Họ đứng mãi trên cầu cảng Trường Sa lớn chẳng chịu về khi tàu HQ996 từ từ rời ra khơi. Trời tối mịt. Gió biển lộng lên bốn bề. Nhưng những cánh tay vẫy từ Trường Sa vẫn không dứt...
Đột ngột, các chiến sỹ hải quân hát vang bài “Nối vòng tay lớn," gần 200 khách trên biển ngay lập tức cũng hòa cùng lời ca. Chưa bao giờ, Trường Sa với những đảo nổi, đảo chìm, những điểm đóng quân cheo leo dựng đứng và đất liền lại gần nhau đến thế.
Theo đúng kế hoạch hành quân, tàu HQ 996 đưa đoàn công tác số 7 qua 10 điểm đảo và 2 nhà giàn thuộc các vùng 4 và vùng 2 Hải quân. 12 điểm đã qua ấy cũng là 12 lần, tất cả những thành viên trong đoàn phải đối mặt với những cuộc chia ly như thế.
Trường Sa lớn là đảo cuối cùng tàu chúng tôi đến. Đây được mệnh danh là thủ đô của cả quần đảo, nơi được thiên nhiên ưu đãi hơn cả với nguồn nước ngọt khá dồi dào và cũng là đảo duy nhất có cầu cảng để tàu HQ 996 có thể cập vào.
Tuần tra trên đảo
Sau gần 10 ngày lênh đênh trên biển lớn, di chuyển liên tục bằng xuồng kéo, gần 200 con người khi chớm thấy cầu cảng nhô dài ra từ bãi san hô liền cùng một lúc đổ dồn sang mạn trái. Nỗi mong nhớ đất hóa thành những cái vẫy tay chào, những lời gọi: Trường Sa đây rồi đầy thương mến. Bao mong mỏi, cuối cùng thì chúng tôi cũng đã có dịp đặt chân lên vùng "đất thiêng."
Đứng sau chót ở boong sau, nhà thơ Trần Vũ Long, phóng viên báo Văn Nghệ bảo: Anh chỉ cần nhìn thấy màu áo trắng đang đứng thẳng hàng ngay trên cầu cảng kia là mọi mệt nhọc, nôn nao mấy ngày qua của anh tan biến hết.
Tàu rúc dài 3 tiếng còi chào đảo. Người trên các khoang ùa xuống đất. Kẻ say sóng giờ líu ríu bước chân vì say đất liền. Nhưng sau hết, ai cũng say với tình cảm mà đảo xa dành cho mình. Những cái bắt tay rất chặt, những lời hỏi han sức khỏa, quê quán khiến cho cầu tàu Trường Sa lớn trong một khoảnh khắc trở nên ồn ào hơn thường lệ.
Anh lính hải quân trẻ tên Phong, người cùng quê Thành Nam với tôi, mừng như trẻ con thấy mẹ về chợ khi gặp được đồng hương trên chuyến tàu vừa cập bến. Sinh năm 1982, nhưng Phong đã có gần 4 năm gắn đời mình với đảo. Gió, nắng trời và hơi muối mặn chát của biển Đông đã khiến làn da của anh chuyển màu đen xạm. Tóc cháy vàng. Nhưng đôi mắt ánh lên niềm vui không dứt mỗi khi ai đó nhắc tới quê nhà.
Chiến sỹ Hải quân - Đảo Song Tử Tây
Cầm thật chặt tay đồng hương, Phong bảo: “Mỗi lần có tàu chở đoàn ra, tôi đều ngóng tìm người cùng quê, có lúc chỉ để nghe giọng nói đặc trưng cho đỡ nhớ. Nhưng từ đầu năm, đến chuyến này mới gặp được, thế chú ở đâu hở cơ?”
Vợ con Phong giờ này vẫn đang sống ở Nam Trực, Nam Định. Ngày ngày, anh lính trẻ ấy chỉ có thể được nghe giọng quê qua điện thoại. Nên gặp được người cùng tỉnh, anh líu ríu, cái phương ngữ "hở cơ" được dùng liên tục rồi cùng cười như nắc nẻ với nhau. Phong kiên quyết mời bằng được đồng hương ăn cùng bữa cơm đơn vị, mặc dù ngoài tàu mâm bát đã bày xong.
Cơm lính Trường Sa đúng là có ăn mới biết. Ngày thường, bữa cơm chỉ có thịt hộp, cá hộp. Thậm chí đến củ măng cũng được đóng hộp mang vào. Canh rau thì chỉ được phân mỗi người một lá, luễnh loãng đến nhói lòng. Thấy có khách, gần 20 anh em trong Cụm Kỹ thuật vội vã nướng thêm con mực khô, rồi mang hết cả số thịt heo cấp đông cho đơn vị mấy tuần ra thết đãi.
Chén rượu ngọt môi. Những cái xiết tay rất chặt. Rồi chuyện vợ con ở đất liền, chuyện cha mẹ già phương xa đều được mang ra kể lại. Bỗng điện thoại của một anh bạn đi cùng chúng tôi đổ chuông dồn dập. Phía bên kia đầu dây, một giọng nói còn rất trẻ, rụt rè gửi lời chào tới Trường Sa: “Chúc các anh luôn mạnh khỏe, vững tay súng để bảo vệ biển trời Tổ quốc.”
Bàng vuông - Loại cây đặc hữu của Trường Sa
Không gian trong một khoảnh khắc ấy bỗng dưng lặng phắc. Hơn 20 con người đồng loạt yêu cầu mở loa ngoài chỉ để nói: “Chúng tôi, những chiến sỹ đảo Trường Sa lớn, gửi lại đất liền chút nắng, chút gió, chút ấm áp, mặn mòi của biển cả...”
Hai phía không quen biết thành ra gần gũi nhau hơn bao giờ hết. Hai đầu đất nước cũng đã chập lại làm một trong tình yêu đất nước bao la.
Nhưng, cuộc vui hội ngộ nào rồi cũng có chia xa. 8 giờ tối, lệnh lên tàu được thông báo, khách vội nắm tay choàng ôm những người bạn mới quen rồi chạy về cầu cảng. Vậy mà, chưa kịp lên boong, anh em trong tất cả các đơn vị của Trường Sa lớn chẳng ai bảo ai, quân phục chỉnh tề, ra sát tàu HQ 996 tiễn đoàn.
Người lính đồng hương ôm thật chặt lấy tôi, mắt rưng rưng, giọng lạc cả đi trong tiếng gió biển ù ù. Rồi Phong ngẫu hứng đọc tặng tôi một bài thơ ngay trên cầu cảng.
“Hôm nay giữa Trường Sa lộng gió
Chỉ có Phong với bạn đồng hương
Gặp nhau lòng mừng khôn xiết
Biết bao giờ ta mới lại gặp nhau.”
Quyến luyến mãi cũng đến lúc rời xa. Tàu lại rúc dài 3 hồi còi chào đảo. Người trên tàu đổ dồn hết sang mạn trái. Tiếng máy ầm ào kéo HQ 996 rời xa dần đảo lớn. Đồng hương tôi, vẫn vẫy tay trên cảng, càng lúc càng bé lại, chỉ còn thấy tiếng chào mang nặng phương ngữ còn văng vẳng đâu đây.
Tăng gia sản xuất
Trời tối mịt. Gió biển lộng lên bốn bề. Tiếng hát đã bị sóng gió biển át đi. Bóng dáng người cũng đã khuất vào phần màn tối. Chỉ còn duy nhất lá cờ Tổ Quốc của người lính hải quân trên nhà giàn Phúc Tần, phất cao chào đoàn công tác con tàu rời bến, vẫn thấy kiêu hãnh tung bay dù cứ nhỏ dần, nhỏ dần... Tôi thầm đọc một đoạn thơ trong nhiều bài thơ về Trường Sa mà mình nhớ:
"Cờ Tổ quốc bay trên đất biển đảo
Thắm máu ông cha bao thế hệ Lạc Hồng
Tim đất luôn đập chung nhịp tim biển
Như lòng Mẹ Tiên mãi hướng về Cha Rồng!”
Chào Trường Sa, chào những người giữ biển. Hẹn gặp lại các anh vào một ngày không xa, nhất định thế./.
SƠN BÁCH (Theo vietnamplus)