Công đoàn Công Thương Việt Nam: Vững bước trong tâm thế mới
Thứ ba, 29/01/2019 - 17:48
CĐCTVN đã xác định việc đổi mới tư duy và phương thức nội dung hoạt động với mục tiêu tiên quyết là bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động
Năm 2018 có thể coi là cột mốc quan trọng của Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) khi Đại hội III CĐCTVN được tổ chức, đánh dấu kết thúc 5 năm giai đoạn 2013 - 2018. Bước vào thời kỳ mới (2018 - 2023) với nhiều thay đổi về cơ cấu và mô hình, CĐCTVN đã xác định việc đổi mới tư duy và phương thức nội dung hoạt động với mục tiêu tiên quyết là bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động (NLĐ); đồng thời, khẳng định vị trí, nâng cao vai trò của tổ chức.
Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đặt ra
Nhiệm kỳ 2013 - 2018, CĐCTVN đã đề ra 4 nhóm chỉ tiêu thuộc trách nhiệm của tổ chức CĐ và 4 nhóm chỉ tiêu CĐ tham gia thực hiện. 5 năm qua, các cấp CĐ đã phát triển thêm được 13.392 đoàn viên, đạt tỷ lệ 133,92%; thành lập mới 17 CĐCS, đạt tỷ lệ 170% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội II đề ra.
Hàng năm, tỷ lệ CĐCS vững mạnh đạt từ 81,7 - 87,6%, không có CĐCS yếu kém; 80% CĐCS có quy chế phối hợp hoạt động với cơ quan chuyên môn và tổ chức chính trị - xã hội đồng cấp; bình quân hàng năm, các CĐCS giới thiệu 2.060 đoàn viên ưu tú cho tổ chức Đảng; 100% đơn vị sự nghiệp, viện, trường tổ chức Hội nghị Cán bộ công chức. Tính cả nhiệm kỳ, tỷ lệ bình quân số doanh nghiệp (DN) tổ chức Hội nghị NLĐ hàng năm đạt 91,46%; 98% DN có Thỏa ước lao động tập thể; trên 90% DN có Ban An toàn, 99% số cơ sở đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ...
Các phong trào thi đua do CĐ chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức hàng năm đã trở thành động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng doanh thu, tạo lợi nhuận ở các đơn vị. Từ định hướng của CĐCTVN và Bộ Công Thương, các cấp CĐ cùng với lãnh đạo đơn vị, công ty vận dụng sáng tạo tổ chức nhiều phong trào thi đua, hội thi, như: Phong trào "Luyện tay nghề giỏi", "Kinh doanh giỏi, quản lý tốt", "Mỗi kỹ sư một đề tài, mỗi tổ công đoàn một sáng kiến"; phong trào thi đua "Ba tốt" (Quản lý vật tư tốt, làm kế hoạch tốt, tổ chức lao động tốt), "Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động", "Trồng cây xanh, làm sạch không khí"…
Đáng chú ý, với phong trào "Lao động giỏi - Lao động sáng tạo", nhiệm kỳ 2013 - 2018, toàn ngành Công Thương có hơn 109.525 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được công nhận, giúp làm lợi hơn 1.400 tỷ đồng; có những sáng kiến không tính được bằng tiền mà mang giá trị về mặt xã hội. Những con số ấn tượng này là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng của CĐCTVN trong việc phát động sâu rộng các phong trào thi đua đến NLĐ toàn ngành.
Tại Đại hội lần thứ III, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã ghi nhận những kết quả đạt được rất ấn tượng và thuyết phục mà CĐCTVN đã thực hiện. Nổi bật hơn cả là vai trò của CĐ các cấp trong việc ổn định và nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, xây dựng và bảo đảm hài hòa được mối quan hệ giữa cơ quan, DN và NLĐ; đặc biệt là việc hạn chế các xung đột về lợi ích, quyền và nghĩa vụ giữa người sử dụng lao động và NLĐ trong các đơn vị, cơ sở của toàn hệ thống CĐCTVN.
Giai đoạn mới - tâm thế mới
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Nhiệm vụ đặt ra cho các cấp CĐCTVN trong nhiệm kỳ 5 năm tới rất nặng nề, phải bám sát với Đảng ủy và chính quyền đồng cấp, song hành cùng chuyên môn để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đơn vị. Bên cạnh đó, hoạt động chuyên môn khác theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ các cấp trong hệ thống CĐCTVN vẫn phải duy trì thường xuyên, liên tục và nâng cao.
Xác định rõ nhiệm vụ trong giai đoạn tới, ông Trần Quang Huy - Chủ tịch CĐCTVN - cho rằng, trong bối cảnh nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, các Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… mà Việt Nam tham gia đều đòi hỏi cao nghĩa vụ, quyền lợi của NLĐ, buộc chúng ta phải có sự thay đổi trong một số chế độ, chính sách, đáp ứng yêu cầu chung. Thêm vào đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang trong giai đoạn phát triển mạnh đã làm thay đổi nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực. Sự mở rộng đầu tư và đổi mới công nghệ của các DN trong tương lai đòi hỏi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hơn nữa.
"Chính vì thế, nhiệm kỳ 2018 - 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đề ra các quyết sách đổi mới tổ chức, hoạt động CĐ phù hợp với tình hình mới" - ông Trần Quang Huy khẳng định. CĐCTVN sẽ tập trung thực hiện ba khâu đột phá: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ; nâng cao hiệu quả nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, NLĐ, cán bộ CĐ; thiết thực chăm lo lợi ích của đoàn viên. Từ đó, xây dựng ngành Công Thương phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Sau Đại hội, Ban Chấp hành CĐCTVN khóa III cũng như lãnh đạo các cấp CĐ trong hệ thống đã bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội CĐ các cấp, xây dựng phương hướng, nhiệm vụ hoạt động cho từng năm và trong cả nhiệm kỳ; bảo đảm đúng các tiêu chí đề ra trong Nghị quyết cũng như phù hợp với tình hình tổ chức, hoạt động, sản xuất, kinh doanh của cơ quan, đơn vị tổ chức trong toàn ngành.
Phát huy những kết quả đã đạt được, CĐCTVN cùng với CBCNV trong toàn ngành nỗ lực và quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra cho năm 2019 - năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội III CĐCTVN.
Nguồn: Báo Công Thương