[In trang]
Bàn về vai trò của công đoàn ngành nghề trong tình hình mới
Thứ sáu, 18/02/2022 - 14:24
“Công đoàn đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân lao động; tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Đánh giá về vai trò của tổ chức Công đoàn, các Nghị quyết của Đảng đã khẳng định: “Công đoàn đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân lao động; tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, ngay từ Nghị quyết Đại hội lần thứ IX Công đoàn Việt Nam đã nhấn mạnh: “Phát huy vai trò và trách nhiệm to lớn của mình trong sự nghiệp đổi mới, trong thời gian qua, giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn đã bền bỉ phấn đấu, hướng theo đường lối, chủ trương của Đảng và các mục tiêu, nhiệm vụ chung của đất nước mà hành động. Nội dung, phương pháp hoạt động của Công đoàn đã có đổi mới, hướng mạnh về cơ sở; vận động, tập hợp và chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn đã có đóng góp quan trọng vào sự ổn định chính trị, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bồi dưỡng nhân lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Trong hệ thống Công đoàn Việt Nam, các công đoàn ngành đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp NLĐ theo ngành nghề. Mỗi giai đoạn lịch sử, tổ chức và hoạt động công đoàn nói chung và các công đoàn ngành nói riêng được điều chỉnh, đổi mới phù hợp với điều kiện thực tế.
Đ.c Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam phát biểu tại buổi tập huấn kỹ năng thương lượng, đàm phán, ký kết thỏa ước lao động tập thể
Hiện nay, hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam có 20 công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn bao gồm: Công đoàn ngành Khối ngành kinh tế (Công đoàn Công Thương Việt Nam, Công đoàn Xây dựng Việt Nam, Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam, Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam); Công đoàn ngành Khối hành chính sự nghiệp (Công đoàn Y tế Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam); Công đoàn ngành Khối lực lượng vũ trang (Ban Công đoàn Quốc phòng, Công đoàn Công an nhân dân Việt Nam); Công đoàn các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn (Công đoàn Dầu khí Việt Nam; Công đoàn Điện lực Việt Nam, Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam; Công đoàn Dệt May Việt Nam; Công đoàn Đường sắt Việt Nam, Công đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Công đoàn Cao su Việt Nam, Công đoàn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam).
Các công đoàn ngành, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn trực tiếp quản lý chỉ đạo 194 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 6.656 công đoàn cơ sở, với 1.424.863 đoàn viên/1.585.013 lao động. Các công đoàn ngành trung ương phối hợp quản lý 280 công đoàn ngành địa phương với số lượng đoàn viên là 2.606.655, địa bàn hoạt động của các đơn vị trải dài khắp các tỉnh, thành trong cả nước đến tận vùng sâu, vùng xa....
Trong suốt thời gian qua, các công đoàn ngành, nghề không ngừng lớn mạnh, luôn phát huy vai trò của mình trong việc tập hợp NLĐ thuộc ngành. Từ đó góp phần phát triển các ngành và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, tập hợp đông đảo đoàn viên, NLĐ; thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Đồng chí Trần Quang Huy (đứng) - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam phát biểu tại Lễ ký kết thỏa thuận phúc lợi đoàn viên 
Bối cảnh của tình hình mới đòi hỏi phát huy hơn nữa vai trò của công đoàn ngành nghề. Đảng, Nhà nước ta đang tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Chính phủ, các bộ, ngành theo hướng tinh gọn, tập trung vào quản lý vĩ mô, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp; đổi mới, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Sự thay đổi này khiến mối quan hệ giữa các công đoàn ngành với các cơ quan quản lý nhà nước theo ngành và các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành có sự thay đổi căn bản, đòi hỏi phải xác lập lại các mối quan hệ để phù hợp với tình hình mới.
Đối tượng tập hợp đoàn viên của công đoàn ngành từ trước đến nay chủ yếu là đoàn viên, NLĐ trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành. Cùng với việc tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu, sắp xếp, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, quá trình tự do hóa thương mại và cạnh tranh khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giải thể, phá sản. Từ đó dẫn đến một bộ phận NLĐ bị mất việc hoặc thiếu việc làm, cuộc sống không đảm bảo. Hoạt động công đoàn cơ sở (CĐCS) rất khó khăn, số lượng đoàn viên, NLĐ ở các công đoàn ngành có xu hướng sụt giảm nhanh. Trong khi đó, một số lượng rất lớn đoàn viên, NLĐ trong các đơn vị, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước ở các ngành chưa được tổ chức, tập hợp theo ngành. Do đó, cần phải mở rộng đối tượng tập hợp của các công đoàn ngành sang cả khu vực ngoài nhà nước.
Các bộ, ngành giảm dần vai trò quản lý trực tiếp đối với các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp nên nhiều vấn đề liên quan đến quan hệ lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, NLĐ trong các ngành thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương. Điều đó đòi hỏi phải có sự trao đổi, phối hợp, phân công trách nhiệm giữa các công đoàn ngành và các LĐLĐ địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.
Toàn cảnh buổi tập huấn kỹ năng thương lượng, đàm phán, ký kết thỏa ước lao động tập thể của Công đoàn Công Thương Việt Nam
Trong tất cả các ngành hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ và kinh tế số làm xuất hiện rất nhiều loại hình lao động phi tập trung và nhu cầu tổ chức, tập hợp NLĐ tự do trong các ngành. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức để các công đoàn ngành có cách tổ chức phù hợp cho đối tượng lao động này giúp mở rộng hoạt động của các công đoàn ngành sang cả khu vực phi chính thức.
Khi các tổ chức khác của NLĐ tại doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, các cấp công đoàn nói chung và các công đoàn ngành nói riêng sẽ phải cạnh tranh với các tổ chức này để thu hút NLĐ. Đồng thời, khi các tổ chức của NLĐ được liên kết theo ngành sẽ mở ra cơ hội để các công đoàn ngành thu hút các tổ chức này tham gia các công đoàn ngành theo đúng quy định của pháp luật.
Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) thực hiện các công ước quốc tế về lao động cho phép các tổ chức đại diện NLĐ được thành lập ở cơ sở và tiến tới liên kết theo ngành nghề. Hệ thống pháp luật ở Việt Nam tiếp tục được hoàn thiện, nhiều luật mới ban hành như: Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp, Luật Thanh niên và nhiều luật được sửa đổi, bổ sung như Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thi đua khen thưởng…, từ đó tác động đến tổ chức, hoạt động công đoàn nói chung và công đoàn các ngành nghề nói riêng.
Một số hoạt động của Công đoàn Công Thương Việt Nam
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với nhiều chủ trương, định hướng mới về xây dựng giai cấp công nhân, lãnh đạo tổ chức Công đoàn; Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi với tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” với các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ và yêu cầu của Đảng. Là bộ phận quan trọng trong hệ thống Công đoàn Việt Nam, quản lý đội ngũ đoàn viên công đoàn là công chức, viên chức, NLĐ các cơ quan quản lý nhà nước, những ngành, nghề, doanh nghiệp kinh tế trọng điểm đất nước, các công đoàn ngành cần thiết phải được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Từ thực tiễn hoạt động, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các công đoàn ngành, nghề trong hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam, các công đoàn ngành, nghề cần tiếp tục quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất: Các công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tập đoàn, tổng công ty không ngừng củng cố tổ chức các công đoàn đơn vị trực thuộc, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn về quản lý, chỉ đạo hoạt động đối với các CĐCS trong các bộ, ngành trung ương sau khi tái cơ cấu Nhà nước không có cổ phần hoặc không nắm giữ cổ phần chi phối. Phối hợp với LĐLĐ các tỉnh, thành phố đang quản lý các CĐCS trong các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc các bộ, ngành trung ương chuyển giao CĐCS cho công đoàn ngành trung ương quản lý, chỉ đạo hoạt động. Về lâu dài cần kiến nghị được tổ chức công đoàn theo ngành nghề một cách thống nhất ở mọi cấp công đoàn. Đó là điều kiện rất cần thiết để các tổ chức công đoàn ngành nghề thực hiện tốt các chức năng của mình trong cơ chế hiện nay. Điều này cũng phù hợp với bản chất của tổ chức Công đoàn, trước hết đó là tập hợp những người lao động cùng ngành nghề với nhau đảm bảo cho công đoàn làm đúng nhiệm vụ ngành nghề của mình, chứ không làm lẫn những nhiệm vụ của tổ chức khác.
Thứ hai: Giảm tải nhiệm vụ ít liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của công đoàn, ngoài quan hệ lao động, để tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ trong các ngành. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của các công đoàn ngành trong bối cảnh mới. Thực hiện tốt việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác đối thoại và thương lượng tập thể theo ngành; tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên và NLĐ trong các ngành. Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong tổ chức các phong trào thi đua, phong trào thi đua phải phù hợp với từng loại hình và từng đối tượng, khích lệ, động viên đoàn viên, NLĐ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh thi đua phục hồi sản xuất đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, qua đó góp phần bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ.
Đoàn đại biểu Công đoàn Công Thương Việt Nam tham dự Lễ tuyên dương chương trình "75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển" do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức
Thứ ba: Công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS phải được các cấp công đoàn coi là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng. Trong bối cảnh có tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp, nhiệm vụ thu hút, tập hợp đông đảo đoàn viên, NLĐ vào tổ chức Công đoàn Việt Nam trở thành nhiệm vụ sống còn. Các công đoàn ngành cần chủ động thông tin, giới thiệu một cách thuyết phục đến NLĐ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, những lợi ích khi tham gia Công đoàn Việt Nam. Các công đoàn ngành và tương đương, công đoàn tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn chú trọng chỉ đạo các CĐCS, nghiệp đoàn tuyên truyền, vận động để kết nạp NLĐ chưa phải là đoàn viên công đoàn tham gia tổ chức Công đoàn. Mở rộng đối tượng tập hợp và đổi mới phương thức tập hợp, vận động đoàn viên, NLĐ trong các ngành phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, nhất là trong khu vực ngoài nhà nước. Phương thức tập hợp, vận động được tiến hành đa dạng, linh hoạt, hiện đại để không ngừng gia tăng số lượng thành viên và sức mạnh cho các công đoàn ngành.
Thứ tư: Không ngừng đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, tác phong, lề lối làm việc, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát. Nâng cao chất lượng công tác thông tin báo cáo trong hệ thống công đoàn, đề cao trách nhiệm cá nhân và chế độ thực hiện thông tin báo cáo của lãnh đạo công đoàn các cấp trong hệ thống công đoàn ngành. Từng bước đơn giản hóa, giảm thiểu các thủ tục hành chính. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa công đoàn ngành trung ương và LĐLĐ địa phương, quan hệ phối hợp chỉ đạo giữa các công đoàn ngành trung ương và các công đoàn ngành địa phương. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại công đoàn theo đường lối của Đảng và Nhà nước, phù hợp với điều kiện của từng công đoàn ngành, nghề đảm bảo an toàn, hiệu quả, tranh thủ thêm nguồn lực; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm hoạt động công đoàn quốc tế; tăng cường ứng phó linh hoạt, hiệu quả với các vấn đề phát sinh trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Thứ năm: Các công đoàn ngành trung ương cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân và hoạt động công đoàn trong nền kinh tế thị trường; rút ra những bài học kinh nghiệm về hoạt động công đoàn trong các loại hình cơ sở. Thường xuyên nghiên cứu, xây dựng các hoạt động mang tính đặc thù ngành nghề để gắn kết đoàn viên, NLĐ trong cùng ngành nghề, tạo nên sức mạnh tổng hợp xuyên suốt từ cấp cơ sở lên đến cấp ngành.
Thứ sáu: Quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn có phẩm chất, năng lực và kỹ năng hoạt động. Tăng cường hơn nữa công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn nhằm không ngừng phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ công đoàn, góp phần xây dựng, bổ sung hoàn thiện nội dung hoạt động công đoàn các ngành, các cấp ngày càng phong phú, thiết thực, phù hợp với chức năng công đoàn, góp phần đa dạng phương pháp hoạt động công đoàn mang lại hiệu quả cao.
Thứ bảy: Tập trung các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính. Có những giải pháp để thu đúng, thu đủ và kịp thời, chống thất thu kinh phí, đoàn phí công đoàn. Tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong các cấp công đoàn trực thuộc. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các nội dung chi tại các cấp công đoàn, chú trọng đến việc chi các nội dung thiết thực cho đoàn viên, NLĐ; tập trung nguồn lực tài chính phục vụ nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của tổ chức Công đoàn, ưu tiên cho nhiệm vụ chăm lo, đại diện bảo vệ quyền lợi NLĐ, phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS. Nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công đoàn tích lũy tại mỗi cấp công đoàn để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; phục vụ tốt hơn nhu cầu chính đáng của đoàn viên, NLĐ.
Trong giai đoạn hiện nay, để thực sự là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, tổ chức Công đoàn phải không ngừng đổi mới, thay đổi nội dung và phương thức hoạt động, chuyển biến tư duy và nhận thức cho phù hợp. Chính vì vậy Tổng Liên đoàn luôn quan tâm, có nhiều chỉ đạo mạnh mẽ để tăng cường hơn nữa vai trò của từng cấp công đoàn trong đó có khối công đoàn ngành, nghề.
Lê Thị Đức