Mệt mỏi làm tăng nguy cơ tai nạn lao động
Thứ sáu, 04/10/2019 - 13:23
Quốc hội nghiên cứu giảm giờ làm chính thức ở khu vực ngoài Nhà nước từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần
Quá trình sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18.9.2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và 3 năm thi hành Luật ATVSLĐ trong hệ thống CĐ, có những bất cập và vướng mắc, trong đó có thời giờ làm việc được nêu ra.
Còn nhiều yếu tố nguy cơ
Một trong số đó là việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ tại một số doanh nghiệp (DN), nhất là DN nhỏ và vừa chưa tốt. Khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động (NLĐ), quan trắc môi trường lao động ở nhiều DN còn hình thức, đối phó. Nhiều DN chỉ quan tâm đến vấn đề an toàn lao động (ATLĐ) khi phải xử lý sự cố, ít quan tâm áp dụng các giải pháp đổi mới kỹ thuật, công nghệ để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp.
Việc quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ vẫn còn tình trạng vi phạm trong quy trình kiểm định kỹ thuật ATLĐ. Việc thống kê, nắm bắt số liệu việc sử dụng máy, thiết bị này, nhất là trong khu vực phi chính thức (hộ gia đình, cá nhân…), còn hạn chế… Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu để quản lý máy, thiết bị được kiểm định, hết hạn kiểm định và không còn hạn sử dụng. Số cơ sở lập hồ sơ vệ sinh lao động chiếm tỉ lệ thấp (20% tổng số cơ sở). Điều kiện lao động của NLĐ, nhất là lao động nữ trong một số ngành nghề có nguy cơ cao về vệ sinh lao động (da giầy, dệt may, chế biến thủy sản và lắp ráp điện tử) còn nhiều yếu tố nguy cơ như phải làm việc trong điều kiện tiếng ồn, nhiệt độ nóng, lạnh, độ ẩm, hóa chất có nồng độ cao.
Phải làm thêm giờ quá quy định diễn ra phổ biến
Đặc biệt tình trạng NLĐ phải làm thêm giờ quá quy định diễn ra phổ biến trong các DN dệt may, da giày, thủy sản, điện tử, gỗ, những DN gia công hàng xuất khẩu và thâm dụng nhiều lao động. Tại nhiều DN, NLĐ phải làm thêm từ 400-600 giờ/năm dẫn đến không có thời gian để nghỉ ngơi phục hồi, tái tạo sức lao động, sức khỏe suy giảm nhanh chóng. Sự mệt mỏi của NLĐ cũng là nguy cơ làm gia tăng TNLĐ. Đồng thời, với việc làm thêm giờ, nhiều NLĐ không có thời gian dành cho gia đình, chăm sóc con cái, làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực và dân số.
Từ thực tế, tổ chức CĐ đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 29-CT/TW và Luật ATVSLĐ. Trong đó, có đề nghị Quốc hội khi xem xét sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động chỉ xem xét mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ khi việc chi trả tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ được tính theo lũy tiến. Quy định về giờ làm thêm cần tiếp tục được phân hóa theo ngành nghề của DN như pháp luật hiện hành. Vì vậy, nếu cần tăng thì chỉ tăng “không quá 200 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 400 giờ”, nhưng phải đảm bảo quy định các tiêu chí để xác định “trường hợp đặc biệt” được phép tăng thời gian làm thêm giờ lên 400 giờ/năm.
Bên cạnh đó, Quốc hội nghiên cứu giảm giờ làm chính thức ở khu vực ngoài Nhà nước từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần để NLĐ được nghỉ ngơi tái tạo sức lao động và chăm sóc gia đình, hạn chế TNLĐ.
Bình Nguyên (nguồn: laodong.vn)