Ngôi nhà bình dị dưới tán lá của những cây ăn trái nằm cạnh đồi C5, trận địa pháo cao xạ bảo vệ khu Gang thép Thái Nguyên thời chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ là nơi cư trú của gia đình hai bác Bế Ích Bào và Nguyễn Thị Vinh, hai chiến sĩ Điện Biên năm xưa, hai đảng viên 67 và 65 tuổi đảng, nay đều ở tuổi gần 90, vẫn minh mẫn, vui vẻ kể về một thời máu lửa…
…Ngay sau ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (tháng 12-1945), nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, lúc đó 19 tuổi, tôi tình nguyện nhập ngũ…Thời gian đầu tham gia tiễu phỉ ở vùng Cao Bằng, rồi chống lính Pháp nhảy dù xuống đất Phú Thọ và tham gia các chiến dịch bảo vệ Tây Bắc…Sau đợt chỉnh huấn năm 1953 ở Thanh Hóa, tôi được điều về Đại đội 180 vận tải, Sư đoàn 316 làm Chính trị viên, tham gia chiến dịch Trần Đình (Đông Xuân 1953-1954). Đại đội có 200 cán bộ chiến sĩ và 65 con ngựa và lừa, có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí đạn dược, lương ăn phục vụ chiến dịch, bám sát trận địa, tiếp quản, thu dọn chiến trường sau mỗi trận đánh - Bác Bế Ích Bào chia sẻ. “…Ngày ấy ta đặt tên chiến dịch Trần Đình là để giữ bí mật, đánh lạc hướng kẻ thù, vì lúc này quân Pháp đã biết Điện Biên Phủ rồi, chúng điều quân từ đồng bằng lên đông lắm, nhưng do bị bất ngờ nên chúng vẫn thua”.
Kéo pháo - những hình ảnh của chiến công huyền thoại
Ký ức không quên
Có lẽ ký ức Điện Biên đang ùa về, bác Bào hào hứng… Điện Biên Phủ những ngày ấy mưa to lắm, đất đá bị đạn pháo cầy xới tơi tả, dưới chiến hào bùn lầy nước đọng ngang ống chân. Phát hiện có thương binh là bất kể quân cán hò nhau lao lên, cứ hai người một cáng. Chạy trên mặt đất thì lộ địch sẽ bắn, phải chạy dưới chiến hào chật hẹp, lầy lội, trên đầu vẫn nghe đạn bay chiu chíu, người khiêng cứ vẹo đi để đỡ không cho cáng va vào bờ hào làm thương binh đau…
Có lần vào kho chiến lợi phẩm của Pháp thua chạy để lại, đồ hộp, hòm kín toàn in tiếng Pháp, bị hơi nóng của bom đạn phồng lên, lăn khắp nhà, bộ đội ta tò mò dùng lưỡi lê đâm thủng, áp suất từ trong các hộp bất ngờ phụt bắn tung tóe, một số anh em giật mình…Tôi biết chút tiếng Pháp, chạy đến đọc mới hay đó là các thùng đỗ xanh, lương khô, thịt hộp, đồ uống…Tất cả hể hả “liên hoan” một bữa ra trò, có anh em còn bóc gói giấy nilon tưởng bánh, ăn thấy hăng hăng và đắng, hóa ra đó là xăng khô…
Tấn công các vị trí xung yếu của địch trên dồi A1
Dẫn giải tù binh Pháp
…Đận ấy đơn vị tôi được giao dẫn giải mấy chục tù binh Pháp từ Điện Biên Phủ về Thanh Hóa, dễ đến mấy trăm cây số đường rừng, chính sách của ta dù khó khăn mấy vẫn bảo đảm ăn uống, thuốc men cho tù binh Pháp trong những ngày đi đường. Bọn chúng không quen đi bộ chân đất, đường núi thì đất đá lởm chởm, chúng dắt díu nhau, chống gậy lê từng bước rất chậm, kêu la xì xồ…Anh em bộ đội ta cố gắng ra hiệu, giục giã, nhưng chúng vẫn ì ra, có thằng tù binh ăn vạ đòi được nằm trên cáng như những thằng bị thương…
Thấy thế, tôi động viên mấy câu bằng tiếng Pháp, nó hiểu đứng dậy cố lê đi. Chúng nó biết tôi nói được tiếng Pháp, dọc đường mấy thằng tù binh bắt quen, nói chuyện, nó bảo: “Chúng tôi biết các ông sẽ thắng, vì các ông có súng của Sta-lin…”. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta dùng Ca-chiu-sa của Liên Xô giúp, nó biết mà…
Tự hào nhìn lại
Là người dân tộc Tày ở thị xã Cao Bằng, tháng 12-1945 vào bộ đội, đến tháng 1/1947 anh lính trẻ Bế Ích Bào được kết nạp vào Đảng; năm 1953 đến 1957 liên tục làm chính trị viên từ Đại đội 180 vận tải, sang đơn vị Quân y tiền phương (Sư đoàn 316). Sau giải phóng Điện Biên (7-5-1954), ông được cấp trên điều về tiếp tục làm chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn 82, Sư đoàn 351 (Bộ Tư lệnh pháo binh) ở sân bay Tông, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội) tham gia chỉ huy huấn luyện sử dụng loại pháo chống tăng mới và hiện đại lúc bấy giờ do Liên Xô mua của Đức viện trợ cho ta…
Ông Bế Ích Bào và bà Nguyễn Thị Vinh kỷ niệm ngày cưới năm 1956
Ông Bào cười “bật mí” về đời tư rằng, thời gian ở đơn vị Quân y, ông gặp và làm thân với nữ y tá Nguyễn Thị Vinh (vợ ông bây giờ)… Năm 1956, đơn vị của ông từ Sơn Tây vào tận Thanh Hóa cùng đơn vị quân y của cô Vinh, tổ chức lễ cưới cho hai người. Sau cô Vinh được cấp trên cho chuyển công tác ra viện 5 (Sơn Tây), nay là Viện Quân y 105 và ngày 9/5/1957 đứa con trai đầu lòng của chúng tôi ra đời ở đây…
Cuối năm 1958, Thượng úy, Chính trị viên đại đội Bế Ích Bào được chuyển ngành về Bộ Công nghiệp, đi học, làm giáo viên Trường nghiệp vụ kế toán tài chính ở bãi Phúc Xá bên bờ sông Hồng (Hà Nội bây giờ), hằng tuần vẫn đạp xe hơn 40 cây số về Sơn Tây với vợ con…
Đầu năm 1961, Công ty Gang thép Thái Nguyên chuẩn bị vào sản xuất. Trung tướng Đinh Đức Thiện, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp kiêm Giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên xin đích danh ông Bào về làm Kế toán trưởng Công ty. Sau đó Trung úy Quân y Nguyễn Thị Vinh từ Sơn Tây cũng được chuyển ngành về làm y tá điều trị ở Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên…Đến năm 1986, ông Bào được Bộ Tài chính chọn cử đi làm chuyên gia tài chính ở Ăng-gô-la nhiệm kỳ 5 năm… Tháng 10/1991 ông về nước và nghỉ hưu ở tuổi 65.
Ông Bào và bà Vinh cùng con cháu Xuân 2005
Ông Bào và bà Vinh đều là chiến sĩ Điện Biên năm xưa, hiện sống cùng các con, cháu, chắt nội ngoại ở phường Trung Thành, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên… Mới đây ông bà cùng đoàn cựu chiến sĩ Điện Biên được phường Trung Thành tổ chức chuyến “thăm lại chiến trường xưa” qua 10 tỉnh của Tây Bắc, Việt Bắc, rồi trở về Thái Nguyên… Vui và xúc động lắm! Nhất là khi tới thành phố Điện Biên, vào thắp hương cho đồng đội ở nghĩa trang liệt sĩ, ai cũng ngậm ngùi, ngân ngấn…được đến thăm các khu di tích lịch sử cách mạng ở Nghĩa Lộ, Tuyên Quang và các công trình hiện đại của thời kỳ đất nước đổi mới.
Đào Thành Lạng
Nguyên cán bộ Nhà Văn hóa Công ty Gang thép Thái Nguyên