hành động của cán bộ công nhân viên lao động luôn xác định công ty, doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai và gia đình thứ hai của mình đề từ đó có những ý tưởng, suy nghĩ tích cực, làm sao để làm việc hiệu quả, tốt hơn với chi phí thấp hơn và đỡ mất sức lao động nhất có thể. Có sáng kiến, sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực được công nhận, được ứng dụng vào thực tế, mang lại giá trị, được vinh danh và khen thưởng, song cũng có những sáng kiến chỉ được động viên về mặt tinh thần, nhưng người lao động cũng cảm thấy rất vui vì được cống hiến, được sáng tạo và hài lòng vì mọi đóng góp dù nhỏ cũng mang lại nhiều điều tốt đẹp cho tập thể, doanh nghiệp và cuộc sống.

Cải thiện điều kiện làm việc một yếu tố then chốt trong việc nâng cao năng suất lao động, trong tình hình thực tế bị hạn chế về vốn, công nghệ, khoa học hiện đại. Xuất phát từ thực tiễn và nảy sinh từ thực tế, các đơn vị doanh nghiệp luôn tìm tòi, phát huy mọi nguồn lực, khích lệ và động viên sức sáng tạo của người lao động; phát huy sáng kiến, sáng tạo, sự tìm tòi, nghiên cứu, đúc kết từ kinh nghiệm thực tế và  những thành tựu về khoa học công nghệ, những mô mình hay, đem lại hiệu quả của các đơn vị khác để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị mình với tinh thần hăng say với công việc, lòng yêu ngành, yêu nghề, đã thôi thúc cán bộ công nhân viên lao động có nhiều sáng kiến sáng tạo, với các phương án cải thiện điều kiện làm việc giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh,cải thiện, đảm bảo sức khỏe cho người lao động và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phầm, góp phần vào sự phát triển bền vững của đơn vị, doanh nghiệp.

Gần đây theo nhận định của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) so sánh năng suất lao động của 1 người Singapore bằng 15 người Việt Nam, điều đó đúng nhưng chưa đủ: (i) Đúng là cách tính đó là trên năng suất lao động của ILO dựa trên cách tính của năng suất lao động trung bình,với tổng sản phẩm trong nước GDP/tổng số lao động (tổng số giờ lao động) và điều đó cho thấy giá trị hàm lượng chất xám, kỹ năng tốt, chất lượng cao của lao động Singapore và cho thấy hạn chế về nguồn nhân lực của Việt Nam là thiếu kỹ năng và chất lượng chưa cao, số lao động qua đào tạo thực tế còn thấp, chưa có tác phong công nghiệp, còn thụ động (ii) Chưa đủ ở đây là nếu trong cùng đơn vị sản xuất giữa 2 người làm việc, 1 người Việt Nam và 1 người Singapore, cùng làm một công việc giống nhau, trong 1 thời gian như nhau, không thể có chuyện sản phẩm làm ra của người lao động Singapore gấp 15 lần số sản phẩm của người lao động động Việt Nam; và theo một so sánh có thể khập khiễng với Singapore vì có đến 2/3 dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn; trong tổng số 53,7 triệu lao động vẫn còn khoảng 46%  lao động làm việc trong khu vực nông, lâm, thủy sản. Về bản chất người Việt Nam cần cù, chịu khó, sáng tạo, thông minh, bền bỉ, học hỏi nhanh, khả năng thích ứng tốt và có nhiều học sinh, sinh viên đạt giải cao tại các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Vì vậy cần có những chính sách hữu hiệu hơn, toàn diện hơn của Đảng, Nhà nước về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trong những năm qua hoạt động công đoàn các cấp nói chung và Công đoàn Công Thương Việt Nam nói riêng đã có nhiều chương trình triển khai sâu rộng tới công đoàn đơn vị nhằm cải thiện điều kiện làm việc, phát huy sáng kiến, sáng tạo góp phần tăng năng suất lao động tại đơn vị, doanh nghiệp, tạo sự tin tưởng lan tỏa, gắn bó với công việc và tạo giá trị làm lợi ích về kinh tế- xã hội. Công đoàn các cấp đã chủ động, tham gia xây dựng với chuyên môn thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và môi trường tại đơn vị. Thực hiện chương trình quốc gia về An toàn vệ sinh lao động và bảo hộ lao động, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tổ chức cuộc thi đã tổ chức cuộc thi “Đề xuất phương án cải thiện điều kiện làm việc dựa trên năng lực sẵn có phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp ngành Xây dựng điện Việt Nam”. Cuộc thi đã tạo nhiều kết quả tích cực, với các hình thức khác nhau như lấy ý kiến về ý tưởng sáng tạo, những kinh nghiệm thực tế, được đúc rút từ quá trình lao động sản xuất trong thực tiễn trong việc cải thiện điều kiện làm việc, cuộc thi đã đã thu hút 265 người tham gia dự thi trong đó có 87 người là cán bộ quản lý các cấp và  178 người lao động trực tiếp, qua 110 bài thi từ cấp cơ sở, trải qua sự lựa chọn từ vòng thi đã có 44 bài dự thi cấp Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam và Công đoàn Công Thương Việt Nam, từ các bài thi cấp Ngành đã trao giải thưởng cho 06 tập thể, 04 cá nhân. Hiệu quả của cuộc thi được đánh giá từ các đề xuất phương án cải thiện điều kiện của các đơn vị tùy theo từng địa hình thi công cụ thể, đã lựa chon được những phương án cải thiện điều kiện làm việc thích hợp và ứng dụng cao, phù hợp với năng lực của đơn vị. Các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã làm lợi về giá trị vật chất tới con số hàng tỷ đồng mỗi năm và giá trị tinh thần thi đua, hăng say với công việc, phát huy khả năng sáng tạo, tăng sự đoàn kết, gắn bó với đơn vị doanh nghiệp.

Phong trào cải thiện điều kiện làm việc, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo đã được công đoàn các đơn vị trực thuộc Công đoàn Công Thương Việt Nam triển khai và đã đạt kết quả thiết thực như các đơn vị thuộc Công đoàn Tổng Công ty Thép Việt Nam : Công đoàn Công ty TNHH Thép VSC-POSCO, Công ty Cổ phần tôn mạ VNsteel Thăng Long, Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên...; các đơn vị thuộc Công đoàn Công nghiệp Hóa Chất Việt Nam như Công đoàn Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công đoàn Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc,…Các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc mà cụ thể là thông qua các giải pháp khoa học, kỹ thuật, kinh tế, xã hội nhằm loại trừ các yếu tố nguy hiểm, độc hại tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, bảo vệ sức khỏe người lao động, tiết kiệm chi phí, ngăn ngừa tai nạn lao động đã góp phần tăng năng xuất lao động.


Trong năm 2013 cùng với phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, các phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc toàn ngành Công Thương đã có hơn 20.000 sáng kiến làm lợi trên 4.000 tỷ đồng, số tiền thưởng cho các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trên 14 tỷ đồng và tiết kiệm được lượng vật tư nguyên liệu tương ứng với số tiền 150 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều sáng kiến giải pháp tuy không tính được bằng tiền, nhưng lại có ý nghĩa lớn về mặt xã hội, có tác động lan tỏa, tạo niềm tin, không khí vui tươi phấn khởi trong lao động sản xuất, tạo dựng sức mạnh đoàn kết hướng tới thành công của đơn vị. Vì vậy công đoàn các cấp đề cao tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, nỗ lực với nhiều hình thức và nội dung thiết thực nhằm thực hiện tốt việc chăm lo bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng người lao động, đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua, sáng kiến, lao động sáng tạo, cải thiện điều kiện làm việc góp phần tăng năng suất lao động, bảo vệ sức khỏe của người lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

 

 

Trần Phong  (tổng hợp)