[In trang]
Cần bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động
Thứ ba, 03/11/2020 - 16:17
Bà Trương Thị Mai cũng cho rằng, tổ chức Công đoàn cần phải thay đổi phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới.
Chiều 2.11, Hội nghị của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã thu hút nhiều ý kiến, trong đó có ý kiến nhấn mạnh cần bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động.
Bà Trương Thị Mai – Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng - phát biểu chỉ đạo hội nghị
Tham luận của ông Nguyễn Minh Dũng – Uỷ viên Đoàn chủ tịch, Trưởng Ban Tài chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đưa ra nhận định: Tiền lương thấp, thu nhập sẽ vẫn là bức xúc nhất của công nhân lao động trong những năm tới và sẽ chưa đảm bảo, cùng với chính sách sử dụng lao động thiếu bền vững của nhiều doanh nghiệp sẽ dẫn đến sự biến động lao động lớn, số lao động di chuyển, thất nghiệp, tìm kiếm việc làm mới, chấm dứt quan hệ lao động tăng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho số người chấm dứt hợp đồng lao động tăng cao trong những năm tới.
Để nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, công nhân lao động sẽ vẫn phải làm việc rất vất vả, thời gian kéo dài, hy sinh việc chăm sóc con cái, nghỉ ngơi, ảnh hướng xấu đến sức khoẻ trước mắt và lâu dài.
Công nhân lao động sẽ rơi ngay vào tình cảnh “nghèo khó, túng quẫn” khi họ gặp những cú sốc dù nhỏ, hoặc nghỉ làm việc ít ngày và ngay cả khi không làm thêm giờ. Đặc biệt, những gia đình công nhân lao động đang nuôi con hoặc phụng dưỡng cha mẹ… thì phải sống rất kham khổ, phải sử dụng các sản phẩm – dịch vụ rẻ tiền, kém an toàn… nhằm tiết kiệm tối đa chi phí. Vì thế, công nhân lao động sẽ không có điều kiện để vui chơi, giải trí, hưởng thụ đời sống văn hoá – tinh thần.
Ông Trần Quang Huy – Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam – cho rằng, việc làm bền vững là tổng hợp khát vọng của con người đối với quá trình lao động, làm việc. Trước thực tế Việt Nam còn đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, kỹ thuật bậc cao, thiếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm, ông Huy đề nghị nhiều giải pháp, trong đó cần cải cách chính sách tiền lương, tạo cơ hội việc làm năng suất cao, mang lại thu nhập xứng đáng, bảo đảm ổn định, an toàn nơi làm việc và gắn với an sinh xã hội cho người lao động và gia đình họ…
Theo ông Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - những ý kiến góp ý tại hội nghị hết sức sâu sắc, không chỉ giúp hoàn thiện nội dung góp ý văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII mà còn định hướng, gợi mở những vấn đề mới, những giải pháp để tổ chức Công đoàn nghiên cứu, bổ sung, định hướng trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam cũng như chuẩn bị chương trình hành động, sớm đưa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn phong trào công nhân và hoạt động công đoàn.
Ông Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - phát biểu tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Trương Thị Mai – Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng - đánh giá những ý kiến tại hội nghị đều rất tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, mang tinh thần xây dựng. Các ý kiến tập trung vào những vấn đề, như: Đề nghị phải thể hiện sâu sắc hơn, đầy đủ hơn quan điểm về giai cấp công nhân; nêu lên nhiều vấn đề cụ thể về giai cấp công nhân; công tác xây dựng Đảng; vai trò của tổ chức Công đoàn trong xây dựng giai cấp công nhân trước bối cảnh tình hình mới…
Bà Trương Thị Mai cho rằng, các vấn đề về giai cấp công nhân phải phù hợp với cương lĩnh, quan điểm của Đảng về giai cấp công nhân, nhưng phải có kế thừa, đổi mới. Ban chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng sẽ tổng hợp và tiếp thu các ý kiến tại hội nghị.
Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh, trong thời gian tới tổ chức Công đoàn cần làm tốt vai trò đại diện, bởi nếu làm tốt, Công đoàn sẽ là lựa chọn đầu tiên của người lao động, từ đó phát triển tổ chức Công đoàn, kết nạp đoàn viên mới. Cùng với đó, Công đoàn phải là cầu nối quan trọng của Đảng với người lao động để truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người lao động và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động tới Đảng, Nhà nước.
Bà Trương Thị Mai cũng cho rằng, tổ chức Công đoàn cần phải thay đổi phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới.
Bảo Hân - Hải Nguyễn (nguồn: laodong.vn)