Việc góp ý cho Bộ luật Lao động (sửa đổi) rất quan trọng đối với người lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam
Thứ sáu, 09/08/2019 - 09:18
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã gửi đề xuất, kiến nghị tới Ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức buổi thảo luận rà soát, góp ý, phản biện Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các Phó Chủ tịch: Trần Văn Thuật, Ngọ Duy Hiểu. Đại diện lãnh đạo các ban trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia góp ý, phản biện.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN dự buổi thảo luận
Phát biểu tại buổi thảo luận, đồng chí Nguyễn Đình Khang đánh giá việc góp ý cho Bộ luật Lao động (sửa đổi) rất quan trọng đối với người lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam, do đó các đại biểu tham dự buổi thảo luận cần phát huy kiến thức, kinh nghiệm để tập trung góp ý vào Bộ luật Lao động (sửa đổi), góp phần xây dựng Bộ luật chặt chẽ, khoa học, có tính khả thi, hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Phát biểu đề dẫn buổi thảo luận, đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho biết, thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, cán bộ công đoàn và người lao động.
Phát biểu đề dẫn buổi thảo luận, đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho biết, thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, cán bộ công đoàn và người lao động.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu tại cuộc thảo luận
Trên cơ sở tiếp thu, tổng hợp các ý kiến đóng góp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã gửi đề xuất, kiến nghị tới Ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều vấn đề lớn còn các ý kiến khác nhau, trong đó có 6 vấn đề lớn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm, đó là: Hợp đồng lao động; tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể; thời giờ làm việc; tuổi nghỉ hưu; giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công…
Trong ngày 7.8, các đại biểu đã rà soát, góp ý, phản biện các nội dung lớn như Đề dẫn Hội thảo. Kết thúc Hội nghị, đồng chí Ngọ Duy Hiểu đánh giá các ý kiến đóng góp, phản biện rất chất lượng, có giá trị tham khảo cao. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp thu, tổng hợp để báo cáo với cơ quan thẩm tra Dự án Bộ luật Lao động nghiên cứu, xem xét.
Việt Lam (nguồn:laodong.vn)