Một số giải pháp về nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở doanh nghiệp tại CĐN Công Thương Thanh Hóa trong tình hình mới
Thứ năm, 06/04/2023 - 08:48
Một số công đoàn doanh nghiệp trong ngành hiện nay vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế
Công đoàn ngành Công Thương Thanh Hóa hiện có 45 CĐCS trực thuộc, trong đó có 04 CĐCS khối hành chính sự nghiệp, 40 CĐCS khối doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 89%. Nhận thức được tầm quan trọng của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp trong những năm qua, Ban Thường vụ Công đoàn ngành Công Thương và các cấp ủy, chính quyền chuyên môn luôn quan tâm, ưu tiên dành mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, đặc biệt là công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp.
Các CĐCS khối doanh nghiệp trong ngành đã tích cực đổi mới nội dung,phương thức hoạt động Công đoàn, thực hiện tốt vai trò chức năng, nhiệm vụ cơ bản của mình là đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động,động viên lôi cuốn được đông đảo CNLĐ tham gia các phong trào thi đua vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động thiết thực như: tổ chức đối thoại giữa người sử dụng lao động và tập thể người lao động; thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể; chương trình phúc lợi cho đoàn viên và người lao động... Qua đó, đã tập hợp, thu hút được người lao động gia nhập Công đoàn, đồng thời khẳng định được vai trò của Công đoàn trong quan hệ lao động tại cơ sở.
Hội nghị tổng kết hoạt động công tác Công đoàn năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 tại Công đoàn Công ty CP Dạ Lan
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của một số công đoàn doanh nghiệp trong ngành hiện nay vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế đó là:
Công tác tổ chức, cán bộ, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp chưa chuyển kịp với biến đổi của tình hình đất nước, của địa phương, doanh nghiệp và đòi hỏi của đoàn viên, công nhân lao động nên hoạt động còn kém hiệu quả. Cán bộ công đoàn ngại va chạm, còn e dè, nể nang trong việc đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên và người lao động. Ở một số doanh nghiệp, cán bộ công đoàn đồng thời là cán bộ doanh nghiệp (phó giám đốc hoặc trưởng phó các phòng ban) nên còn hiện tượng cán bộ công đoàn xa rời đoàn viên và người lao động. Công tác tuyên truyền, giáo dục trong công nhân lao động còn hạn chế, chậm đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền; chưa được đầu tư quan tâm đúng mức, còn lúng túng về phương pháp, hạn chế về hiệu quả, việc nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động ở nhiều doanh nghiệp còn chưa tốt, chưa kịp thời.Chất lượng tham gia của Ban Chấp hành Công đoàn doanh nghiệp vào việc xây dựng, sửa đổi các nội quy, quy chế, các chính sách lương, thưởng, đãi ngộ, tái sản xuất sức lao động của doanh nghiệp còn yếu, một số nơi công đoàn chưa bảo vệ tốt được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Các phong trào thi đua do công đoàn tổ chức, phát động hiệu quả còn thấp, chưa lôi cuốn, thu hút được đông đảo công nhân, lao động tham gia. Công đoàn chưa tạo được sự phối hợp đồng bộ với chuyên môn trong tổ chức chỉ đạo thi đua. Công tác vận động, tập hợp công nhân, lao động vào công đoàn, tự giác tham gia hoạt động công đoàn tại các doanh nghiệp còn hạn chế, một số công đoàn tại doanh nghiệp chưa trở thành chỗ dựa của công nhân, lao động.
Hội nghị tuyên truyền những điểm mới về pháp luật lao động cho công nhân lao động Công ty CP sản xuất Thương mại và Đầu tư Việt Thanh
Nguyên nhân của những tình trạng trên đó là:
Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên đó là chất lượng của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở chưa đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra cho tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp. Đa số cán bộ công đoàn là kiêm nhiệm, phụ thuộc hoàn toàn vào chủ doanh nghiệp, không dám đứng ra đấu tranh bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNLĐ khi bị vi phạm. Tình trạng cán bộ phải kiêm nhiều vị trí việc làm, áp lực công việc lớn, tham gia Ban chấp hành mang tính cơ cấu, không có thời gian để nghiên cứu và tham gia hoạt động công đoàn.
Cán bộ công đoàn cơ sở còn hạn chế về năng lực, chưa am hiểu sâu về luật pháp, chế độ, chính sách có liên quan đến CNLĐ, chưa được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, lúng túng trong việc thực hiện các kỹ năng thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể, kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động, kỹ năng tuyên truyền thuyết phục người lao động và người sử dụng lao động.
Việc xây dựng kế hoạch hoạt động, cụ thể hoá nội dung, chương trình công tác của Công đoàn cơ sở vào thực tiễn hoạt động tại cơ sở còn nhiều hạn chế; nội dung, phương thức hoạt động thiếu đổi mới và thiết thực, chưa thu hút người lao động tham gia hoạt động công đoàn.
Việc tuân thủ pháp luật lao động và pháp luật Công đoàn của một số chủ doanh nghiệp chưa nghiêm, chế tài chưa đủ mạnh để xử lý các vi phạm, chưa đủ sức răn đe. Kinh phí hoạt động của CĐCS trong doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, do chủ doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc việc đóng nộp 2% kinh phí Công đoàn.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngành Công Thương trong thời gian tới:
Một là: CĐCS phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho CNLĐ và người sử dụng lao động về những quy định của pháp luật lao động và pháp luật công đoàn, về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, sự cần thiết phải có tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNLĐ trong các doanh nghiệp; nhằm giúp nâng cao nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động để họ hiểu rõ hơn về quyền và trách nhiệm của mình trong quan hệ lao động.
Hai là, thường xuyên quan tâm, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.Chủ động thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến công nhân, viên chức, lao động tại doanh nghiệp. Tham gia với doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, đảm bảo việc làm, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... và các thiết chế văn hoá phục vụ công nhân lao động.
Ba là: CĐCS phối hợp chặt chẽ với chủ sử dụng lao động thực hiện tối quy chế dân chủ ở cơ sở theo tinh thần Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động; Hướng dẫn số 41/HD-TLĐ ngày 11/11/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc “Công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc”; Nghị quyết 02-NQ/TLĐ ngày 17/11/2015 của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Đẩy mạnh đối thoại tại cơ sở khu vực doanh nghiệp”; Nghị quyết số 09b/NQ-TLĐ ngày 23/8/2016 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện QCDC trong tình hình mới”.
Bốn là, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân lao động, trọng tâm là phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; phong trào “ CNVCLĐ ngành Công Thương chung sức hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa giàu đẹp , văn minh” giai đoạn 2021-2030. Phát triển và nâng cao chất lượng các phong trào “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn”; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Thi đua học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”, “Xanh- sạch- đẹp, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động”;… theo đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp để đề ra các nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức chỉ đạo thi đua cho cụ thể, phù hợp, chú trọng xây dựng, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến và tăng cường các yếu tố tạo động lực cho phong trào thi đua.
Năm là, Tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Đề án “Đổi mới phương thức hoạt động các cấp Công đoàn ngành Công Thương giai đoang 2022-2025”, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở và chất lượng sinh hoạt CĐCS. Tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động giao lưu văn hóa thể thao, tham quan, du lịch...nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ.Tập trung đẩy mạnh các hoạt động nhằm phát triển tổ chức, tích cực tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập tổ chức công đoàn. Thực hiện tốt việc quản lý đoàn viên, cập nhật phần mềm quản lý đoàn viên; Gắn công tác phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở với việc đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động theo hướng sát cơ sở, sát đoàn viên, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở.
Sáu là, thực hiện tốt công tác thu- chi, quản lý kinh phí Công đoàn theo đúng quy định của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn; Phối hợp chặt chẽ với chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện việc chuyển 2% kinh phí công đoàn về tài khoản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam .Sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, sinh hoạt văn hoá, thi đua khen thưởng, phúc lợi xã hội và các hoạt động khác của công nhân lao động, kể cả việc trả lương hoặc phụ cấp lương cho cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp.
Bảy là, Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở; kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Công đoàn; công tác quản lý tài chính, tài sản,; thực hiện quy chế dân chủ tại các CĐCS doanh nghiệp.Tăng cường sự quan tâm,lãnh đạo tích cực của Công đoàn ngành trong việc chỉ đạo định hướng nội dung hoạt động của CĐCS trong doanh nghiệp; hướng về cơ sở, sâu sát cơ sở tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.
Phạm Ngọc Điệp