Công đoàn Công Thương Việt Nam đã có Công văn số 236/TG-CĐCT ngày 15/5/2014 yêu cầu các cấp công đoàn trong Ngành, khẩn trương triển khai tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình hình tư tưởng của CNVCLĐ có hoạt động tham gia phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển, đảo nước ta.
Đầu tháng 5/2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng vài chục tàu, trong đó có nhiều tàu được trang bị vũ trang, vào vùng biển Việt Nam và hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế này của Trung Quốc đã gây phẫn nộ, tạo làn sóng phản đối mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước, cũng như dư luận quốc tế.
Cận cảnh tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu cảnh sát biển của Việt Nam gần vị trí hạ đặt giàn khoan Hd 981
Cùng với tầng lớp nhân dân, công nhân lao động trên cả nước, bằng nhiều cách thức khác nhau, đã tham gia biểu thị lòng yêu nước, phản đối hành động gây hấn nguy hiểm của Trung Quốc. Tuy nhiên, tại một số nơi, công nhân lao động đã có các hành động quá khích như: Tự ý bỏ việc, đập phá nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị… Đây là hành động không đúng pháp luật, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của bản thân người lao động.
Căn cứ Công văn số 618/TLĐ ngày 13/5/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tuyên truyền, vận động CNVCLĐ có hoạt động tham gia phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển, đảo nước ta, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã có Công văn số 236/TG-CĐCT ngày 15/5/2014 yêu cầu các cấp công đoàn trong Ngành, khẩn trương triển khai thực hiện một số công việc sau:
1. Chủ động báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương khi có những hành động quá khích của công nhân.
2. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế để công nhân lao động hiểu đúng tình hình, có các hành động đúng đắn, đồng thời bảo đảm hoạt động sản xuất - kinh doanh, chấp hành tốt pháp luật.
3. Phân công cán bộ bám sát cơ sở, theo dõi, nắm bắt tình hình CNVCLĐ, phát hiện những biểu hiện của một số đối tượng quá khích trà trộn vào để kích động công nhân lao động thực hiện các hành động cực đoan, không phù hợp quy định pháp luật; báo cáo cho cấp ủy cùng cấp, kịp thời giải thích, tuyên truyền, vận động CNVCLĐ chấp hành kỷ luật lao động, ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm, thu nhập; ngăn chặn các hành động đáng tiếc xảy ra.
4. Tạp chí, Bản tin, trang thông tin điện tử trong hệ thống Công đoàn thuộc ngành Công Thương, bên cạnh tuyên truyền, đấu tranh, phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc, cần tuyên truyền, định hướng cho cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ.
Đề nghị các cấp công đoàn trong Ngành, khi có công nhân lao động tham gia các hành động quá khích phải nắm bắt tình hình, báo cáo kịp thời, hàng ngày về:
Công đoàn Công Thương Việt Nam
Địa chỉ: 21 Ngô Quyền - Hoàn Kiếm - Hà Nội
Tel: (043) 9 348 922 / Fax: (043) 8 245 306
Văn phòng phía Nam: Tầng 02 số 12 Võ Văn Kiệt - Q.1 - Tp.Hồ Chí Minh
Tel / Fax: 083.9 151 017
Công văn số 236/TG-CĐCT (Tải file)
TH