[In trang]
Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn
Thứ hai, 17/02/2014 - 09:52
Để xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn (CBCĐ) vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cần thực hiện tốt những giải pháp cơ bản sau

Cán bộ Công đoàn là những cán bộ chính trị, hoạt động xã hội, làm công tác vận động quần chúng, từ phong trào quần chúng mà ra, được bồi dưỡng và trưởng thành từ thực tế lao động, sản xuất, kinh doanh do đó muốn có đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn.

Về đội ngũ cán bộ Công đoàn Công Thương Việt Nam

Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCT) là một công đoàn đa ngành nghề, hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Tính đến tháng 12/2013, CĐCT quản lý và chỉ đạo trực tiếp 16 công đoàn (CĐ) cấp trên cơ sở với 432 CĐCS trực thuộc cấp trên cơ sở và 151 CĐCS với 169.675 đoàn viên/182.915 lao động. Ngoài ra, CĐCT còn phối hợp chỉ đạo 41 CĐ cấp trên cơ sở (37 CĐ ngành CT tỉnh, thành phố, 1 CĐ khối doanh nghiệp thương mại TW tại TP HCM và 3 CĐ TCty thương mại, công nghiệp) và 30 CĐCS tại các đơn vị, doanh nghiệp chuyên môn thuộc Bộ CT song CĐ trực thuộc LĐLĐ tỉnh, TP.

Về cán bộ CĐ, tính đến tháng 4/2013, CĐCT có 164 cán bô chuyên trách, 326 UVBCH cấp trên cơ sở, 4.038 UVBCH CĐCS (trong đó 1.559 người mới tham gia lần đầu). Trên cơ sở thống kê của Ban Tổ chức CĐCT, trong nhiệm kỳ 2013 - 2018, đối với CĐ cấp trên cơ sở, số cán bộ cần đào tạo ngay (mới được bầu) là 66 người, số đào tạo nâng cao là 305 người, số cần bồi dưỡng thường xuyên là 120 người. Đối với CĐCS, số cần bồi dưỡng nghiệp vụ ngay là 1.559 người, số bồi dưỡng nâng cao là 3.601 người, số cần bồi dưỡng thường xuyên là 110 người. Như vậy, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ CĐ ngành Công Thương là rất lớn và nếu không có sự đầu tư, cố gắng của cả hệ thống thì không thể thực hiện được.

Thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn

Nghị quyết ĐH II CĐCT đặt ra chỉ tiêu là 100% UVBCH CĐCS và 50% tổ trưởng, tổ phó CĐ được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác công đoàn. Để thực hiện được mục tiêu đó, năm 2013, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn của Ngành đã có sự đổi mới, bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển của phong trào công nhân, công đoàn. Ngay từ đầu năm, CĐCTVN đã chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn. Theo đó, các nội dung đào tạo, đối tượng đào tạo tại các cấp đã được xác định tương đối rõ. Việc phân cấp trong đào tạo, bồi dưỡng cũng được tính toán hợp lý trong đó, CĐCTVN chịu trách nhiệm đào tạo, tập huấn cho cán bộ các đơn vị trực thuộc; CĐ cấp trên cơ sở chịu trách nhiệm đào tạo, tập huấn cho cán bộ cấp cơ sở thuộc đơn vị mình; CĐCS chịu trách nhiệm đào tạo, tập huấn từ tổ phó CĐ trở lên thuộc đơn vị mình. Trên cơ sở đó, CĐCT đã hỗ trợ và cử giảng viên trực tiếp tập huấn cho 26 lớp với 1.940 người là cán bộ CĐ từ tổ phó trở lên theo các chuyên đề  do CĐCS yêu cầu. Ngoài ra, ở cấp Ngành đã tổ chức 13 lớp cho 1.188 lượt cán bộ mới tham gia BCHCĐCS; 3 lớp theo chương trình hợp tác với các tổ chức CĐ quốc tế. Các cấp CĐ trong Ngành còn tổ chức 80 lớp theo các chuyên đề cho 4.040 cán bộ. Qua công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhìn chung, đội ngũ cán bộ ở cơ sở đã có chuyển biến tích cực, bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Trình độ kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn ngày càng được nâng cao, thích nghi dần với cơ chế mới và đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, ổn định sản xuất cuỉa doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều cán bộ (kể cả cán bộ cấp trên cơ sở) chưa đáp ứng được yêu cầu công việc; năng lực, kiến thức, trình độ hiểu biết về lý luận và thực tiễn của nhiều cán bộ công đoàn chưa theo kịp yêu cầu tình hình mới hiện nay; tư tưởng hành chính hóa hoạt động công đoàn còn có trong tư duy của không ít CBCĐ... Những yếu kém đó là do một số cán bộ lãnh đạo CĐ các cấp chưa coi trọng đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng tuy có nhiều cố gắng nhưng còn chạy theo số lượng, chưa cử đúng đối tượng cần bồi dưỡng, đào tạo. Nội dung và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa cao, giáo trình đào tạo tuy đã được cải tiến (CĐCT đã biên soạn và phát hành 2 tập giáo trình) song vẫn chưa thật phù hợp với đối tượng cán bộ cơ sở, phương thức đào tạo chưa đa dạng hoá. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ CĐ ở các cấp chưa được thực hiện đồng bộ, mới chỉ đào tạo, bồi dưỡng về lý luận, chưa chú ý bồi dưỡng về kỹ năng tổ chức thực hiện, nhất là xử lý những tình huống trong thực tiễn.

CĐCTVN coi trọng công tác đào tạo cán bộ công đoàn

Một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn vững mạnh

Để xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn (CBCĐ) vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cần thực hiện tốt những giải pháp cơ bản sau đây: 

Một là: Công đoàn các cấp, toàn thể cán bộ, CNVCLĐ cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về tầm quan trọng của CBCĐ đối với phong trào công nhân lao động và hoạt động công đoàn. Trong quan hệ lao động, công đoàn và CBCĐ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Từ đó, các cấp CĐ quan tâm hơn đến công tác CBCĐ, chú trọng xây dựng, hoàn thiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng và có chính sách đãi ngộ CBCĐ một cách tương xứng với cống hiến của họ.

 Hai là: Đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng để mọi CBCĐ đều có cơ hội, điều kiện được đào tạo, bồi dưỡng. Đối với cán bộ trẻ, cán bộ tầm chiến lược cần được đào tạo cơ bản ở nhiều cấp đào tạo nhằm trang bị cho họ một cách hệ thống và tương đối toàn diện những kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên sâu kết hợp với nâng cao sự tự tu dưỡng đạo đức, lối sống, tự trang bị các kiến thức lý luận chính trị, pháp luật. Đối với CBCĐ chuyên trách, cần phải đào tạo cơ bản, dài hạn để trang bị cho họ một cách hệ thống những kiến thức phục vụ cho công đoàn; định kỳ tham gia tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tế để nâng cao năng lực. Do đặc thù của CBCĐ chủ yếu là không chuyên trách (kiêm nhiệm) và thường thay đổi sau mỗi nhiệm kỳ, nên các cấp công đoàn cần coi công tác bồi dưỡng cán bộ là giải pháp chủ yếu để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ. Phải phân loại cán bộ và căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ để có hình thức đào tạo thích hợp. Tăng cường mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ ngắn ngày, tạo điều kiện cho tất cả CBCĐ không chuyên trách từ ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở trở lên, nhất là cán bộ mới tham gia hoạt động ban chấp hành công đoàn lần đầu, đều được tập huấn hằng năm về phương pháp hoạt động công đoàn. Đồng thời, các cấp công đoàn phải có kế hoạch thường niên đào tạo lại đội ngũ CBCĐ các cấp, nhất là về năng lực, nghiệp vụ công tác công đoàn.

Ba là: Để cán bộ công đoàn các cấp được trang bị một cách đầy đủ về nghiệp vụ công tác công đoàn, đội ngũ giảng viên kiêm chức cần phải xác định rõ đối tượng là người nghe, trên cơ sở đó xây dựng nội dung cho phù hợp, hạn chế bớt lý luận dàn trải, cụ thể hóa những nội dung công việc thực tế, kỹ năng hoạt động, giúp cho cán bộ Công đoàn có tư duy đầy đủ để tổ chức hoạt động hoặc giải quyết các tình huống có thể phát sinh tại CĐCS.

Bốn là: Đối với cán bộ công đoàn khi được mời tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cần sắp xếp công việc, dành thời gian để tham gia tập huấn. Vì thông qua lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ là để giúp cho cán bộ có nhận thức và hiểu biết một cách đầy đủ về nguyên tắc hoạt động của tổ chức công đoàn để khi tổ chức thực hiện nhiệm vụ không bị lúng túng. Có như vậy công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ công đoàn mới thật sự có hiệu quả, mới xây dựng và phát triển được đội ngũ cán bộ công đoàn có phẩm chất chính trị vững vàng, năng lực và trình độ chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Hồ Giao