10 năm thực hiện Nghị quyết 4a/NQ-BCHTLĐ ngày 6/01/2005 về “Nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn tham gia xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp”.
Được sự quan tâm sát sao của các cấp ủy Đảng trong toàn Tập đoàn, sự phối hợp, tạo điều kiện của các đồng chí lãnh đạo chuyên môn các cấp, sự đoàn kết của toàn thể cán bộ CNVCLĐ trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, công tác tham gia xây dựng quy chế dân chủ được triển khai đều khắp trong hệ thống Công đoàn Công nghiệp Hóa chất VN.
Những kết quả đạt được
Khi Nghị quyết 4a/NQ-BCHTLĐ được ban hành Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Tập đoàn, đã chủ động phối hợp với Tổng Giám đốc có văn bản hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị thành viên, người đại diện phần vốn Nhà nước tại các công ty triển khai thực hiện Nghị quyết; xây dựng chương trình hành động cụ thể để hướng dẫn các đơn vị thực hiện. Hàng năm, Tổng Giám đốc và Công đoàn đều có hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện quy chế dân chủ gắn với việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của người lao động, thông qua Đại hội công nhân viên chức, Hội nghị người lao động và Hội nghị CBCC. Duy trì 5 năm 2 lần tổ chức Đại hội đại biểu công nhân viên chức Tập đoàn. Mỗi kỳ Đại hội đều ký Quy chế phối hợp hoạt động giữa Tổng Giám đốc và Ban Chấp hành Công đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam.
Hàng năm, Công đoàn và Tập đoàn đều có hướng dẫn thống nhất chương trình, nội dung Đại hội, Hội nghị người Lao động tới tất cả đơn vị trong Tập đoàn nhằm tăng cường kỷ cương công nghiệp, phát huy dân chủ để giữ vững khối đoàn kết ở mỗi đơn vị. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Tổng Giám đốc và Lãnh đạo Tập đoàn đã trực tiếp giải quyết những kiến nghị của các đơn vị như: Đầu tư, tiền lương, tiêu thụ sản phẩm, vốn… Trong những năm qua, Tập đoàn luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện hỗ trợ các đơn vị nhằm thúc đẩy sản xuất, đảm bảo tăng trưởng cao, đảm bảo việc làm và nâng cao đời sống người lao động.
Đại hội CNVC cơ quan Tập đoàn Hóa chất VN
Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam thường xuyên triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở đến các cấp công đoàn; tổ chức các lớp tập huấn, cấp phát tài liệu cho các đơn vị tuyên truyền, vận động công nhân viên chức, người lao động tham gia xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Nhờ vậy, cán bộ, CNVCLĐ đã từng bước hiểu đúng quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình với tổ chức, tập thể. Các đơn vị đã tổ chức đã công khai ban hành nội quy, quy chế, văn bản liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động. Ngược lại, người lao động tham gia đóng góp ý kiến, được quyết định và tham gia giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích, trách nhiệm của bản thân. Với lĩnh vực này, tổ chức công đoàn luôn chủ động tham gia, giám sát những quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức lao động.
Để triển khai và làm tốt việc thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở, ngoài việc tham gia với các cơ quan Nhà nước, tham gia với tổ chức công đoàn trong việc xây dựng các văn bản, hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ như: Nghị định 87/NĐ-CP ngày 28/5/2007 và Thông tư liên tịch số 32/TTLT-BLĐTBXH-TLĐLĐVN ngày 31/12/2007 về hướng dẫn tổ chức hoạt động của Hội nghị Người lao động trong công ty cổ phần, công ty TNHH; Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ, Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã chủ động phối hợp với Lãnh đạo Tập đoàn xây dựng và ban hành một số văn bản như: Quy chế phối hợp hoạt động giữa Lãnh đạo Tập đoàn với Công đoàn, Quy chế dân chủ trong Tập đoàn... Hàng năm, Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã phối hợp với Tập đoàn có công văn liên tịch hướng dẫn các đơn vị tổ chức Đại hội CNVC, Hội nghị CBCC và Hội nghị NLĐ. Việc hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ cơ sở nhằm tạo điều kiện cho người lao động được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định và giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động. Khai thác tốt tiềm năng sáng tạo của cán bộ công nhân và lao động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, công nghệ và nguồn nhân lực; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, góp phần phòng ngừa và hạn chế tranh chấp lao động; thực hiện dân chủ trong khuôn khổ pháp luật, xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Vai trò của Công đoàn
Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã tham gia xây dựng các biện pháp, tổ chức nhiều hình thức nhằm phát huy quyền làm chủ của CNVCLĐ trong mọi hoạt động của mình, nhất là trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng của CNVCLĐ, thông qua các hình thức như: Hội nghị cán bộ công chức, Đại hội công nhân viên chức, Hội nghị người lao động…
Ban chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở ở đơn vị nào cũng đều có thành viên là đồng chí chủ tịch hoặc phó chủ tịch công đoàn tham gia. Các đơn vị đều xây dựng tốt quy chế mối quan hệ công tác giữa Lãnh đạo đơn vị và Ban Chấp hành công đoàn, chuẩn bị các nội dung công khai và các hình thức thực hiện dân chủ cho cán bộ CNVCLĐ biết, phù hợp với đặc điểm của cơ quan, đơn vị, đảm bảo được dân chủ nội bộ trong cơ quan, phân định rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, trách nhiệm của cán bộ công chức. Nhiều đơn vị đã xây dựng kế hoạch thực hiện dân chủ trong năm, nhằm thực hiện việc công khai hóa, cụ thể hóa và tạo điều kiện thuận lợi để CBCC-LĐ giám sát thường xuyên các chế độ, chính sách, nội quy, quy chế như Công ty TNHH 1 TV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Apatit Việt Nam, Supe Lâm Thao, Hóa chất cơ bản Miền Nam, Pinaco… Công đoàn đã chủ động nghiên cứu, tham gia với các cấp chính quyền xây dựng mới hoặc hoàn thiện QCDC đã có, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kiến nghị giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến người lao động.
Hàng năm, công đoàn các đơn vị đã chủ động phối hợp với chuyên môn đồng cấp tổ chức tốt đại hội CNVC, hội nghị CBCC, hội nghị người lao động. Việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động được các đơn vị quan tâm, việc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đảm bảo. Cụ thể như sau:
- Về ký HĐLĐ dài hạn cho người lao động đạt 95% (một số đơn vị có lao động hợp đồng thời vụ nên chỉ ký ngắn hạn)
- Đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật lao động cho người lao động đạt 95% (số lao động ký hợp đồng thời vụ thì các khoản trên được trả vào lương).
- Hàng năm 100% số đơn vị hành chính sự nghiệp, Công ty TNHH 1 TV tổ chức tốt Hội nghị CBCC và Đại hội CNVC.
- 97% công ty CP tổ chức Hội nghị người lao động
- 100% số đơn vị có thỏa ước lao động tập thể
Từ năm 2014, thực hiện theo Nghị định 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ, tất cả các doanh nghiệp đã chuyển sang tổ chức hội nghị người lao động.
Nhìn chung, các đơn vị tổ chức hội nghị dân chủ đã thực hiện tốt theo hướng dẫn của cấp trên. Các CĐCS đã hướng dẫn các đơn vị tổ chức hội nghị từ cấp tổ, phòng ban phân xưởng trở lên. Tại Hội nghị, Tổng giám đốc, thủ trưởng các đơn vị đã trả lời các kiến nghị của người lao động một cách thỏa đáng. Các Đại hội, Hội nghị đã công khai hoạt động tài chính trong các công ty TNHH 1TV cũng như các công ty cổ phần; đã phân tích, làm rõ những nguyên nhân làm tăng các chi phí của từng đơn vị, đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục những điểm yếu trong hoạt động SXKD.
Nhiều ý kiến kiến nghị các giải pháp nhằm ổn định, thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng cường công tác quản lý về vật tư, nguyên liệu, duy trì kỷ cương lao động, công tác bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện lao động, phân phối tiền lương được lãnh đạo đơn vị giải quyết, đồng thời chỉ đạo các phòng ban có chương trình cụ thể về tiến độ, biện pháp thực hiện kiến nghị của các đơn vị thành viên và người lao động.
Thông qua Đại hội, Hội nghị đã nêu bật sự năng động, sáng tạo của Ban lãnh đạo doanh nghiệp tạo đủ việc làm, tăng thu nhập và thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động.
Thực hiện theo luật Công đoàn, Luật lao động sửa đổi bổ sung, hầu hết các đơn vị đã rà soát và ký lại thỏa ước lao động tập thể và ký ngày tại hội nghị dân chủ: Công ty THNN 1 TV Phân đạm và hóa chất Hà Bắc, Hơi kỹ nghệ que hàn, Apatít VN, Đạm Ninh Bình, Pinaco... Có nhiều đơn vị ký Thoả ước lao động tập thể với những điều khoản được thoả thuận có lợi hơn cho người lao động so với quy định như: Chế độ phúc lợi tập thể, thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, tiền thưởng, cải thiện điều kiện làm việc, một số chế độ đối với lao động nữ, ăn ca, tổ chức tham quan nghỉ mát, thăm hỏi khi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất, hiếu hỷ, mừng sinh nhật, trợ cấp tiền tàu xe khi nghỉ phép, hỗ trợ phương tiện đi lại, mua bảo hiểm thân thể…
Các doanh nghiệp đã thực hiện tốt, đúng luật, việc ký thoả ước lao động tập thể đúng trình tự. Thoả ước được ký trên tinh thần công khai, dân chủ, được thảo luận kỹ từ tổ công đoàn trở lên. Các điều khoản trong thoả ước lao động tập thể đã được các doanh nghiệp thực hiện một cách nghiêm túc và luôn có bộ phận theo dõi việc thực hiện các điều khoản của thoả ước. Đối với Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam vẫn thường xuyên đi kiểm tra việc thực hiện chế độ cho người lao động tại các doanh nghiệp, đặc biệt là việc thực hiện các điều khoản của thoả ước lao động.... Đối với các Công ty CP mà vốn Nhà nước trên 50% thì có tổ chức bầu ban TTND theo hướng dẫn. Nhìn chung, các Đại hội, Hội nghị đã mang lại bầu không khí thực sự dân chủ, thiết thực.
Một số bài học kinh nghiệm
Qua thưc tế, đơn vị nào thực hiện tốt QCDC thì quyền lợi và nghĩa vụ, quyền hạn trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động được làm rõ, mối quan hệ được cải thiện, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, việc làm đời sống người lao động được ổn định và cải thiện, vị thế của tổ chức công đoàn và người lao động được nâng lên, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội to lớn.
Quy chế dân chủ đã tạo điều kiện để mọi thành viên, ở từng cương vị công tác từ lãnh đạo cao nhất đến người lao động nhận thức rõ trách nhiệm, quyền hạn cũng như nghĩa vụ của mình trong thực hiện dân chủ. Được biết, được bàn, được làm và được kiểm tra, mọi người nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm trong lao động, thực hành tiết kiệm, hoàn thành nhiệm vụ được giao, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đời sống mới được cải thiện
Ở doanh nghiệp, đơn vị người đứng đầu, tập thể lãnh đạo thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ cơ sở, quan tâm đến đến lợi ích hợp pháp, chính đáng; luôn gần gũi, tin tưởng và biết lắng nghe ý kiến xây dựng của người người lao động; có những hình thức động viên về vật chất, tinh thần kịp thời thì ở đó tạo được sự tôn trọng, niềm tin, xây dựng được khối đoàn kết thật sự, có sự đồng thuận cao. Ngược lại, ở đơn vị còn thiếu dân chủ, chuyên quyền độc đoán, lạm dụng mệnh lệnh trong quản lý, kinh doanh thì ở đó xuất hiện hiện tượng phục tùng giả tạo phát sinh kiện tụng, tố cáo nặc danh. Do thiếu dân chủ nên người lãnh đạo không nhận được sự góp ý thẳng thắn để kịp thời điều chỉnh dẫn đến sai phạm.
Thủ trưởng đơn vị cần thường xuyên kiểm tra giám sát, uốn nắn kịp thời quá trình triển khai thực hiện các quy chế, nội quy đã ban hành. Cần phải được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, đúng với pháp luật hiện hành và phù hợp sự chuyển đổi sở hữu.
Huy Thông