[In trang]
"Tôi muốn thay đổi quan niệm: Cán bộ công đoàn chỉ lo chuyện bao đồng mà không giỏi chuyên môn"
Thứ ba, 21/12/2021 - 13:57
"Công đoàn cho tôi nghiệt huyết"
“Tôi luôn quyết tâm làm tốt công việc của mình để mọi người thấy rằng, chỉ cần đủ nhiệt huyết, lửa nghề, có tâm, có trình độ chuyên môn, một cán bộ công đoàn sẽ cống hiến cho cộng đồng và xã hội nhiều giá trị” – TS. Phạm Thị Hồng Phượng, Phó Chủ tịch Công đoàn, Trưởng bộ môn Công nghệ hoá học vật liệu, Khoa Công nghệ Hóa học, Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết.
"Tôi muốn khai thông điểm nghẽn"
Chị Phượng từng có 5 năm là CEO cho doanh nghiệp, 02 năm làm chuyên sâu công tác kỹ thuật. Mối quan hệ với các doanh nghiệp càng gắn bó hơn khi chị chuyển về công tác tại Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh - môi trường đang rất cần đối tác là doanh nghiệp để đào tạo, chuyển giao nguồn nhân lực.
Chị được lãnh đạo nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ Trưởng bộ môn Công nghệ hoá học vật liệu, chuyên ngành Kỹ thuật dệt nhuộm thuộc Khoa Công nghệ Hóa học.
Những năm gần đây, Dệt may là một trong những ngành sản xuất trọng điểm, phát triển vượt bậc, có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước. Việc nước ta gia nhập hiệp định CPTPP, EVFTA được nhiều doanh nghiệp dệt may xem là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường và hưởng ưu đãi thuế. Nhưng đi kèm với đó, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, thách thức.
Để các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội thì Việt Nam phải giải quyết nhiều vấn đề mang tầm vĩ mô như: Phát triển tốt chuỗi cung ứng nguyên liệu; quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu dệt may…
Trong khi đó, doanh nghiệp ngành Dệt - Nhuộm – May hằng ngày phải đối mặt và tìm cách giải quyết các vấn đề nội tại như ô nhiễm nguồn nước, năng suất và chất lượng chưa cao. Nguyên do hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành Dệt may chưa quan tâm đến các công cụ quản lý sản xuất chuyên nghiệp, đầu tư thiết bị máy móc một cách dàn trải và nhân lực không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Người có kinh nghiệm lâu năm thì chưa được đào tạo cơ sở lý thuyết để giải quyết vấn đề tận gốc, dẫn đến lãng phí trong quá trình sản xuất.
Doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình đàm phán, ký kết các đơn hàng số lượng lớn trong dài hạn. Từ đó kéo quy mô sản xuất của doanh nghiệp chưa phát triển và bền vững như kỳ vọng.
TS. Phạm Thị Hồng Phượng (thứ 4 từ phải sang) cùng các học viên học tập thực tế tại doanh nghiệp
“Chính phủ có rất nhiều chính sách hấp dẫn để hỗ trợ doanh nghiệp ngành Dệt may tháo gỡ khó khăn, tự tin hơn khi hội nhập quốc tế nhưng lại chưa đến được với doanh nghiệp một cách đúng nghĩa. Tôi muốn khơi thông điểm nghẽn này để doanh nghiệp nắm bắt được chính sách của Chính phủ và áp dụng hiệu quả chứ không phải chỉ thấy qua mạng xã hội, ti vi" - TS. Phạm Thị Hồng Phượng chia sẻ.
Trong 2 năm 2020 và 2021, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh vẫn chủ trì một số đề án hỗ trợ doanh nghiệp ngành Dệt may, trong đó TS. Phạm Thị Hồng Phượng làm chủ nhiệm 2 đề án.
Đề án “Đào tạo quản lý, hỗ trợ kỹ thuật, cải tiến sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm và xử lý môi trường cho các doanh nghiệp ngành Dệt may” được áp dụng đã giải quyết các bài toán thực tiễn của các doanh nghiệp dệt may, đặc biệt là khu vực phía Nam.
Đề án đã giúp các doanh nghiệp tiếp cận và triển khai các phương pháp quản trị chuyên nghiệp như JIT, Kaizen, 5S, PRO-3M, cách nhận biết các loại lãng phí và 07 công cụ quản lý chất lượng. Các phương pháp đều hướng tới mục tiêu giúp doanh nghiệp “sản xuất sản phẩm đúng số lượng, đúng nơi, vào đúng thời điểm”.
Năm 2021, đề án “Đào tạo nhân lực, tư vấn kỹ thuật, cải tiến sản xuất và môi trường làm việc nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp ngành Dệt - Nhuộm - May khu vực phía Nam” tiếp tục đào tạo chuyên sâu hơn về quản lý sản xuất cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhận diện lãng phí nhanh và chuyên nghiệp bằng cách áp dụng được một số công cụ quản lý theo phương pháp Lean manufacture trong sản xuất, phân tích các lỗi sản phẩm, lỗi quá trình bằng các công cụ quản lý chất lượng và quản lý theo phương pháp TPM (Total Productive Maintenaince tạm gọi là Bảo trì năng suất toàn diện) chuyên nghiệp. Đây đều là những vấn đề lớn đối với doanh nghiệp ngành Dệt may hiện nay.
Mỗi năm, các đề án hỗ trợ và kết nối cho doanh nghiệp nói trên đào tạo hàng trăm học viên là cán bộ quản lý cho các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp biết đến chương trình đào tạo này đã tự động tham gia. Các đề án được Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá xuất sắc và là đề án mẫu cho những nghiên cứu ứng dụng sau này. Uy tín của Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh từ đó mà ngày càng tăng lên.
Hằng năm, đề án lại được nâng cấp theo hướng chuyên sâu để đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp. TS. Phạm Thị Hồng Phượng còn mong muốn kết nối đề án với các khối ngành thuộc các trường trong hệ thống Công đoàn Công Thương Việt Nam để tổ chức Công đoàn tham gia nhiều hơn vào hoạt động đào tạo nhân lực theo nhu cầu doanh nghiệp.
"Công đoàn cho tôi nghiệt huyết"
“Chính công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên đã tạo cho tôi động lực muốn làm tốt hơn nữa, để cán bộ công đoàn là tấm gương sáng không chỉ trong công tác công đoàn mà còn công tác chuyên môn” – TS. Phạm Thị Hồng Phượng cho biết.
Đam mê với nghề, TS. Phạm Thị Hồng Phượng còn thành lập fanpage Kỹ thuật viên nhuộm để kết nối và hỗ trợ các bạn sinh viên sau khi rời ghế nhà trường, các doanh nghiệp gặp vấn đề vướng mắc được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Tổng Công ty 28 (gọt tắt là Tổng công ty 28) cho biết: Là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng, Tổng công ty 28 hoạt động theo hình thức công ty mẹ - con. Ngoài các đơn vị trực thuộc, Tổng công ty 28 còn có 5 công ty con, công ty liên kết với tổng số gần 4.500 lao động.
“Từ năm 2019 đến nay, Tổng công ty 28 đã cử gần 20 lượt cán bộ tham gia một số khoá đào tạo theo đề án của Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương với sự kết nối của TS. Phạm Thị Hồng Phượng. Đối tượng tham gia là cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý chuyền, quản đốc xưởng, cán bộ điều độ sản xuất… Lĩnh vực đào tạo là bồi dưỡng kỹ thuật, hướng dẫn sắp xếp chuyền, hướng dẫn cách thức tổ chức sản xuất trong xưởng...
Kết quả sau đào tạo rất tốt, các học viên sau khi tham gia khoá đào tạo đã nắm được những nguyên tắc cơ bản về việc sắp xếp, bố trí sản xuất nên đã áp dụng hiệu quả tại đơn vị.
Dây chuyền dệt vải tại Xí nghiệp Dệt, Tổng công ty 28
Các học viên tham gia đề án
Người lao động tại xí nghiệp veston - Tổng công ty 28
Về hoạt động hỗ trợ đào tạo cán bộ kỹ thuật của TS Phượng và đề án, Tổng công ty 28 đánh giá thấy đây là hoạt động rất hữu ích, đối tượng đào tạo là những cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý chuyền, xưởng sản xuất nên rất phù hợp trong tình hình ngành Dệt May hiện nay. Người được đào tạo thường đã làm việc thực tế, đã có kinh nghiệm, khi bây giờ được bổ sung thêm kiến thức thì họ sẽ hiểu rất nhanh vấn đề và sẽ có những cải tiến tốt tại đơn vị” – ông Nguyễn Trường Sơn nhận định.
Hà Vy (nguồn: cuocsongantoan.vn)