[In trang]
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Không để các tác động tích cực từ EVFTA bị ảnh hưởng
Thứ năm, 27/02/2020 - 11:03
Bộ Công Thương cần phát huy đến mức cao nhất hiệu quả các cam kết của EVFTA
Trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ sớm có hiệu lực ngay trong năm 2020, các nội dung trong Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA của Bộ Công Thương cần phát huy đến mức cao nhất hiệu quả các cam kết của EVFTA.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh yêu cầu này tại buổi làm việc với lãnh đạo các đơn vị chức năng về Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA của Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 26/2/2020, tại Hà Nội.
Báo cáo của Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) tại buổi làm việc, nội dung phê chuẩn Hiệp định EVFTA đã được đưa vào chương trình họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra từ ngày 13 - 17/4/2020.
Trong trường hợp Quốc hội phê chuẩn EVFTA tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5 và tháng 6 tới và Hội đồng châu Âu hoàn tất việc ký duyệt trong khoảng thời gian nói trên, EVFTA có khả năng có hiệu lực ngay trong tháng 7/2020.
Liên quan đến công tác xây dựng văn bản pháp luật để thực thi EVFTA, tổng số văn bản quy phạm pháp luật được kiến nghị sửa đổi là 4 gồm 2 luật, 1 nghị định và 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cùng đó sẽ ban hành mới 4 nghị định. Tổng số các cam kết, nhóm cam kết đề nghị áp dụng trực tiếp là 12. Các văn bản do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng và ban hành gồm 1 nghị định của Chính phủ về hàng tân trang (dự kiến có hiệu lực sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực), Bộ Công Thương được giao xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ định cơ quan đầu mối để thực thi EVFTA cũng như các chương của Hiệp định.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đọa tại buổi họp 
Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị Thủ tướng giao các Bộ triển khai ngay các văn bản quan trọng và cấp thiết liên quan đến Hiệp định. Trong đó, Bộ Tài chính xây dựng Nghị định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính xây dựng thông tư về xác định và xác minh xuất xứ hàng hóa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng văn bản hướng dẫn thực thi về mua sắm Chính phủ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng văn bản về hướng dẫn quy trình đăng ký chứng nhận loại gạo xuất khẩu vào EU để hưởng ưu đãi hạn ngạch thuế quan.
Theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), hiện dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ đã được đưa vào hồ sơ trình Chính phủ về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Trên cơ sở dự thảo này, Vụ Chính sách thương mại đa biên đã dự thảo Kế hoạch thực hiện của Bộ Công Thương với các nhóm nhiệm vụ chính được chia thành hai giai đoạn là năm 2020 và 2021 - 2025.
Các nhóm nhiệm vụ đó là: Vây dựng pháp luật, thể chế; công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường các nước đối tác của EVFTA; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; điều phối và tham gia các hoạt động của Ủy ban Thương mại của EVFTA, các Ủy ban chuyên môn của EVFTA và các hoạt động liên quan; chủ trương và chính sách đối với các tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nêu lên 3 vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong việc xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ cũng như Kế hoạch thực thi Hiệp định của Bộ Công Thương.
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vu Chính sách thương mại đa biên - báo cáo tại buổi họp
Một là, cần đẩy nhanh quy trình hoàn tất các thủ tục pháp lý từ nay đến kỳ họp sắp đến của Quốc hội. Việc phê chuẩn sớm Hiệp định cũng là yêu cầu từ phía đối tác EU. Theo Bộ trưởng, công tác này thời gian qua đã có sự chủ động tốt song khối lượng công việc còn lại là rất lớn trong khi thời gian khá gấp rút. “Đây là trọng tâm đầu tiên phải đạt kết quả tốt” - Bộ trưởng chỉ đạo.
Hai là, hoàn tất các nội dung phối hợp với các cơ quan của EU để Hiệp định EVFTA vận hành tốt ở cả hai bên, đồng thời xây dựng được cơ chế song phương trong giám sát và thực thi hiệp định. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, liên quan đến việc tổ chức giám sát việc thực thi, cần làm rõ vai trò của cơ quan đầu mối thực hiện. Đặc biệt Chương trình hành động cần bảo đảm tính khả thi, có hiệu lực pháp lý cao.
Ba là, tổ chức tốt việc thực thi và đưa hiệp định vào cuộc sống, nhất là khi xét đến bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới trong năm 2020. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu phải quyết tâm làm và làm cho được để EVFTA mang lại hiệu quả lớn ngay trong năm 2020.
“Chúng ta đã cam kết là một đối tác bình đẳng của EU thì không thể có chuyện xuê xoa trong thực hiện các cam kết. Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 rất lớn. Chính quyền phải hiểu rõ, doanh nghiệp cũng hiểu rõ cơ hội cùng áp lực từ EVFTA” - Bộ trưởng chỉ rõ.
Một mối quan tâm đặc biệt của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh liên quan đến thực thi Hiệp định EVFTA là công tác phổ biến, tuyên truyền các nội dung yêu cầu của Hiệp định cùng các cam kết của Việt Nam tới các cơ quan công quyền ở Trung ương và địa phương cũng như doanh nghiệp và các địa phương trong vai trò là các chủ thể hội nhập tham gia vào công việc chung của đất nước.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần đặc biệt chú ý đào tạo nhân lực liên quan đến việc giới thiệu phổ biến các nội dung, yêu cầu và các cam kết của EVFTA. Bởi thực tế cho thấy, hiện cán bộ địa phương rất yếu về hiểu biết hội nhập, đặc biệt là những nội dung liên quan trực tiếp tại địa phương. Cùng đó, Bộ trưởng yêu cầu xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn kiến thức về năng lực thể chế cho lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo các sở ngành và cán bộ địa phương. “Nếu không hiểu được các cam kết thì điều hành thế nào được” - Bộ trưởng nhìn nhận. Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho rằng, việc đào tạo nói riêng và nâng cao hiểu biết, năng lực thực thi cũng cần được “phủ sóng” tới cả các doanh nghiệp và người dân.
Nhiều chỉ đạo quan trọng liên quan đến việc xây dựng Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA cũng đã được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu lên tại buổi làm việc. Về công tác xuất khẩu và thị trường, Bộ trưởng đề xuất nghiên cứu tổ chức các sự kiện lớn tại châu Âu để thu hút và tranh thủ được sự tham gia của các doanh nghiệp châu Âu.
Từ thực tiễn hội nhập, cần giúp các bộ, ngành xuất khẩu hàng hóa bền vững từ việc truy xuất nguồn gốc. Cần làm rõ mặt hàng nào tự có cơ hội, mặt hàng nào cần hỗ trợ. Bộ trưởng đặt vấn đề “cần biết người, biết ta” cũng như năng lực hiện có ra sao, EVFTA làm thay đổi năng lực xuất khẩu thế nào. Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu cụ thể hóa từng thị trường xuất khẩu tại EU và xây dựng trung tâm dữ liệu thương mại Việt Nam - châu Âu.
Bên cạnh đó, cần bổ sung nội dung khoa học công nghệ vào Chương trình hành động, đồng thời trong bối cảnh sự hiểu biết của doanh nghiệp về phòng vệ thương mại còn hạn chế, rất cần các giải pháp rút ngắn khoảng cách về hiểu biết pháp lý trong phòng vệ thương mại so với hiện thực.
(Nguồn: congthuong.vn)