[In trang]
Vai trò của Chủ tịch công đoàn trong các Công ty liên doanh
Thứ ba, 16/09/2014 - 09:02
Trong mỗi một tổ chức, vai trò của người đứng đầu vẫn là quan trọng nhất và tổ chức công đoàn cũng vậy

Chưa có một số liệu chính thức nào thống kê về hoạt động của tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp liên doanh và các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng, nhìn vào một số các doanh nghiệp loại này của ngành Công Thương có thể nhận thấy hoạt động của tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp này đều khá thuận lợi và đem lại hiệu quả rõ rệt cho cả người sử dụng lao động và người lao động.


Càng thương hiệu càng hoạt động tốt

Lâu nay, các vụ lùm xùm về tranh chấp lao động, ngược đãi người lao động tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường hay diễn ra tại các doanh nghiệp nhỏ liên doanh với Đài Loan, Trung Quốc hay Hàn Quốc… Ngành Công Thương với đặc thù quản lý các doanh nghiệp lớn thì hoạt động của tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp này cũng thuận lợi hơn. Ông Hồ Phi Giao – Trưởng Ban tổ chức Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) cho biết, hoạt động công đoàn trong lĩnh vực này theo đánh giá có thể chia thành 3 cấp.

Thứ nhất, là các doanh nghiệp khối châu Âu, Mỹ, nơi vấn đề nhân quyền rất được coi trọng thì hoạt động công đoàn được đánh giá cao, cũng như tạo điều kiện thuận lợi. Đối với họ, đãi ngộ người lao động xứng đáng để họ gắn bó với doanh nghiệp và dốc sức sáng tạo cho doanh nghiệp phát triển là điều quan trọng. Do đó, các hoạt động đều bám sát qui định của pháp luật Việt Nam, với những điều khoản đôi khi còn cao hơn Luật, có lợi cho người lao động. Chỉ đưa một ví dụ cụ thể mà ông Nguyễn Trọng Thể - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Máy động lực Máy nông nghiệp (VEAM) chia sẻ, như Công ty Ford Hải Dương xây hẳn một sân bóng phục vụ công nhân lao động ngoài giờ làm ra sân vui chơi giải trí đã là một niềm mơ ước với nhiều doanh nghiệp lớn trong nước. Các doanh nghiệp này cũng thường duy trì khá tốt “Ngày hội nhân viên” để người lao động được tham gia các chương trình vui chơi giải trí mà mục đích duy nhất là hiểu thêm và ngày càng gắn bó với doanh nghiệp.

Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi được công ty Honda Việt Nam tổ chức

Thứ hai, thường là khối các doanh nghiệp Nhật Bản chặt chẽ và thực dụng hơn. Mọi vấn đề liên quan đến người lao động đều phải được luật hóa chi tiết và cụ thể, sau đó, bất kể điều gì họ cũng đều chiểu theo Luật. Người Nhật cũng rất coi trọng người lao động, đặc biệt là người có thâm niên cao, bởi đó thể hiện sự gắn bó, trung thành với công ty. Do đó, người càng có thâm niên gắn bó thì càng có chế độ đãi ngộ tốt hơn. Ông Nguyễn Quang Vinh – CTCĐ Công ty TNHH Phụ tùng xe máy - ô tô Showa Việt Nam cho biết, Showa là một trong 68 công ty tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) có Phòng công đoàn, được Ban giám đốc quan tâm trang bị đầy đủ vật dụng và tạo điều kiện tốt nhất để hoạt động. Trong các hoạt động văn hóa, thể thao Công ty thường đài thọ 70%, đi du lịch được 80% chi phí. Ngoài ra còn suất ăn ca, quần áo, phòng đọc sách, báo đều được Công ty chăm lo đầy đủ cho người lao động.

Thứ ba, là khối các doanh nghiệp nhỏ liên doanh với Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc. Đây là những nước có nền văn hóa vẫn theo truyền thống Phương Đông, khoảng cách giữa giới chủ và người làm thuê được phân biệt rất rõ ràng. Do đó, người lao động ít được coi trọng và tổ chức công đoàn không được hậu thuẫn của giới chủ nên không phát huy được vai trò của mình. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này thường nằm và thuộc sự quản lý của các địa phương nơi có nhiều khu công nghiệp, còn ngành Công Thương thì không quản lý những doanh nghiệp này.

Vai trò của người đứng đầu

Qua tiếp xúc với giới chủ của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có thể thấy, vai trò của người đứng đầu tổ chức công đoàn rất quan trọng. Một chủ tịch công đoàn năng động, có ngoại ngữ tốt sẽ là một nhà đàm phán thuyết phục trong ký kết thỏa ước lao động tập thể mà phần lợi ích là người lao động được hưởng. Khi đồng ngôn ngữ, những khúc mắc có thể dễ dàng giải thích để hiểu nhau hơn và cùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn cũng phải thể hiện được vai trò của mình trong việc tập hợp người lao động, tuyên truyền giáo dục để người lao động hiểu chức năng nhiệm vụ của mình, tích cực tham gia vào các phong trào thi đua nhằm nâng cao năng suất chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp. Mối quan hệ lợi ích giữa hai bên nâng cao năng suất - doanh nghiệp phát triển - tăng thu nhập chính là vấn đề mà tổ chức công đoàn phải làm rõ với người lao động và trong đàm phán với giới chủ. Đó chính là kinh nghiệm mà các doanh nghiệp liên doanh trong ngành Thép đang thực hiện rất tốt, theo chia sẻ của ông Đặng Ngọc Minh – Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP.

Quay trở lại với Công ty TNHH Phụ tùng xe máy - ô tô Showa Việt Nam, ông Vinh cho biết, để giới chủ người Nhật quan tâm, hỗ trợ người lao động Việt Nam được như vậy, thì Ban Chấp hành công đoàn đã rất nỗ lực tuyên truyền phổ biến luật, đường lối chính sách cho người lao động, để họ hiểu và luôn chia sẻ những khó khăn cùng Công ty. Tổ chức công đoàn cũng chính là nhịp cầu nối mang tâm tư nguyện vọng của người lao động truyền đạt lên Ban Giám đốc, để họ hiểu và nhìn nhận, đánh giá được hoạt động của công đoàn là rất chính đáng, hợp pháp do đó họ cũng rất ủng hộ.

Chủ tịch CĐCTVN Lý Quốc Hùng trao đổi cùng CĐ Cty TNHH phụ tùng xe máy - ô tô Showa VN

Trong mỗi một tổ chức, vai trò của người đứng đầu vẫn là quan trọng nhất và tổ chức công đoàn cũng vậy. Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì điều này càng rõ nét hơn bởi ngoài trình độ chuyên môn, chủ tịch công đoàn trong các doanh nghiệp này còn phải có vốn ngoại ngữ tốt. Nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng đàm phán thuyết trình cho chủ tịch công đoàn tại các cơ sở luôn là vấn đề đặt ra với các tổ chức công đoàn trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của mình. 

Hồ Nga