Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
Thứ sáu, 07/07/2023 - 14:58
Trong 6 tháng cuối năm ngành Công Thương sẽ cần tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa trên mọi lĩnh vực.
Sáng 7/7/2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm ngành Công Thương.
6 tháng đầu năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song, ngành Công Thương - dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - đã chủ động, sáng tạo, kịp thời thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong đó, nổi bật là cán cân thương mại đạt mức xuất siêu kỷ lục 12,25 tỷ USD (gấp gần 11 lần so với mức thặng dư 1,16 tỷ USD của cùng kỳ năm trước) góp phần ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô của nền kinh tế.
Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm tăng 10,9% so với cùng kỳ), đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Ngành năng lượng tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức (nhất là ngành điện) nhưng đã cơ bản được kịp thời khắc phục, bảo đảm cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, phát triển ngành Công Thương trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung giải quyết: sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn; kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ, giảm ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước và FDI; xuất khẩu sang các thị trường và khu vực cũng đều bị sụt giảm. Việc cung ứng điện gặp nhiều khó khăn, có thời điểm đã phải điều hòa phụ tải và tiết giảm điện ở một số địa bàn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nguyên nhân của tình trạng trên có cả khách quan và chủ quan, trong đó vấn đề suy giảm về nhu cầu nhập khẩu từ thị trường các nước phát triển là yếu tố tác động mạnh nhất, trực tiếp nhất; ngoài ra còn có các nguyên nhân về chi phí đầu vào, nguyên liệu tăng cao, trong khi giá các mặt hàng xuất khẩu không tăng hoặc giảm; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp còn khó khăn. Thị trường năng lượng thế giới diễn biến phức tạp; tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino kéo dài, ảnh hưởng lớn đến khả năng phát điện của các nhà máy thuỷ điện, công tác điều độ, vận hành điện của EVN có thời điểm không hợp lý gây thiếu điện cục bộ.
Năm 2023, Chính phủ đã giao các chỉ tiêu chính của ngành Công Thương gồm: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 8-9%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, duy trì xuất siêu; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 8-9%; Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng khoảng 8-9,7%.
Để hoàn thành các chỉ tiêu được Chính phủ giao cả năm 2023, trong bối cảnh tình hình 6 tháng cuối năm còn diễn biến phức tạp, thuận lợi và khó khăn đan xen, ngành Công Thương sẽ cần tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa trên mọi lĩnh vực.
Thy Thảo (nguồn: tapchicongthuong.vn)