[In trang]
Thủ tướng: "Tạo điều kiện để ngư dân vươn khơi, bám biển"
Thứ tư, 11/06/2014 - 10:08
Chính phủ sẽ phối hợp với TLĐLĐVN và các Bộ, ngành chức năng có những cơ chế, chính sách hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện để ngư dân yên tâm bám biển

Ngày 6/6, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 4 (khóa XI). Phát biểu chỉ đạo hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu và những kết quả khá toàn diện mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp công đoàn, các đoàn viên công đoàn, người lao động đạt được trong thời gian qua.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 4 (Khóa XI). (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng cho rằng những kết quả này là đóng góp quan trọng, thiết thực vào thành quả phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Tổng Liên đoàn tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình đồng thời phối hợp tốt với Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước đã được đề ra cho năm 2014 và những năm tới.

Cùng với đó, Tổng Liên đoàn phối hợp tốt với Chính phủ trong phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp bị phá hoại do một số người có hành vi manh động, vi phạm pháp luật vừa qua gây ra.

Cho biết một số diễn biến trên Biển Đông khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) ở vùng biển của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, hành vi của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế; đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông. Trước hành vi sai trái của Trung Quốc, Thủ tướng cho biết, chúng ta đã sử dụng mọi biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế để phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Cũng từ hành vi sai trái của Trung Quốc đã làm cả dân tộc phẫn nộ, dẫn tới biểu tình tự phát ở một số địa phương, lợi dụng biểu tình, một số người có hành vi manh động, vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của một số doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Những hành vi manh động, vi phạm pháp luật này đã để lại hậu quả xấu, đây là việc làm đáng tiếc, gây mất an ninh trật tự, gây thiệt lại cho sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, chúng ta đã ngăn chặn nhanh các hành vi manh động, vi phạm pháp luật nêu trên; chân thành chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại, qua đó hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã sớm khôi phục và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.

Trong khắc phục sự cố ngoài ý muốn này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những đóng góp hết sức tích cực vào ngăn chặn các hành vi manh động cũng như trong hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại, củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Tổng Liên đoàn tiếp tục phối hợp tốt với chính quyền các cấp trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp, đầu tư công, ngân hàng; xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc đưa doanh nghiệp vào hoạt động ở địa bàn nông thôn, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động nông thôn. Đồng thời phối hợp tốt trong bảo vệ, hỗ trợ ngư dân ra khơi bám biển, phát triển nghiệp đoàn nghề cá, qua đó góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Tổng Liên đoàn phối hợp tốt với chính quyền các cấp trong chăm lo đời sống của người lao động, đặc biệt là trong giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là những lao động bị mất việc do doanh nghiệp phá sản hoặc dừng hoạt động; chăm lo về nhà ở cho người lao động; thực hiện có hiệu quả hơn chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho công nhân, lao động; chăm lo cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động...

Cùng với đó, hai bên tiếp tục phối hợp trong cải cải cách thể chế; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người lao động. Phối hợp tốt trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước trong đó có hội nhập kinh tế quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý Tổng Liên đoàn tiếp tục quan tâm củng cố, xây dựng tổ chức bộ máy công đoàn vững mạnh, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã xem xét, cho ý kiến cụ thể với các kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của một số địa phương về chính sách cho vay, hỗ trợ ngư dân đóng tàu, bám biển, những vấn đề liên quan đến bảo hiểm tàu cá...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ phối hợp với Tổng Liên đoàn và các Bộ, ngành chức năng có những cơ chế, chính sách hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Nguồn: TTXVN