Một số vấn đề then chốt để xây chắc nền móng tổ chức Công đoàn
Thứ ba, 13/07/2021 - 10:03
CĐVN đã bước sang thập kỷ thứ chín với hành trang là chiến lược đổi mới tổ chức và hoạt động để mở đường cho giai đoạn phát triển mới
* Bài viết của Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải về một số vấn đề then chốt để xây chắc nền móng tổ chức Công đoàn trong giai đoạn phát triển mới.
Công đoàn Việt Nam đã bước sang thập kỷ thứ chín với hành trang là chiến lược đổi mới tổ chức và hoạt động để mở đường cho giai đoạn phát triển mới, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh những vấn đề then chốt đã được xác định, cũng cần làm sáng rõ lực lượng và địa bàn quyết định thắng lợi của Công đoàn Việt Nam.
Đó có lẽ là vai trò trung tâm của đoàn viên và địa bàn chiến lược ở Công đoàn cơ sở như khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cách đây hơn ba thập kỷ: “Tôi đề nghị tới đây, các cấp Công đoàn cần đổi mới phương thức hoạt động của mình theo hướng: Lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy đoàn viên làm đối tượng vận động, thuyết phục và giáo dục. Chỉ bằng con đường này thì các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, các quyết định của Công đoàn mới tới được quần chúng và biến thành sức mạnh vật chất to lớn để giải quyết thắng lợi các nhiệm vụ đề ra. Chỉ bằng phương thức này, thì Công đoàn mới đứng vững được giữa lòng quần chúng, uy tín Công đoàn mới được đề cao, xứng đáng với niềm tin yêu của họ” .
I. Củng cố, phát huy vai trò trung tâm của đoàn viên; ra sức xây dựng Công đoàn cơ sở thật sự vững mạnh là kế sách sâu bền
1. Sự phát triển tư duy về vai trò và nhiệm vụ của công tác đoàn viên
Vai trò then chốt của đoàn viên đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn được xác lập trong tác phẩm Đường Kách mệnh của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (năm 1925). Đồng thời, tư duy về nhiệm vụ công tác đoàn viên không ngừng được bổ sung, phát triển qua các kỳ Đại hội Công đoàn.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải tặng quà cho công nhân Công ty TNHH Esquel Việt Nam (Khu Công nghiệp VSIP, tỉnh Bình Dương)
Đại hội II Công đoàn Việt Nam (năm 1961) xác định nhiệm vụ nâng cao chất lượng đoàn viên. Đến Đại hội IV Công đoàn Việt Nam (năm 1978), lần đầu tiên làm rõ nội hàm của công tác đoàn viên là phát triển về số lượng, củng cố sinh hoạt, nâng cao chất lượng đoàn viên, quản lý chặt chẽ đoàn viên. Đại hội X Công đoàn Việt Nam (năm 2008) đề ra nhiệm vụ “nghiên cứu làm rõ lợi ích của người tham gia Công đoàn” để đến Đại hội XII Công đoàn Việt Nam (năm 2018) đã hoàn thiện thành bốn trụ cột chính của công tác đoàn viên là phát triển đoàn viên mới, quản lý đoàn viên, nâng cao chất lượng đoàn viên và chăm lo lợi ích đoàn viên.
Làm rõ và thể hiện được đầy đủ các chức năng và phương thức hoạt động của Công đoàn ở cơ sở sẽ làm sáng rõ vai trò, vị trí tổ chức Công đoàn trong đời sống xã hội.
Tổ chức Công đoàn ra đời, tồn tại, phát triển là từ nhu cầu của người lao động nên đoàn viên phải có vai trò then chốt đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn, là nhân tố bên trong, là lực lượng quyết định của tổ chức. Mặt khác, tổ chức Công đoàn nếu không đảm bảo yếu tố xã hội và lý tưởng thì khó mà phát triển sâu rộng, bền chắc. Do đó, cần thực hiện song hành nhiệm vụ phát triển đoàn viên và nâng cao chất lượng đoàn viên.
Công đoàn vừa nỗ lực tập hợp hầu hết người lao động vào tổ chức Công đoàn trên cơ sở tự giác, vừa giáo dục ý thức giai cấp công nhân cho đoàn viên, làm cho đoàn viên thiết tha với tổ chức, tự hào về tổ chức, tích cực làm tròn trách nhiệm và quyền hạn của mình đối với việc xây dựng tổ chức có lý tưởng tiên tiến là hành động mang lại lợi quyền cho nhiều người, trong đó có lợi quyền của mỗi người và phù hợp lý tưởng, khát vọng chung của cả dân tộc chứ không chỉ giới hạn của một tổ chức phường hội.
Chất lượng của lực lượng đoàn viên được biểu hiện qua hoạt động cụ thể, là kết quả của sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên, cộng đồng thực hiện nhiệm vụ, cùng nhau nâng cao tri thức và phát huy trí tuệ tập thể trong hành động Công đoàn nên cần có biện pháp quản lý đoàn viên. Đây không phải là kiểu quản lý hành chính mà thông qua quản lý để thực hiện tốt hơn trách nhiệm với đoàn viên.
Bên cạnh việc đầu tư ứng dụng công nghệ để quản lý đoàn viên mang tính hệ thống thì quản lý đoàn viên ở cơ sở, từ hoạt động bằng những hình thức linh hoạt với nội dung phong phú, hấp dẫn, phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, trong đó, cơ chế đối thoại của cán bộ Công đoàn với đoàn viên là quan trọng để cùng nhau thống nhất nhận thức hoạt động Công đoàn. Do yếu tố hoạt động là nền tảng nên Công đoàn phải mở rộng đội ngũ quần chúng tích cực qua hoạt động để tăng thêm lực lượng cho Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và thông qua các nhân tố này thu hút đông đảo người lao động ủng hộ, thực hiện các hoạt động của Công đoàn; củng cố tổ Công đoàn, tăng cường việc bồi dưỡng tổ trưởng, định rõ nội dung sinh hoạt để phát huy đầy đủ tác dụng của tổ Công đoàn là nơi sinh hoạt quan trọng của tổ chức Công đoàn.
Người lao động tham gia tổ chức Công đoàn là mong muốn có kết quả tốt hơn hiện tại, đồng thời, kết quả này có được chủ yếu là từ hoạt động Công đoàn. Do vậy, cán bộ Công đoàn phải bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền hạn, nghĩa vụ, quyền lợi đoàn viên theo điều lệ; cần hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người lao động, hoạt động vì người lao động, kiên quyết chống lối làm việc quan liêu hành chính, trên dội xuống, không sát với yêu cầu cơ sở và cuộc sống của người lao động.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải
2. Vai trò quyết định của Công đoàn cơ sở là do đặc trưng của hoạt động Công đoàn.
Nhiệm vụ củng cố Công đoàn cơ sở được đề ra ngay từ Đại hội I Công đoàn Việt Nam (năm 1950). Tầm quan trọng của Công đoàn cơ sở vững mạnh được Đại hội II Công đoàn Việt Nam (năm 1961) nhận diện, tiếp tục đánh giá qua Đại hội IV (năm 1978) và bổ sung thêm yêu cầu “Công đoàn cấp trên phục vụ Công đoàn cấp dưới” tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam (năm 2018).
Công đoàn cơ sở là cột sống, là nền tảng, là địa bàn hoạt động của tổ chức Công đoàn; là nơi kết hợp và phát huy tác dụng chỉ đạo của Công đoàn địa phương và ngành; là thước đo kết quả của toàn bộ hệ thống tổ chức Công đoàn. Theo luật pháp Việt Nam và thực tế thì Công đoàn cơ sở là nơi gần với đoàn viên, người lao động nhất; có thể mang lại nhiều quyền lợi sát sườn nhất trong điều kiện của cơ quan, đơn vị; thể hiện cụ thể vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Vì vậy, làm rõ và thể hiện được đầy đủ các chức năng và phương thức hoạt động của Công đoàn ở cơ sở sẽ làm sáng rõ vai trò, vị trí tổ chức Công đoàn trong đời sống xã hội.
II. Tăng cường trách nhiệm của đoàn viên và Công đoàn cơ sở trong nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động
Công đoàn cơ sở là cột sống, là nền tảng, là địa bàn hoạt động của tổ chức Công đoàn.
Trong những năm qua, nhiều Công đoàn cơ sở thực hành tốt vai trò, nhiệm vụ; nhiều Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quan tâm kết hợp xây dựng với củng cố Công đoàn cơ sở nên tạo được niềm tin của đoàn viên, nhưng còn không ít nơi, nhiều đoàn viên chỉ có nghĩa vụ đóng đoàn phí và được thụ hưởng các chăm lo của tổ chức Công đoàn. Thậm chí, nhiều Công đoàn cơ sở hoạt động quần chúng còn yếu; Công đoàn chưa hiểu hết hoàn cảnh, tâm trạng, nguyện vọng bức thiết của đoàn viên; sinh hoạt Công đoàn lỏng lẻo; hoạt động của cán bộ Công đoàn là chủ yếu... Vì thế, cần nhận thức sâu sắc, phát huy vai trò then chốt của đoàn viên trong hoạt động Công đoàn, xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh thực chất và thực hiện nhuần nhuyễn, tổng hợp các nhiệm vụ, giải pháp, tập trung vào những vấn đề sau:
1. Đề cao tinh thần trách nhiệm của đoàn viên đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn
Đến Đại hội XII công đoàn Việt Nam (năm 2018), Điều lệ Công đoàn đã quy định khá toàn diện và cơ bản các quyền của đoàn viên, bao gồm quyền tham gia thành lập Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở và hoạt động Công đoàn; quyền được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của tổ chức Công đoàn; quyền ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo của tổ chức Công đoàn, chất vấn cán bộ Công đoàn, kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ Công đoàn có sai phạm; quyền được yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm, được hướng dẫn, tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí về pháp luật lao động, Công đoàn, được Công đoàn đại diện tham gia tố tụng trong các vụ án lao động, được Công đoàn thăm hỏi, giúp đỡ khi ốm đau, khó khăn, hoạn nạn, được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, du lịch do Công đoàn tổ chức; đoàn viên ưu tú được giới thiệu để Đảng xem xét kết nạp, ưu tiên xét vào học tại các trường, lớp do Công đoàn tổ chức, được Công đoàn hướng dẫn, giúp đỡ tìm việc làm, học nghề…
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao nhận thức về quyền của đoàn viên thì cần quy định cụ thể việc thực hiện, đảm bảo đoàn viên có thực quyền trong mọi hoạt động của Công đoàn cơ sở, cũng là thể hiện trách nhiệm của đoàn viên với tổ chức Công đoàn. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quyền kiểm tra, giám sát và quyền được tham gia đánh giá của đoàn viên đối với cán bộ và hoạt động Công đoàn ở cơ sở, trong đó, đặc biệt quan tâm nguyên tắc thông tin là của đoàn viên, bao gồm báo cáo cho Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở cũng như báo cáo lên cấp trên là theo ý kiến của đoàn viên chứ không phải là ý kiến của cá nhân cán bộ Công đoàn; kết thúc họp Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở cũng như tham dự hội họp của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phải báo cáo lại cho đoàn viên.
Để nâng cao năng lực tự quyết về quyền của đoàn viên, quyền của người lao động, cần tăng cường công tác thông tin, tuyền truyền của tổ chức Công đoàn ở cơ sở. Do điều kiện làm việc và sinh sống của người lao động, đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải có những cách thức thông tin tuyên truyền phù hợp, quan trọng nhất là làm thế nào những thông tin ấy phải được triển khai chủ động, đến được nhiều đoàn viên, người lao động nhất, để họ hiểu rõ và đúng đắn nhất, từ đó nâng cao ý thức trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Mỗi cơ quan, đơn vị với quy mô lao động khác nhau, mô hình tổ chức lao động cũng khác nhau nên bên cạnh những kênh thông tin truyền thống đã được sử dụng lâu nay, Công đoàn phải mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để sử dụng các kênh thông tin mới, tiếp cận nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Đồng thời, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động phối hợp với trung tâm chính trị tổ chức các đợt bồi dưỡng lý luận chính trị ngắn ngày, kết hợp tập huấn nâng cao kiến thức, bản lĩnh chính trị cho đoàn viên ưu tú, cán bộ Công đoàn cơ sở.
Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là điểm tựa cho Công đoàn cơ sở.
Trong sinh hoạt Công đoàn, cần lưu tâm hình thức quần chúng giáo dục quần chúng, phê bình và tự phê bình. Một khi đoàn viên chủ động và tích cực, trách nhiệm với tổ chức Công đoàn, nhất là việc tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình với tổ chức Công đoàn sẽ mang lại kết quả kịp thời, tốt hơn.
Các cán bộ Công đoàn vận chuyển nhu yếu phẩm ủng hộ công nhân lao động tỉnh Bắc Giang
2. Tăng cường quyền chủ động và tự chủ của Công đoàn cơ sở
Chức năng và phương thức hoạt động Công đoàn đòi hỏi phải thể hiện được đầy đủ tính độc lập về tổ chức. Đây là điều kiện để Công đoàn phát huy hơn nữa vai trò và hiệu lực công tác của mình trong hệ thống chính trị. Tính độc lập về tổ chức khác với đối lập về tổ chức, đó là vai trò đối trọng của Công đoàn với người sử dụng lao động trên cơ sở quy định pháp luật, điều lệ Công đoàn, lực lượng đoàn viên được tổ chức chặt chẽ và nguyên tắc hợp tác cùng phát triển: Cuộc sống người lao động phát triển, doanh nghiệp phát triển và đất nước phát triển.
Hiện nay, cần tăng cường giao quyền tự chủ cho Công đoàn cơ sở, nhất là các vấn đề then chốt như: Nhân sự, tài chính và hoạt động. Lực lượng đoàn viên phong phú, đa dạng vì trình độ, hoàn cảnh khác nhau và có sự vận động mạnh mẽ của lực lượng lao động trong quá trình phát triển của cơ quan, đơn vị nên chỉ cần quy định khung và giao quyền quyết định về số lượng, cơ cấu Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, tổ Công đoàn cho Đại hội Công đoàn cơ sở.
Mặt khác, lại bổ sung quy định điều kiện tham gia Ban Chấp hành phải trải qua thực tiễn tham gia tổ Công đoàn hoặc lãnh đạo nhóm nòng cốt… để phát huy các nhân tố tích cực qua hoạt động Công đoàn.
Về tài chính Công đoàn, bên cạnh việc thực hiện lộ trình tăng dần kinh phí, đoàn phí cho Công đoàn cơ sở, chủ yếu chi ở cơ sở thì cần đổi mới theo hướng quy định khung chi tiêu và giao quyền quyết định cho Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở để sát hợp nhu cầu thực tế và thứ tự ưu tiên vào những nhiệm vụ cốt lõi, cơ bản, sao cho đoàn viên được hưởng thụ cụ thể và nhiều nhất.
Về hoạt động cũng giao quyền quyết định cho Công đoàn cơ sở theo quy định pháp luật, điều lệ Công đoàn và định hướng của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
Tăng cường tự chủ cho Công đoàn cơ sở phải gắn liền với việc đẩy mạnh công khai, dân chủ, tập hợp được trí tuệ và sức mạnh của đông đảo đoàn viên. Do vậy, cần hoàn thiện công tác đánh giá cán bộ và hoạt động Công đoàn cơ sở theo hướng lấy hiệu quả công việc làm thước đo, kết hợp sự nhận xét, đánh giá của người phụ trách, của tập thể và số đông đoàn viên với tự phê bình của cán bộ.
Quyền quyết định hoạt động được thể hiện tập trung vào việc xây dựng chất lượng, hiệu quả kế hoạch hoạt động hàng năm của Công đoàn cơ sở. Kế hoạch của Công đoàn cơ sở phải có mục tiêu cụ thể, lựa chọn được các hoạt động then chốt, thiết thực, hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, của từng người đối với từng việc cụ thể, quy định rõ thời gian hoàn thành, định kỳ kiểm tra, đánh giá kết quả, khen chê kịp thời; khắc phục tình trạng dàn trải, làm lướt, “đánh trống bỏ dùi”. Công đoàn cơ sở phải xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng của số đông đoàn viên, coi đây là việc làm rất cần thiết và đầu tiên của Ban Chấp hành khi xây dựng nội dung hoạt động.
Muốn vậy, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở lấy ý kiến của đoàn viên rồi phân tích, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và tổ chức cho đoàn viên bỏ phiếu, hoạt động nào số đông đoàn viên nhất trí thì trình Ban Chấp hành quyết định và thông báo cho người sử dụng lao động để biết.
Ở tầm quốc gia, Công đoàn tích cực tham gia xây dựng các chính sách, chế độ, tiền lương tối thiểu vùng làm nền tảng cho Công đoàn cơ sở thương lượng.
Nội dung hoạt động của Công đoàn cơ sở cũng phải sát hợp với thực tiễn của mỗi cơ quan, đơn vị, được người sử dụng lao động đồng tình, ủng hộ, từ đó tạo điều kiện bảo đảm quyền lợi của đoàn viên, người lao động năm sau tốt hơn năm trước.
Các công đoàn cơ sở ở huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) quyên góp, nhu yếu phẩm để phục vụ cho khu cách ly chống dịch
Để có sự đồng tâm, cần phải xây dựng quy chế phối hợp giữa Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động với những công việc phối hợp cụ thể, được thực hiện một cách thực chất, hiệu quả.
Một khi Công đoàn cơ sở xây dựng được những nội dung hoạt động xuất phát từ đoàn viên, thì sẽ tạo ra điều kiện đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng là sự đồng thuận của đoàn viên. Kế hoạch hoạt động thực sự đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của số đông còn làm cho đoàn viên nhận thấy Công đoàn Việt Nam là Công đoàn của người lao động, vì người lao động và do người lao động. Khi ấy, đánh giá Công đoàn tốt hay chưa tốt có phần trách nhiệm của đoàn viên, Công đoàn cơ sở.
3. Hệ thống tổ chức Công đoàn vì Công đoàn cơ sở để nâng cao chất lượng cuộc sống của đoàn viên
Hoạt động Công đoàn thống nhất trong toàn hệ thống tổ chức Công đoàn và được cụ thể hóa trách nhiệm của mỗi cấp Công đoàn. Theo quy định pháp luật và tình hình thực tế, nhất là những tác động khách quan nhanh, trực tiếp, rất lớn, để Công đoàn cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ rất cần vai trò chủ động của Công đoàn cơ sở và sự hợp lực của các Công đoàn cấp trên cơ sở.
Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là điểm tựa cho Công đoàn cơ sở, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ Công đoàn cơ sở; làm tốt công tác lãnh đạo, hướng dẫn, tư vấn cho Công đoàn cơ sở khi quyết định nội dung hoạt động; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá Công đoàn cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ, ghi nhận kịp thời những mô hình hay, cách làm tốt, đúc kết kinh nghiệm và nhân rộng để ngày càng có nhiều hơn nữa Công đoàn cơ sở hoạt động tốt.
Công đoàn ngành và Công đoàn địa phương phối hợp chặt chẽ, thông qua Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để phát huy thế mạnh của Công đoàn ngành trong lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật và sự chỉ đạo toàn diện của Công đoàn địa phương vì chất lượng hoạt động Công đoàn ở cơ sở theo nguyên tắc chỉ có một cấp trực tiếp chỉ đạo Công đoàn cơ sở.
Phối hợp nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động là nhiệm vụ then chốt của tổ chức Công đoàn, nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Điều quan trọng là cần nhận thức rõ đây không phải tự nhiên có được mà là kết quả của cộng đồng trách nhiệm và do cơ quan, đơn vị thực hiện là chủ yếu.
Đời sống người lao động, trong đó có đời sống của đoàn viên và đoàn viên cũng có quyền lợi riêng do tổ chức Công đoàn chăm lo vì nghĩa vụ của đoàn viên với tổ chức Công đoàn. Đời sống người lao động bao gồm mọi mặt sinh hoạt của con người, vừa có nhu cầu chung, vừa có cái riêng phụ thuộc vào lao động tập trung hay phân tán; đơn vị sản xuất, dịch vụ hay cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp; giữa các vùng miền và có cả những hoàn cảnh đặc biệt, đòi hỏi Công đoàn phải đi sâu vào các vấn đề cụ thể, phải đảm bảo thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn. Đây cũng là mục đích chung của phát triển kinh tế-xã hội đối với nhân dân, trong đó có người lao động, được phân cấp trách nhiệm theo luật pháp, nên các cấp Công đoàn cần nắm vững, thực hiện tốt vai trò tham gia xây dựng chế độ chính sách sát hợp.
Cán bộ Công đoàn và các nhà hảo tâm tỉnh Bắc Giang chuẩn bị các suất ăn để tiếp tế cho công nhân lao động trong khu cách ly do COVID-19
Trong phạm vi doanh nghiệp, đời sống người lao động do kết quả sản xuất kinh doanh quyết định, nhưng giải quyết đúng vấn đề cấp bách trong đời sống người lao động sẽ có tác động trở lại sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp phải có chính sách chăm sóc cho nguồn nhân lực của mình.
Mặt khác, lợi ích của người lao động không thể cao hơn kết quả của kinh tế và năng lực đóng góp của người lao động, đồng thời còn phải tích lũy xã hội cho phát triển, đây là sự khác biệt về quan điểm của chủ nghĩa Công đoàn và Công đoàn cách mạng.
Tiền lương, tiền thưởng, việc làm bền vững, điều kiện làm việc, bữa ăn giữa ca, phúc lợi xã hội... là lợi ích thiết thực của người lao động và cũng là vấn đề của bản thân sản xuất, được giải quyết cơ bản là ở cơ sở thông qua hội nghị cán bộ công chức, đối thoại, thỏa ước lao động tập thể. Do vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất của Công đoàn cơ sở cần thực hiện để bảo vệ, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đó là chú trọng, thường xuyên nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp, với mục tiêu có công đoàn cơ sở doanh nghiệp thì nơi đó có thỏa ước lao động tập thể chất lượng.
Trước khi tiến hành thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể tại doanh nghiệp, các uỷ viên Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở cần tập trung cung cấp thông tin, hướng dẫn, tư vấn về quyền và nghĩa vụ của người lao động, chế độ, chính sách, pháp luật dành cho người lao động; ghi nhận tâm tư, nguyện vọng, thực trạng đời sống, việc làm của người lao động; xin ý kiến định hướng của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, thảo luận dân chủ, thống nhất nội dung đối thoại với người sử dụng lao động.
Việc xin ý kiến định hướng của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở rất cần thiết, nhất là vấn đề tiền lương và điều kiện làm việc. Thông tin về tiền lương, yêu cầu kỹ thuật ngành nghề do Công đoàn ngành cung cấp; mặt bằng thu nhập do Công đoàn địa phương cung cấp; kết hợp với điều kiện cụ thể của doanh nghiệp là cơ sở để Công đoàn cơ sở thương lượng, đảm bảo tính sát thực hơn.
Việc thực hiện tốt thoả ước lao động tập thể cũng là khâu quan trọng, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở cần giám sát chặt chẽ để đảm bảo nội dung thỏa thuận được thực thi, nhưng cũng phải đồng hành với người sử dụng lao động, nhất là khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Công đoàn cơ sở, người lao động cũng cần có sự chia sẻ trong khả năng cho phép; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung thỏa ước lao động tập thể để người lao động hiểu rõ giá trị của những điều khoản đã được ký kết, trân trọng những nội dung đã được thương lượng và đạt sự đồng thuận, từ đó sẽ nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong lao động, góp phần phát triển doanh nghiệp bởi lẽ, chỉ có sự phát triển bền vững của doanh nghiệp mới cho phép thực hiện một cách tốt nhất những quyền lợi của người lao động.
Chất lượng cuộc sống của người lao động có được còn từ sự tổng hợp của nhiều hoạt động đại diện người lao động của tổ chức Công đoàn để mang lại nhiều lợi ích hơn phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Ở tầm quốc gia, Công đoàn tích cực tham gia xây dựng các chính sách, chế độ, tiền lương tối thiểu vùng làm nền tảng cho Công đoàn cơ sở thương lượng.
Ở cấp địa phương là các chính sách phúc lợi xã hội, nhất là vấn đề nhà ở, chính sách y tế, giáo dục, đào tạo lại nghề nghiệp, đi lại... và tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật của doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp lao động tập thể, cá nhân. Trong phạm vi tổ chức Công đoàn, cần có hoạt động nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần; kết hợp chính sách nghỉ dưỡng và tái tạo sức lao động.
"Làm cán bộ Công đoàn là phải dũng cảm, dám hy sinh quyền lợi của cá nhân mình vì lợi quyền công nhân lao động, không được thỏa hiệp nhưng cũng không quá cứng nhắc. Phải mềm dẻo nhưng không trái với các quy định của pháp luật, kiên quyết nhưng không quá khích” - Chủ tịch Tổng công đoàn Việt Nam Nguyễn Văn Linh dặn dò.
Điều quan trọng nhất để đảm bảo cho người lao động được chăm lo tốt nhất là ở doanh nghiệp trên cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Điều kiện tốt nhất để người lao động đạt được kỳ vọng trong cuộc sống là trình độ chuyên môn nghề nghiệp và khả năng thích ứng về nghề nghiệp của người lao động.
Cán bộ Công đoàn ngành Y tế Sơn La phối hợp với các lực lượng tiếp nhận nhu yếu phẩm thiết yếu để trực tiếp chuyển tới cán bộ y tế đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Ở doanh nghiệp, bên cạnh hoạt động của Công đoàn cơ sở tham gia duy trì việc làm ổn định cho người lao động, ổn định tình hình quan hệ lao động là hoạt động góp phần tăng năng suất lao động, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt hơn, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động lựa chọn tổ chức các phong trào thi đua đảm bảo tính thiết thực, thu hút đông đảo người lao động tham gia; đồng thời, có chính sách động viên vật chất, tinh thần cho các cá nhân có thành tích xuất sắc và chế độ tiền thưởng cho những người lao động từ kết quả tăng năng suất lao động của phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”.
Nhiệm vụ cấp thiết của Công đoàn là không để người lao động rơi vào hoàn cảnh khốn khó. Muốn vậy, Công đoàn cơ sở cần giúp người lao động biết tính toán việc chi tiêu trong gia đình, đề phòng lối sống xa hoa, phô trương, lãng phí và chống tư tưởng ỷ lại vào Đảng, Nhà nước; các cấp Công đoàn quan tâm giải pháp giúp người lao động tiết giảm chi phí sinh hoạt, tổ chức đời sống của mình để có tích lũy. Khi người lao động, nhất là đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, kể cả trong ngắn hạn hay dài hạn thì các cấp Công đoàn cần có sự quan tâm chăm lo kịp thời, chủ động trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm, thể hiện tinh thần đoàn kết sẻ chia.
Nhiều người lao động đang mong muốn Công đoàn thực hiện nhiều hơn nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Bên cạnh việc đối thoại, thương lượng xây dựng, thực hiện thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế, thang bảng lương… còn có những việc làm cũng đảm bảo thực hiện quyền lợi hợp pháp của người lao động, như tham gia giải quyết tốt thắc mắc, đơn khiếu nại, thống nhất thông tin về nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, thời hạn trả tiền lương, tiền thưởng… của người sử dụng lao động cho người lao động.
Khó khăn hơn là tham gia hòa giải, trọng tài lao động, tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động khi doanh nghiệp nợ lương, phá sản, chủ bỏ trốn… đòi hỏi cán bộ Công đoàn các cấp không ngại gian khổ, vất vả, luôn kiên trì, thậm chí còn hy sinh về thời gian, tài chính cá nhân để thực hiện thu thập hồ sơ, thủ tục khởi kiện và đeo bám thi hành án vì nhiều người lao động không còn làm việc tập trung tại đơn vị.
4. Hoạt động Công đoàn theo nguyên tắc vận động quần chúng đặc thù, nguyên tắc tập trung dân chủ
Công đoàn là tổ chức của một lực lượng quần chúng trong xã hội nên phương thức hoạt động phải đảm bảo yêu cầu phổ quát của phương thức vận động quần chúng. Công đoàn cơ sở thực sự vững mạnh một khi thu hút được tuyệt đại đa số đoàn viên tham gia hoạt động Công đoàn, tự giác chịu sự lãnh đạo của Công đoàn.
Công đoàn là tổ chức có tính đặc trưng nên phải có phương thức hoạt động sát hợp chức năng đại diện bảo vệ, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Hoạt động Công đoàn đặt trong sự vận động của xã hội nên phương thức hoạt động không ngừng được hoàn thiện, phát triển từ sự khắc phục hạn chế trong thực tiễn; phát huy được tiến bộ của xã hội như trình độ dân trí của người lao động, quy định của pháp luật, sự vận động của nền kinh tế và tình hình kinh tế của đoàn viên, sự phát triển của khoa học công nghệ… nhưng quan trọng nhất là thể hiện sâu sắc đặc trưng, bản chất của tổ chức - đó là cuộc sống của người lao động trong mối quan hệ với người sử dụng lao động; quy định pháp luật; chính sách của Đảng, Nhà nước, trung ương và địa phương. Do đó, hoạt động Công đoàn cơ sở phải tuân theo nguyên tắc tập trung dân chủ và chế độ thông tin, báo cáo, thỉnh thị cho Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để tránh việc lạm quyền hoặc theo đuôi quần chúng lạc hậu, hoạt động không đúng quy định pháp luật.
5. Xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn công đoàn cơ sở, nhất là Chủ tịch Công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Hoạt động Công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước có áp lực rất lớn từ nhiều phía, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ trung tâm của tổ chức Công đoàn. Bên cạnh quy định của pháp luật, cán bộ Công đoàn cơ sở không chỉ có ý thức, quyết tâm chính trị; năng lực ngang tầm, phẩm chất đạo đức trong sáng mà cần cả tinh thần dũng cảm, kiên trì và thái độ kiên quyết mới làm sáng rõ vai trò đối trọng của công đoàn. Vì vậy, cần khắc ghi, vận hành tốt lời dặn dò của đồng chí Chủ tịch Tổng công đoàn Việt Nam Nguyễn Văn Linh: "Làm cán bộ Công đoàn là phải dũng cảm, dám hy sinh quyền lợi của cá nhân mình vì lợi quyền công nhân lao động, không được thỏa hiệp nhưng cũng không quá cứng nhắc. Phải mềm dẻo nhưng không trái với các quy định của pháp luật, kiên quyết nhưng không quá khích”.
Trong quá trình nâng cao chất lượng Công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước thì yêu cầu chuẩn chất của cán bộ Công đoàn rất quan trọng và Đại hội XII Công đoàn Việt Nam (năm 2018) xác định là: “Chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm”.
Đoàn viên công đoàn Thạch Hà (Hà Tĩnh) tham gia nấu ăn phục vụ cho các khu cách ly
Để cán bộ Công đoàn gắn bó hơn với tổ chức Công đoàn, vì đoàn viên, tổ chức Công đoàn phải có trách nhiệm chăm lo, bảo vệ cán bộ Công đoàn cơ sở. Trong thời gian tới, cần quan tâm xây dựng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở thực sự là thủ lĩnh của đoàn viên. Để làm được điều này, tổ chức Công đoàn nâng cao tiêu chuẩn đáp ứng mong đợi của đoàn viên, phải trưởng thành qua hoạt động Công đoàn là để lựa chọn ban đầu những cán bộ không chỉ cũng là người lao động mà đã thể hiện sự hiểu biết, cảm thông với nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người lao động; coi trọng các tiêu chí về nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, am hiểu pháp luật, nắm vững nguyên tắc hoạt động và có kỹ năng, phương pháp mềm dẻo, linh hoạt, được đa số đoàn viên tín nhiệm. Đổi mới các hình thức bầu cử, phát huy dân chủ để đông đảo đoàn viên Công đoàn được trực tiếp giới thiệu nhân sự, bầu cử ban chấp hành, bầu cử chủ tịch Công đoàn cơ sở.
Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Công đoàn trong hệ thống chính trị và điều kiện hoạt động Công đoàn trong tình hình mới; vai trò của Chủ tịch Công đoàn cơ sở trong tổ chức và hoạt động Công đoàn, trong tập hợp, thu hút đoàn viên, người lao động, giữ vững vai trò, vị trí của Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; làm rõ những thay đổi về môi trường hoạt động Công đoàn, tính đa dạng, phức tạp của quan hệ lao động; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động, kinh nghiệm lựa chọn nội dung hoạt động phù hợp để thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia và biện pháp thông tin, phối hợp ngăn chặn những phần tử lôi kéo, kích động gây mất ổn định doanh nghiệp.
Đặc biệt, các cấp Công đoàn quan tâm thực hiện chính sách chăm lo và các biện pháp bảo vệ đối với cán bộ Công đoàn cơ sở, nhất là Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ đối với cán bộ Công đoàn cơ sở không chuyên trách theo hướng đảm bảo quyền lợi gắn với trách nhiệm, khuyến khích vật chất và tinh thần.
Công đoàn tiếp tục nghiên cứu, tham gia xây dựng hoàn thiện hệ thống các quy phạm pháp luật về bảo vệ cán bộ Công đoàn cơ sở; đề xuất, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động và Công đoàn, kịp thời phát hiện, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý tập thể, cá nhân vi phạm hoặc các hành vi phân biệt đối xử khi tham gia công tác Công đoàn; thực hiện chính sách khả thi hỗ trợ cán bộ Công đoàn bị sa thải, mất việc làm do đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích, hợp pháp, chính đáng của đoàn viên.
Tóm lại, kết quả hoạt động Công đoàn suy cho cùng là chất lượng cuộc sống của người lao động được nâng cao cùng với sự phát triển của xã hội. Mục tiêu này sẽ trở thành hiện thực khi có sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa đề cao tinh thần cộng đồng trách nhiệm của đoàn viên với tăng cường tự chủ của Công đoàn cơ sở và cả hệ thống tổ chức Công đoàn vì Công đoàn cơ sở. Trong quá trình thực hiện, cán bộ Công đoàn phải nắm, hiểu được đoàn viên cần gì, qua đó từng bước đáp ứng mong muốn của của họ bằng những việc làm thiết thực, thấm sâu vào họ; nhiều đoàn viên được tham gia trực tiếp vào những hoạt động của Công đoàn mang lại hiệu quả cao để họ càng tin tưởng vào tổ chức Công đoàn.
Hoạt động Công đoàn gắn với nhu cầu phát triển, thu hút sự ủng hộ của người sử dụng lao động sẽ trở nên sâu bền, thể hiện vai trò Công đoàn rõ nét hơn, thật sự là tổ chức đại diện cho đoàn viên, người lao động. Có như vậy, mới làm sáng rõ vị trí, vai trò của Công đoàn cơ sở trong hệ thống tổ chức cũng như trong toàn bộ hoạt động của tổ chức Công đoàn. Từ đó, địa vị xã hội của Công đoàn Việt Nam được củng cố, phát triển sán lạn hơn.
Trần Thanh Hải
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
(Nguồn: laodong.vn)