Lo Tết cho đoàn viên, công nhân ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất
Thứ tư, 03/03/2021 - 09:46
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 19 (khoá XII)
Chiều 2.3, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 19 (khoá XII) dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, hội nghị lần này tập trung thảo luận, cho ý kiến vào nội dung báo cáo tình hình quan hệ lao động và kết quả tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Ông Nguyễn Đình Khang đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo trên; đề xuất giải pháp nhằm phát huy chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn để chăm lo cho đoàn viên, người lao động, nhất là những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Trình bày tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, về cơ bản, tình hình quan hệ lao động trong phạm vi cả nước thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán tương đối ổn định, hài hòa, phát triển tích cực, có mặt tiến bộ hơn so với những năm gần đây.
Tính đến hết 22.2, cả nước xảy ra 35 vụ ngừng việc tập thể, đình công, giảm 12 cuộc so với dịp trước Tết năm 2020 (trước Tết xảy ra 34 cuộc, sau Tết xảy ra 1 cuộc). Tính chất, quy mô các cuộc ngừng việc tập thể, đình công không phức tạp so với các năm trước. Nguyên nhân ngừng việc chủ yếu liên quan đến việc trả lương, trả thưởng, thưởng Tết, phụ cấp, kế hoạch nghỉ Tết, lịch sản xuất…
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trình bày dự thảo báo cáo tình hình quan hệ lao động và kết quả tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021
Trước Tết, một số doanh nghiệp cho người lao động được nghỉ Tết sớm; một bộ phận người lao động đã lên kế hoạch về quê đón Tết nhưng vì lý do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, theo lời kêu gọi của Tổng Liên đoàn và các địa phương nên đã thay đổi kế hoạch, ở lại địa phương nơi làm việc đón Tết.
Sau Tết, từ ngày 17.2 (tức mùng 6 tháng Giêng), hầu hết người lao động ở các doanh nghiệp đã quay trở lại làm việc bình thường, tùy theo địa phương, tỷ lệ dao động từ 80% đến 95%. Đến ngày 22.2 (tức ngày 11 tháng Giêng), hơn 99% người lao động đã quay trở lại làm việc (trừ các địa phương, vùng, khu vực đang thực hiện cách ly vì dịch COVID-19).
Người lao động các ngành dệt may, gia giày, túi xách, điện tử, chế biến, nông nghiệp, công nghiệp... có tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường; trong khi một số ngành như du lịch, dịch vụ ăn uống, lưu trú, giải trí, hàng không có số lao động giảm, giãn thời gian làm việc, nghỉ luân phiên, nghỉ việc tạm thời và nghỉ việc nhiều.
Do nhận diện sớm và chính xác về những khó khăn của đoàn viên và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và thiên tai, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn kịp thời xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhất là nguồn kinh phí hỗ trợ từ chính quyền địa phương và người sử dụng lao động để tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên và người lao động.
Theo tổng hợp báo cáo của Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, tổng số đoàn viên và người lao động thụ hưởng từ các hoạt động chăm lo Tết năm 2021 là 4.983.965 người (tăng gần 1 triệu người so với năm 2020); tổng nguồn kinh phí hỗ trợ, tổ chức các hoạt động chăm lo là trên 6.636 tỉ đồng (tăng gần 28% so với năm 2020)…
“Hoạt động chăm lo Tết ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hướng tới chuyên nghiệp, tập trung cho cơ sở, gắn với nhiệm vụ theo dõi, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định; không để phát sinh những vụ việc phức tạp xảy ra. Đối tượng chăm lo Tết - 2021 có xu hướng mở rộng, đến các ngành, nghề dễ bị tổn thương, khu vực lao động phi chính thức… Đây là tiền đề hết sức quan trọng để tổ chức Công đoàn nghiên cứu, mở rộng phạm vi hoạt động, chăm lo, bảo vệ, phát triển đoàn viên, đáp ứng yêu cầu hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới - ông Ngọ Duy Hiểu đưa ra nhận định.
Bảo Hân - Hải Nguyễn (nguồn: laodong.vn)