Việc làm xanh và chuyển đổi công bằng trong ngành Hóa chất tại Việt Nam
Thứ năm, 11/05/2023 - 13:28
Hội thảo đã trình bày các bài học kinh nghiệm của các tổ chức Công đoàn thành viên
Vừa qua, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia về việc làm xanh và chuyển đổi công bằng trong ngành Hóa chất. Hội thảo diễn ra với sự tham gia của đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Công Thương; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động tại một số doanh nghiệp thí điểm.
Theo báo cáo tại Hội thảo, ngành Công nghiệp hóa chất và dược phẩm ở Việt Nam là ngành kinh tế quan trọng. Tỷ trọng sản lượng quốc gia của ngành lên tới 11% và sử dụng khoảng 2% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động nữ làm việc trong ngành Hóa chất đã giảm từ 33% xuống 30,2% trong giai đoạn 2010 - 2015. Ngành Công nghiệp hóa chất có tác động môi trường tương đối cao, thông qua việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phát thải khí nhà kính và tạo ra chất gây ô nhiễm, đặc biệt là qua đường nước thải.
Vì vậy, để nâng cao năng lực của tổ chức Công đoàn trong ngành này, ILO đã khởi động Dự án Thúc đẩy chuyển đổi công bằng thông qua nâng cao năng lực cho tổ chức Công đoàn trong ngành Hóa chất (và dược phẩm) tại Việt Nam và Malaysia và triển khai dự án này thông qua quan hệ đối tác với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong thời gian từ tháng 2/2022 đến tháng 5/2023.
Đại diện các đơn vị tham dự Hội thảo
Dự án nhằm nâng cao kiến thức cho đoàn viên công đoàn trong ngành về “Hướng dẫn của ILO về chuyển đổi công bằng hướng tới nền kinh tế và xã hội bền vững với môi trường cho tất cả mọi người”; thúc đẩy đối thoại xã hội ở cấp doanh nghiệp để áp dụng Hướng dẫn và thực hiện thí điểm tại các doanh nghiệp được chọn; thiết lập một cơ chế hợp tác ở cấp cộng đồng với sự tham gia của đại diện từ các tổ chức Công đoàn, người sử dụng lao động, đại diện Chính phủ, viện nghiên cứu, cộng đồng và nhóm hành động vì môi trường.
Trong khuôn khổ Dự án, 2 hội thảo nâng cao năng lực đã được tổ chức lần lượt vào ngày 14-15/12/2022 tại Hà Nội cho đại diện một số Công đoàn cơ sở doanh nghiệp và Công đoàn cấp trên cơ sở trong ngành Hóa chất ở miền Bắc Việt Nam và ngày 27-28/2/2023 tại thành phố Hồ Chí Minh dành cho đại diện khu vực phía Nam.
Tiếp theo các hội thảo xây dựng năng lực, 2 nhà máy đã được chọn để thí điểm thực hiện cơ chế đối thoại xã hội thông qua thiết lập một tổ công tác phối hợp giữa người lao động và nhà quản lý để cùng xác định và giải quyết các vấn đề của chuyển đổi công bằng ở cấp doanh nghiệp.
Để trang bị kiến thức cho các Công đoàn về khung pháp lý cho quá trình chuyển đổi công bằng của ngành, Dự án đã tiến hành đánh giá nhanh tác động môi trường của ngành Hóa chất và dược phẩm đến điều kiện sống và làm việc tại Việt Nam. Nghiên cứu đã phân tích các chính sách/quy định về đánh giá tác động môi trường và an toàn vệ sinh lao động. Những phát hiện và khuyến nghị chính của nghiên cứu sẽ được xuất bản và công bố rộng rãi dưới dạng một bản tóm tắt chính sách. Dự án cũng đã biên soạn một số tài liệu học tập và đào tạo bao gồm đồ họa thông tin, sổ tay, báo cáo và video.
Đại diện Công đoàn Công Thương Việt Nam đánh giá về Dự án.
Hội thảo đã trình bày các bài học kinh nghiệm, đánh giá kết quả dự án và hoạch định chiến lược cho các hoạt động trong tương lai của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức Công đoàn thành viên.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm đánh giá kết quả dự án (bao gồm các hoạt động, sản phẩm, thí điểm và các công cụ truyền thông,...); trình bày các bài học kinh nghiệm và ý kiến phản hồi từ các tổ chức Công đoàn tham gia (Công đoàn Công Thương Việt Nam và các Công đoàn cơ sở) về kinh nghiệm của họ; thảo luận về các chiến lược và kế hoạch hành động và hợp tác trong tương lai giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam/Công đoàn Công Thương Việt Nam và ILO để tiếp tục sự tham gia của Công đoàn và vận động thực hiện hướng dẫn chuyển đổi công bằng của ILO và từ đó đóng góp xây dựng môi trường, xã hội và nơi làm việc an toàn, an ninh và bền vững.
Phát biểu tại Hội thảo, đề cập vai trò của Công đoàn trong việc thúc đẩy việc làm xanh và chuyển đổi công bằng, bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Toàn cầu hóa đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia, đó là sự thay đổi công nghệ, nhân khẩu học làm cho con người cũng phải biến đổi nhanh chóng để thích ứng, đặc biệt là những biến đổi khó lường, khó dự báo như biến đổi khí hậu, dịch bệnh nguy hiểm như Covid-19, hay cuộc chiến Nga - Ucraina đang diễn ra và gây tác động không nhỏ đến nền kinh tế thế giới.
Việt Nam cũng đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, với sự tham gia đóng góp của nhiều ngành nghề, tạo ra nhu cầu lớn về việc làm “xanh” và kỹ năng “xanh” trên thị trường lao động.
Nhu cầu về việc làm xanh ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của người lao động. Điều này thể hiện qua việc tìm kiếm việc làm của người lao động. Nếu như trước kia ứng viên quan tâm nhiều hơn đến ngành nghề hoạt động của công ty, mức lương, phúc lợi…, thì nay ngoài những yếu tố này, người lao động quan tâm đến vấn đề an toàn lao động, môi trường làm việc xanh, thân thiện, địa điểm làm việc gần nhà và các hoạt động xã hội, từ thiện của công ty hơn.
Nói về vai trò của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong thúc đẩy việc làm xanh và chuyển đổi công bằng, bà Vi Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, VCCI cho biết: Từ năm 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chính thức đưa Chỉ số xanh cấp tỉnh (gọi tắt là PGI) vào tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhằm đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), việc làm “xanh” giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và nguyên vật liệu; hạn chế phát thải khí nhà kính; giảm thiểu rác thải và ô nhiễm; bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái, cũng như hỗ trợ thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
(Nguồn: Lao động Thủ đô)