Từ ngày 01-6/9/2014, nhận lời mời của Hội đồng Kim khí Nhật Bản (JCM), đoàn đại biểu của Công đoàn Công Thương Việt Nam(CĐCTVN) do Chủ tịch Lý Quốc Hùng làm trưởng đoàn đã sang tham dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập và Đại hội lần thứ 53 của JCM tại Tokyo (Nhật Bản). Bên lề Đại hội, đoàn đại biểu CĐCTVN đã có các cuộc gặp gỡ, trao đổi với một số công đoàn các nước tới tham dự Đại hội về hoạt động của tổ chức công đoàn tại Việt Nam cũng như các vấn đề đặt ra với tổ chức công đoàn thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa. Sau đây là nội dung chuyến công tác qua trao đổi của Chủ tịch CĐCTVN với phóng viên website congdoancongthuong.org.vn. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Thưa Chủ tịch, được biết, trong chuyến đi Nhật lần này, ông đã dành khá nhiều thời gian để gặp gỡ, giao lưu với các tổ chức công đoàn quốc tế cùng tham dự Đại hội của JCM. Ông có thế cho biết cảm nhận về các công đoàn bạn như thế nào?
Chủ tịch Lý Quốc Hùng: Dự Đại hội của JCM, gặp gỡ các tổ chức quốc tế cùng tham dự, cảm nhận rõ nhất của tôi là hoạt động của công đoàn các nước đang có sự thay đổi mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi dòng đầu tư đang có sự dịch chuyển từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và có tiềm năng phát triển. Tại các nước phát triển, khối lượng đoàn viên công đoàn của một số công đoàn ngành công nghiệp đang có xu hướng giảm. Tôi lấy một ví dụ điển hình là Công đoàn Kim khí Nhật Bản, năm 1964, JCM được thành lập với số đoàn viên khởi điểm là 47.000 người. 30 năm sau, năm 1994, thời kỳ hoàng kim của tổ chức này, số lượng đoàn viên lên tới 268.000 người và là một tổ chức công đoàn rất mạnh của Nhật Bản. Nhưng đến thời điểm hiện tại, tròn nửa thế kỷ thành lập, JCM còn lại 196.000 đoàn viên. Lý giải về hiện tượng số lượng đoàn viên ngày càng giảm, Ban Chấp hành JCM cho biết, nguyên nhân là do Nhật Bản đã vươn lên trở thành một trong số những nước có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới. Cùng với sự phát triển, các công ty của Nhật đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư ra nước ngoài và lựa chọn các nước đang phát triển, có tiềm năng phát triển, tận dụng lực lượng lao động giá rẻ của các nước này, đồng thời giảm chi phí sản phẩm. Bộ Kinh tế - Thương mại – Công nghiệp Nhật Bản (METI) công bố một con số là có tới 40,2% các doanh nghiệp cơ khí của Nhật Bản có sự dịch chuyển đầu tư ra nước ngoài và con số này vẫn đang có xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, công nghệ càng phát triển thì các dây chuyền sản xuất ngày càng được đầu tư tự động hóa nhiều hơn để giảm lao động và tăng năng suất, tối đa hóa lợi nhuận. Cùng một dây chuyền, trước đây cần tới vài chục người thì nay có thể chỉ cần 2 người để vận hành. Điều này thể hiện rất rõ khi chúng tôi tới thăm nhà máy của Công ty sản xuất linh kiện ô tô Citizen Seimitsu Co.,Ltd tại Fujikawauchiko, quận Yamannashi. Nhà máy làm việc 3 ca liên tục, nhưng đều tự động hóa ở mức cao nên rất ít công nhân. Do đó, việc số lượng đoàn viên giảm là xu hướng tất yếu của các công đoàn này.
Tình trạng này cũng chung tại các nước phát triển khác qua trao đổi sau đó với Tổng Thư ký Công đoàn Công nghiệp toàn cầu và một số công đoàn Chế tạo Úc, công đoàn Ô tô Mỹ, Anh…
PV: Vậy họ đã và đang hoạt động như thế nào để phù hợp với tình hình mới, thưa ông?
Chủ tịch Lý Quốc Hùng: Qua trao đổi với các tổ chức công đoàn bạn, tôi hiểu rất rõ, đối với họ, việc chuyển dịch đầu tư cũng là một cơ hội tốt cho hoạt động công đoàn. Bởi ở trong nước, khi lượng đoàn viên giảm dần, tổ chức công đoàn cũng như giới chủ đều quan tâm hơn đến người lao động, duy trì đảm bảo đủ việc làm cho họ, cũng như sắp xếp lại, tạo điều kiện để người lao động có thêm việc làm mới. Mặt khác, khi đầu tư sang các nước đang phát triển, với thương hiệu đẳng cấp thế giới, các công ty này cũng luôn chú trọng tới việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đối xử với người lao động của các nước sở tại theo hướng đôi bên cùng có lợi. Do đó, họ cũng cần sự hợp tác của tổ chức công đoàn.
Trong chuyến đi này, tôi cũng tham dự Đại hội Công đoàn Ô tô Nhật Bản (JAW). Qua Đại hội của JCM và JAW có thể thấy, các tổ chức công đoàn cũng đã có cách tiếp cận khác trong hoạt động công đoàn. Đó là sự thay đổi về nhân sự với bộ máy những người lãnh đạo trẻ trung hơn, có cách nhìn nhận nhạy bén về kinh tế, phù hợp với thời kỳ toàn cầu hóa. Đường hướng trong nhiệm kỳ mới cũng rất rõ ràng với mục tiêu tham gia tích cực vào các đàm phán Hiệp định TPP, nghiên cứu các chính sách phù hợp với đặc thù của từng địa phương để đảm bảo việc làm cho người lao động khi mà xu hướng ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương ngày càng gia tăng…
Vấn đề đặt ra ở đây là, các tổ chức công đoàn trên thế giới cần liên kết với nhau để thực hiện được mục tiêu cao cả là chăm lo đời sống người lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động dù ở bất kỳ quốc gia nào, trong thời đại toàn cầu hóa.
PV: Vậy CĐCT sẽ làm gì để đóng góp vai trò của mình trong mối liên kết này với các tổ chức công đoàn quốc tế?
Chủ tịch Lý Quốc Hùng: Chúng tôi chọn sự chủ động. Đó là, nhân chuyến công tác, CĐCTVN đã chủ động gặp gỡ các đại biểu từ các đoàn khác để trao đổi thông tin, tăng cường hợp tác giữa các bên. Tại cuộc gặp với ông Jyrki Raina – Tổng Thư ký Công đoàn Công nghiệp toàn cầu (IndustriAll) có trụ sở chính tại Thụy Sĩ, chúng tôi đã trao đổi và cung cấp thông tin về Việt Nam, điều kiện việc làm, cũng như các tham gia của công đoàn với người chủ sử dụng lao động. Qua đó, đề nghị IndustriAll tiếp tục phối hợp với CĐCTVN tổ chức các hội nghị quốc tế về hoạt động công đoàn tại Việt Nam, hỗ trợ CĐCTVN trong công tác đào tạo cán bộ công đoàn và tạo điều kiện để CĐCTVN tham gia vào các hội nghị quốc tế do IndustriAll tổ chức tại các nước khác trên thế giới. Tổng Thư ký Jyrki Raina đã rất vui khi tiếp xúc với các đại biểu đến từ Việt Nam và nhất trí với những vấn đề CĐCTVN nêu ra.
Trong cuộc trao đổi với Chủ tịch Công đoàn Chế tạo Úc (AMWU), ông Andrew Dettmer, chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ hợp tác hai bên trong thời gian qua và cũng trao đổi những vấn đề cần được thúc đẩy hơn trong thời gian tới. Chủ tịch Andrew Dettmer cũng đã cam kết, AMWU sẽ tiếp tục hỗ trợ CĐCTVN trong công tác đào tạo giảng viên kiêm nhiệm về công tác an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2014-2016. Đồng thời mở rộng thêm các đối tượng không chỉ là cán bộ công đoàn cơ sở trực thuộc CĐCTVN mà còn có cả đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở tại các địa phương mà CĐCTVN có ký kết quy chế phối hợp. Đây là một thành công rất đáng khích lệ trong mối quan hệ hợp tác của CĐCTVN với các tổ chức công đoàn quốc tế.
Ngoài ra, tôi cũng đã có cuộc mạn đàm, trao đổi về công tác hoạt động công đoàn, giới thiệu về tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung và CĐCT nói riêng với Công đoàn Ô tô Mỹ, Anh… nhằm mục đích để các tổ chức công đoàn quốc tế có hiểu biết, hình dung về tổ chức công đoàn Việt Nam, đặc biệt là CĐCTVN. Tất cả đều có chung quan điểm, trong thời kỳ toàn cầu hóa, các tổ chức công đoàn quốc tế càng cần phải tăng cường liên kết, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để song hành cùng giới chủ thúc đẩy sản xuất, đảm bảo việc làm và đời sống cho người lao động trên khắp thế giới./.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Hồ Nga (thực hiện)