[In trang]
Quy định của pháp luật xử lý đối với hành vi vi phạm bảo vệ thông tin người tiêu dùng
Thứ hai, 15/03/2021 - 11:15
Quy định của pháp luật xử lý đối với hành vi vi phạm bảo vệ thông tin người tiêu dùng
Trong thời đại kinh tế số hiện nay, việc một số đối tượng cố tình để lộ thông tin cá nhân của người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng bị đe dọa, quấy rối, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt. Vậy pháp luật Việt Nam có những quy định nào để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?
Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng được quy định tại Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau:
- Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
- Trường hợp thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm:
+ Thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng;
+ Sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý;
+ Bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng;
+ Tự mình hoặc có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác;
+ Chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Quy định việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 11 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) như sau:
- Cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, những hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin người tiêu dùng sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định tại Điều 46 Nghị định 98/2020/NĐ-CP như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Không thông báo rõ ràng, công khai với người tiêu dùng về mục đích trước khi thực hiện hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng theo quy định;
+ Sử dụng thông tin của người tiêu dùng không phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng mà không được người tiêu dùng đồng ý theo quy định;
+ Không bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ đối với thông tin của người tiêu dùng khi thu thập, sử dụng, chuyển giao theo quy định;
+ Không tự điều chỉnh hoặc không có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin không chính xác theo quy định;
+ Chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng theo quy định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại trên đối với trường hợp thông tin có liên quan là thông tin thuộc về bí mật cá nhân của người tiêu dùng.
Truy cứu trách nhiệm hình sự: 
Trong trường hợp những hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin người tiêu dùng gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Thanh Huyền tổng hợp