Công đoàn Việt Nam sẽ lấy lợi ích đoàn viên làm điểm tập hợp, chủ động trước CPTPP
Thứ ba, 06/11/2018 - 11:34
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường phát biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Thảo luận tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội, Đại biểu Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) nhận định, trong Tờ trình cũng như trong Báo cáo bổ sung của Chính phủ và báo cáo của Ban Đối ngoại đã phân tích rất rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức khi Việt Nam gia nhập CPTPP. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều mặt tích cực cũng đặt ra cho chúng ta không ít thách thức phía trước, đặc biệt trong vấn đề lao động và tổ chức của người lao động.
Nhận diện thách thức
Đại biểu Bùi Văn Cường phân tích: Liên quan đến lao động, công đoàn, thực chất những điều nêu trong Hiệp định CP TPP cũng chính là nội dung đã nêu trong Công ước 87 và Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) - tổ chức Việt Nam đã là thành viên, tuy nhiên chúng ta chưa phê chuẩn hai công ước này.
Đại biểu Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu tại Quốc hội
Theo đó, Hiệp định CPTPP cũng như các công ước 87 và 98 có nêu người lao động có quyền tự do lập các tổ chức của mình. Tổ chức này, theo quy định, 5 năm đầu khi chúng ta chưa thực hiện thì không bị trừng phạt về mặt thương mại, chứ không phải là không được thành lập. Nhưng nếu sau 5 năm, chúng ta không có hướng dẫn, không có quy định cụ thể thì sẽ bị trừng phạt về mặt thương mại.
Xác nhận đây sẽ là thách thức lớn, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho rằng chúng ta cần đưa ra các quy định thế nào, quản lý làm sao cho hợp lý, hiệu quả, nếu không sẽ rất phức tạp tình hình. Sẽ có ít nhất 3 dạng thức của tổ chức này. Thứ nhất là tổ chức do người lao động tự nguyện thành lập. Theo hình thức này rất tốt, không có vấn đề gì lớn. Thứ hai là tổ chức do chủ sử dụng lao động lập ra để thao túng, chi phối. Và thứ ba, nguy hiểm, nhất là tổ chức dù dứng dưới danh nghĩa đại diện của người lao động nhưng do các tổ chức, phần tử phản động thành lập, núp bóng, tiềm ẩn nguy cơ về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Lấy lợi ích đoàn viên làm điểm tập hợp
ĐB Bùi Văn Cường cũng thông tin, trước việc Việt Nam chuẩn bị gia nhập Hiệp định CP TPP, một số tổ chức phản động đã ráo riết chuẩn bị, hà hơi tiếp sức cho việc thành lập các tổ chức này trong các DN. Khi chúng ta phê chuẩn, cấp uỷ địa phương cần tập trung chỉ đạo hết sức cẩn trọng, bên cạnh đó, cần có hàng rào kỹ thuật để kiểm soát, hạn chế được những vấn đề phức tạp có thể xảy ra. Trước thách thức đó, chúng ta đã và đang chủ động đề cập trong các bộ luật liên quan, trong đó có Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn để xử lý.
Về phía Công đoàn Việt Nam hiện đang thực hiện đề án đổi mới tổ chức, hoạt động. Đã và đang tập trung đổi mới theo hướng lấy lợi ích của đoàn viên, người lao động làm điểm tập hợp; tập trung quan tâm lợi ích của đoàn viên, người lao động; tập trung thực hiện xây dựng các thiết chế công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất mà chỉ đoàn viên công đoàn mới được thụ hưởng. "Điều đó cũng để thể hiện rằng, tham gia với tổ chức Công đoàn Việt Nam thì có lợi ích thiết thân, còn tham gia các tổ chức khác không có lợi ích gì người ta sẽ không tham gia" - ĐB Bùi Văn Cường nói.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu tại Quốc hội
Cũng liên quan đến chủ đề này, Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) cũng đồng tình với việc Quốc hội phê chuẩn CPTPP vì 4 lý do:
Thứ nhất, tờ trình của Chủ tịch Nước và báo cáo của Chính phủ đã làm rõ sự cần thiết, đánh giá sâu tác động tích cực cũng như tiêu cực, thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức, lợi ích mang lại và những thiệt hại, ảnh hưởng cần chấp nhận vì lợi ích lớn hơn, nhiều hơn, toàn cục hơn.
Thứ hai, quá trình đàm phán đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của các cấp có thẩm quyền, thể hiện mục tiêu nhất quán của Đảng và Nhà nước về hội nhập; các nhà đàm phán là những chuyên gia, nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm về đàm phán quốc tế.
Thứ ba, về kinh nghiệm hội nhập, nước ta đã có kinh nghiệm hội nhập quốc tế trong 30 năm qua, nhất là từ khi tham gia WTO. Trước các hiệp định, thể chế mang tính bước ngoặt, bao giờ cũng có cả sự ủng hộ và băn khoăn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm được tích luỹ, với tinh thần và bản lĩnh Việt Nam, với quyết tâm cao, và việc ban hành kịp thời các chương trình, kịch bản sau hiệp định, chúng ta đều vượt qua những thách thức, tranh thủ thời cơ, khẳng định thành công theo từng nấc thang hội nhập.
Thứ tư, đối chiếu với hệ thống pháp luật Việt Nam, CPTPP hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
Tư liệu tổng hợp