CNVCLĐ ngành Công Thương trong hành trình 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới
Thứ hai, 20/04/2020 - 11:07
Năm 2020 có ý nghĩa quan trọng đối với quyền bình đẳng giới
Năm 2020 có ý nghĩa quan trọng đối với quyền bình đẳng giới. Đây là năm thế giới kỷ niệm 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Bắc Kinh - một trong những văn kiện toàn diện nhất về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Trong nước, là năm cuối thực hiện Chiến lược quốc gia đầu tiên về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; Tổng kết 10 năm thực hiện công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai đoạn 2010-2020.
Những kết quả nổi bật trong ngành Công Thương
Để triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, CĐCTVN đã ban hành 2 Kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020. Mục đích của các Kế hoạch này nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, sự phối kết hợp giữa các cấp công đoàn để hoàn thành mục tiêu của Chiến lược và đưa Luật bình đẳng giới vào cuộc sống, thể hiện quyết tâm của toàn Ngành trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bình đẳng giới; Nâng cao chất lượng công tác lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn, tạo mọi điều kiện để nữ CNVCLĐ được tham gia và thụ hưởng quyền bình đẳng như nam giới. Kế hoạch đề ra 3 nội dung trọng tâm là: Tuyên truyền phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật; Nâng cao năng lực thực hiện công tác bình đẳng giới; Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình của Thủ tướng Chính phủ, TLĐLĐVN, Bộ Công Thương về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ.
Ở giai đoạn 2011-2015, các cấp công đoàn trong Ngành đã tổ chức 3.225 cuộc tuyên truyền và lồng ghép tuyên truyền công tác bình đẳng giới với trên 94.000 lượt người tham gia. Tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ công tác nữ công, vì sự tiến bộ phụ nữ cho 8.100 lượt cán bộ công đoàn và cán bộ nữ công. Các phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ, đặc biệt là phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được cụ thể hóa nội dung, tiêu chuẩn phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, của ngành, thu hút đông đảo lao động nữ tham gia. Từ phong trào đó, hơn 500 nữ CNVCLĐ đã được khen thưởng cao từ Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên, 250.000 lượt nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “ Giỏi việc nước, đảm việc nhà” các cấp, chiếm tỷ lệ 83%. Nhận thức của CNVCLĐ về bình đẳng giới đã có chuyển biến tích cực, đi vào thực chất góp phần đáng kể hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu về quyền bình đẳng của lao động nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm và chăm sóc sức khỏe…
Theo kế hoạch của CĐCTVN, tổng kết 10 năm phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và lồng ghép đánh giá kết quả triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tại công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở trực thuộc hoàn thành trước 31/5/2020; Cấp công đoàn ngành trước 31/7/2020. Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” là điểm sáng của công tác bình đẳng giới và đã thực sự trở thành động lực, mục tiêu để lao động nữ phấn đấu trở thành người phụ nữ Việt Nam hiện đại, đủ sức gánh vác công việc ngoài xã hội và trong gia đình. Lẽ ra dịp tổng kết này sẽ là ngày hội của lao động nữ nói riêng và của toàn thể CNVCLĐ tại các đơn vị nói chung.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp mọi nơi, ảnh hưởng đến tất cả mọi tầng lớp, mọi ngành và mọi quốc gia trên thế giới. Chấp hành nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 cũng như để đảm bảo tiến độ thời gian theo quy định, nhiều CĐCS trong ngành Công Thương đã lựa chọn giải pháp thông qua báo cáo tổng kết phong trào trong BCHCĐ và gửi bản tóm tắt đến mỗi đoàn viên tại đơn vị. Chính vì vậy, chúng ta có thể thấy thiếu vắng những hoạt động tập thể, những hình ảnh lao động nữ thướt tha cùng tà áo dài trong dịp đặc biệt này nhưng sự đóng góp to lớn, những cố gắng vươn lên, những thành tích đạt được bằng nỗ lực, mồ hôi và đôi khi là cả những giọt nước mắt của biết bao lao động nữ trong Ngành không vì thế mà không được ghi nhận và suy tôn xứng đáng. Vẫn biết rằng con đường mang tên “bình đẳng” không dễ nhưng lao động nữ vẫn cần phải tự mình bước qua để khẳng định vị thế, vai trò của bản thân đối với gia đình, xã hội. Và trên hành trình ấy, các cấp công đoàn trong Ngành sẽ luôn bảo vệ, hỗ trợ, tạo điều kiện để lao động nữ có cơ hội đóng góp, thụ hưởng bình đẳng những thành quả phát triển cuả đơn vị, của ngành, của non sông đất nước và cùng hướng tới một mục tiêu cao đẹp về xã hội Việt Nam công bằng, dân chủ, văn minh.
Một số gợi mở hoạt động trong thời gian tới
Công tác bình đẳng giới và phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong ngành Công Thương 10 năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Để định hướng nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tiếp theo, từ thực tiễn hoạt động, CĐCTVN gợi mở một số vấn đề trong và ngoài Ngành cần trao đổi như sau:
Thứ nhất, cần loại bỏ dần sự “tự nguyện” không xuất phát từ mong muốn. Mặc dù các cấp công đoàn đã chủ động, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ và kết quả cho thấy hầu hết các đơn vị đều đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên vẫn còn một số lao động nữ nhất là lao động trực tiếp sản xuất dù biết khá rõ các quy định bảo vệ sức khỏe nhưng vẫn phải “đồng thuận” từ bỏ quyền của mình như không nghỉ 30 phút/ngày trong kỳ kinh nguyệt, không nghỉ hết 05 ngày khám thai trong thai kỳ, không nghỉ đủ 60 phút thời gian làm việc/ngày khi nuôi con dưới 12 tháng tuổi… Vấn đề ở đây là sự “tự nguyện” không xuất phát từ mong muốn, nguyện vọng của lao động nữ. Nó đến từ nỗi lo không đạt năng suất, bị trừ lương hay bị quản lý phàn nàn. Câu hỏi đặt ra liệu các đoàn kiểm tra có bỏ qua những “tự nguyện” làm trái luật? Lao động nữ cần tổ chức đại diện cho mình có đủ vị thế, sức mạnh, kiến thức pháp lý để thương thuyết với doanh nghiệp, để họ được hưởng đầy đủ quyền lợi của mình mà không cảm thấy đang hành xử khác lạ với đồng nghiệp, hay tệ hại hơn là bị nhìn nhận làm ảnh hưởng đến năng suất lao động của cả bộ phận.
Thứ hai, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong ngành Công Thương cũng như trong cả nước đã tạo môi trường để nữ CNVCLĐ phát huy tài năng, sức sáng tạo, giúp chị em rèn luyện bản lĩnh, nâng cao nhận thức chính trị, xây dựng lối sống văn hóa và đạo đức nghề nghiệp. Theo số liệu tổng hợp của TLĐLĐVN, hàng năm có trên 95% nữ CNVCLĐ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu này... Không thể không ghi nhận những tác động hết sức tích cực của phong trào cũng như phủ nhận độ khó toàn diện được toát lên từ chính cái tên của nó nhưng có lẽ chúng ta cần cân nhắc việc trao tặng số lượng lớn tới mức chính danh hiệu lại là mặt bằng chung thì e rằng sẽ làm giảm ít nhiều chức năng vinh danh vốn có. Bởi vì công năng đúng đắn của danh hiệu chỉ đạt được nếu nó thực sự tạo ra niềm tự hào từ bên trong.
Thứ ba, trong một báo cáo xếp hạng chỉ số bình đẳng giới đầu năm 2020 được công bố bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Philippines đứng thứ 16 trên thế giới. Quốc gia này có khoảng cách giới nhỏ nhất ở châu Á thời điểm hiện tại. WEF lựa chọn hiệu ứng “Hình mẫu tiêu biểu” để đánh giá vì sao Philippines lại thành công trong việc thu hẹp bất bình đẳng giới hơn quốc gia khác. Đây là hiệu ứng mô tả một cá nhân có thể là người truyền cảm hứng, là hình mẫu của sự thành công, thúc đẩy nhiều người khác mong muốn và tin rằng họ cũng có thể đạt những thành tựu tương tự. Liên hệ trong quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã có rất nhiều lao động nữ tiêu biểu, cán bộ nữ công tiêu biểu được vinh danh. Tuy nhiên cần chú trọng xây dựng tiêu chuẩn cụ thể và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến để tránh thực tế nhiều lao động nữ tiêu biểu được vinh danh ở cấp cao lại ít được tập thể người lao động tại đơn vị biết hơn khi vinh danh tại cấp cơ sở.
Thứ tư, bên cạnh các vấn đề nêu trên, công tác báo cáo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tổng kết và rút ra bài học kinh nghiệm cho từng giai đoạn hoạt động. Hơn thế nữa, báo cáo phản ánh đầy đủ, trung thực tình hình thực tế sẽ tạo môi trường chính xác để ban hành các chiến lược, mục tiêu phù hợp cho giai đoạn tiếp theo. Theo số liệu CĐCTVN tổng hợp từ các CĐCS trực thuộc, nhiều năm liền không có trường hợp lao động nữ bị bạo lực. Trong khi theo một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc tại VN, 10 năm qua có đến một phần ba số người vợ đã từng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Lý giải cho sự chênh lệch này rất có thể một phần là do công tác tuyên truyền để thay đổi khuôn mẫu giới chưa hiệu quả, nhiều định kiến vẫn tồn tại trong nữ CNVCLĐ như cam chịu, sợ ảnh hưởng thi đua của tập thể, sợ thua kém đồng nghiệp và cũng có thể là do họ chưa tin tưởng sẽ nhận được sự đáp ứng kịp thời, một cách có kỹ thuật từ các cơ quan chức năng trong đó có tổ chức công đoàn. Trong thời gian tới, các cấp công đoàn cần chủ động đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, truyền thông về bình đẳng giới, tập trung vào các vấn đề nổi cộm như bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em để từng bước “phá vỡ văn hóa im lặng đang cản trở nữ giới trong việc tố cáo các trường hợp bạo lực” (UNDP VN) và cần phải đảm bảo rằng họ sẽ nhận được sự bảo vệ an toàn và hiệu quả.
Thay lời kết, bình đẳng giới không phải là vấn đề riêng của lao động nữ mà là vấn đề kinh tế, vấn đề cộng đồng. Bằng cách chỉ ra những tồn tại, vướng mắc, chung tay hoàn thiện con đường hiệu quả để khuyến khích và tôn vinh sự đóng góp của lao động nữ thì mỗi cá nhân, mỗi tập thể có thể mang đến sự phát triển tích cực trong vấn đề bình đẳng giới, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn trong tương lai. Hy vọng rằng CNVCLĐ ngành Công Thương sẽ tích cực hưởng ứng chiến dịch năm 2020 của Liên Hợp Quốc với chủ đề “Mỗi người vì sự bình đẳng” (#EachForEqual) để những giấc mơ đẹp đẽ của bình đẳng giới thành hiện thực, để lao động nữ nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung được hưởng một cuộc sống hạnh phúc.
Đinh Lan Phương