[In trang]
Công tác cán bộ công đoàn là yêu cầu chiến lược và cấp thiết
Thứ bảy, 25/01/2014 - 11:34
Đ/c Lý Quốc Hùng - Chủ tịch CĐCTVN đã trao đổi với Bản tin CĐCT về phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn ngành Công Thương năm qua.

Năm 2013 là năm diễn ra Đại hội II CĐCTVN và triển khai nhiều hoạt động, mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Đ/c Lý Quốc Hùng - Chủ tịch CĐCTVN đã trao đổi với Bản tin CĐCT về phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn ngành Công Thương năm qua.


PV: Xin đồng chí cho biết những khó khăn và thuận lợi trong hoạt động của CĐCTVN trong năm 2013?

Đ/c Lý Quốc Hùng: Năm 2013, hoạt động của tổ chức Công đoàn nói chung và Công đoàn Công Thương Việt Nam nói riêng chịu tác động rất lớn từ những khó khăn của kinh tế - xã hội nước ta. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là lượng hàng tồn kho, vấn đề nợ xấu, sức mua hàng hóa giảm, thị trường tiêu thụ sản phẩm thu hẹp, một số dự án đầu tư chậm tiến độ hoặc khó có thể đi vào sản xuất, bên cạnh đó là sự thay đổi chính sách quản lý thuế, sự biến động tỷ giá, lãi suất ngân hàng... dẫn đến không ít doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động. Đối với các đơn vị sự nghiệp, nhất là khối các trường đạo tạo hệ cao đẳng và trung cấp nghề, do thay đổi cơ chế quản lý đào tạo làm cho không ít các trường gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh... Những yếu tố đó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động,  tác động trực tiếp đến phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động của tổ chức công đoàn. Hoạt động của CĐCTVN cũng không tránh khỏi những khó khăn chung đó. Ngoài ra, theo quy định mới về tài chính công đoàn, ngân sách của CĐCTVN có sự sụt giảm. Năm 2013, nguồn thu kinh phí của các cấp công đoàn trong Ngành giảm khoảng 40%, trong khi các khoản chi có xu hướng tăng. Đây thực sự là những vấn đề hết sức khó khăn cho hoạt động trong năm 2013 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn nêu trên, hoạt động của Công đoàn Công Thương Việt Nam trong năm qua luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, sự phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo chuyên môn đối với hoạt động của công đoàn các cấp. Thành công của Đại hội XI Công đoàn Việt Nam và Đại hội II CĐCTVN đã đánh dấu sự đổi mới, chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và định hướng hoạt động của tổ chức công đoàn trong giai đoạn mới. Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn có hiệu lực và đi vào cuộc sống đã có tác động tích cực đối với hoạt động của cả hệ thống Công đoàn Việt Nam nói chung và CĐCTVN nói riêng.

PV: Trước những khó khăn đó, CĐCTVN đã vượt lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vậy, đồng chí có thể cho biết những kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động công đoàn năm qua?

Đ/c Lý Quốc Hùng: Một số hoạt động nổi bật trong năm 2013 đó là: Thứ nhất, đã chỉ đạo tốt đại hội các công đoàn cấp trên cơ sở và tổ chức thành công Đại hội II Công đoàn Công Thương Việt Nam. Điểm nhấn quan trọng trong kỳ đại hội này là chất lượng ủy viên ban chấp hành công đoàn các cấp được nâng lên rõ rệt, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị chiếm tỷ lệ cao, cơ cấu, thành phần, độ tuổi và tỷ lệ nữ hợp lý. Riêng đối với BCH Công đoàn Công Thương Việt Nam, về trình độ chuyên môn: tiến sỹ và nghiên cứu sinh chiếm 6,7%, thạc sỹ chiếm 31,1% và đại học chiếm 62,2%; về độ tuổi: dưới 40 chiếm 11,1%, từ 40-49 chiếm 35,6%; trên 50 chiếm 53,3%; về tỷ lệ nữ chiếm 31,1%. Có 51,1% số ủy viên lần đầu tham gia BCH.

Thứ hai, ngay sau Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, tại kỳ họp lần thứ II Ban Chấp hành Công đoàn Công Thương Việt Nam thông qua xây dựng 5 Chương trình công tác toàn khoá nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội II Công đoàn Công Thương Việt Nam và Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam. Cũng tại kỳ họp này, Ban Chấp hành đã thông qua cácquy chế, chương trình làm việc của BCH, UBKT Công đoàn Công Thương Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2018.

Thứ ba, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan Công đoàn Công Thương Việt Nam, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ chung của cơ quan và từng ban nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của cơ quan tham mưu, giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của hệ thống Công đoàn Công Thương Việt Nam. Thực hiện chính sách tiết giảm chi phí, tập trung mọi nguồn lực cho các hoạt động phong trào và hướng hoạt động về cơ sở, tập trung cho cơ sở.

Thứ tư, theo chức năng, nhiệm vụ của mình Ban Thường vụ Công đoàn Công Thương Việt Nam chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực công tác theo từng chuyên đề như biên soạn, in ấn và phát hành các tài liệu tuyên truyền những kiến thức cơ bản về quyền lợi, trách nhiệm của người lao động, đoàn viên công đoàn và trách nhiệm, nghĩa vụ người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, của Luật Công đoàn 2012 tới người lao động, đoàn viên công đoàn trong ngành; hướng dẫn thực hiện các quy định mới về tài chính, nghiên cứu cơ chế phân phối, trích nộp tài chính; tổ chức hội nghị tuyên dương lao động giỏi, lao động sáng tạo, bổ sung sửa đổi quy chế thi đua, khen thưởng; tham gia giải quyết chế độ, chính sách và trợ cấp khó khăn cho công nhân lao động Công ty cổ phần Cán thép Gia Sàng; tổ chức hội nghị học tập, triển khai Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội II Công đoàn Công Thương Việt Nam; thúc đẩy các hoạt động đối ngoại, ký kết chương trình hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, công đoàn quốc tế nhằm thúc đẩy hoạt động của công đoàn gắn liền với việc thực hiện trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng; hỗ trợ công tác tập huấn, bồi dưỡng lý luận, kỹ năng, phương pháp hoạt động cho cán bộ công đoàn thuộc các công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở trực thuộc.

Chủ tịch CĐCTVN Lý Quốc Hùng phát sổ tay tuyên truyền pháp luật cho người lao động tại nơi làm việc

PV:  Đại hội II CĐCTVN đã thành công tốt đẹp và đang từng bước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội II, xin đồng chí cho biết phương hướng hoạt động của CĐCTVN năm 2014 và những năm tiếp theo?

Đ/c Lý Quốc Hùng: Triển khai Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội II Công đoàn Công Thương Việt Nam, trong năm 2014 và những năm tiếp theo, xuyên suốt trong hoạt động của các cấp công đoàn thuộc hệ thống Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của 5 Chương trình công tác trọng tâm đã được Ban Chấp hành Công đoàn Công Thương Việt Nam thông qua. Ngoài 5 Chương trình trọng tâm, căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình các cấp công đoàn chủ động xây dựng, thực hiện chương trình công tác năm nhằm phấn đầu hoàn thành mục tiêu của cả nhiệm kỳ.  Riêng trong năm 2014, hoạt động của Công đoàn Công Thương Việt Nam tập trung chủ yếu một số nội dung như:

1. Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động, CĐCTVN sẽ khai trương, vận hành và sử dụng có hiệu quả trang thông tin điện tử tại địa chỉ: congdoancongthuong.org.vnvuit.org.vn. Thông tin phục vụ cho công tác chỉ đạo, báo cáo hoạt động giữa các cấp công đoàn trong hệ thống được thực hiện đồng thời trên cả trang thông tin điện tử và Bản tin hàng tháng của CĐCTVN.

2. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến đến người lao động, đoàn viên công đoàn những kiến thức cơ bản về pháp luật lao động, công đoàn, các chế độ bảo hiểm, cũng như Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Hướng dẫn thi hành Điều lệ và chỉ thị, nghị quyết của Tổng Liên đoàn. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ, kỹ năng và phương pháp hoạt động cho cán bộ công đoàn, nhất là đối với cán bộ công đoàn cấp cơ sở, tổ phó, tổ trưởng công đoàn.

3. Chỉ đạo hoạt động của các cấp công đoàn luôn đồng hành, gắn kết với hoạt động của chuyên môn hướng đến mục tiêu vì sự ổn định, phát triển của mỗi đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo có việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động. Công đoàn Công Thương Việt Nam tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động tham gia, phối hợp với chuyên môn tổ chức, phát động các phong trào thi đua, thực hiện dân chủ tại cơ sở, đào tạo nâng trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động, vận động đoàn viên và người lao động tham gia thực hiện Chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong ngành, trong nước” một cách thiết thực, có hiệu quả góp phần thực hiện hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, chương trình công tác của từng doanh nghiệp, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị chung của toàn ngành. Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ phối hợp với các doanh nghiệp trong ngành tổ chức nhiều hoạt động như tuyên truyền, vận động, hội nghị tọa đàm, hội chợ... để giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa giữa các doanh nghiệp góp phần cùng các doanh nghiệp tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, hàng hóa của nhau.

4. Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc ký mới các quy chế phối hợp với Bộ Công Thương, với các công đoàn trong cùng Bộ Công Thương trực thuộc Tổng Liên đoàn và Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố có quan hệ phối hợp chỉ đạo. Chỉ đạo các cấp công đoàn rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc ký mới các quy chế phối hợp với chuyên môn đồng cấp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, thực sự là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

5. Hướng dẫn, chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, đời sống văn hoá tinh thần cho công nhân lao động, xây dựng văn hóa cơ sở. Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng CNVCLĐ ngành Công Thương Việt Nam chào mừng kỷ niệm những này lễ lớn trong năm, đặc biệt là chào mừng 85 năm thành lập Công đoàn Việt Nam.

PV: Trên cương vị là người đứng đầu công đoàn một ngành lớn, điều gì khiến đồng chí băn khoăn, trăn trở nhất?

Đ/c Lý Quốc Hùng: Làm sao để hoạt động của công đoàn luôn đồng hành với chuyên môn, cùng hợp tác, phối hợp nhằm thúc đẩy sự ổn định, phát triển của mỗi đơn vị, doanh nghiệp. Có như vậy quyền lợi người lao động mới được đảm bảo, người lao động mới có việc làm, thu nhập ổn định và nâng cao. Để làm được như vậy, theo tôi mấu chốt là công tác cán bộ. Đây là công việc hết sức quan trọng, mang tính cấp thiết và chiến lược vừa trước mắt vừa lâu dài của tổ chức công đoàn. Công tác cán bộ cần được giải quyết đồng bộ từ khâu xây dựng tiêu chuẩn chức danh, quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, bầu cử vào chức danh lãnh đạo công đoàn các cấp. Trong công tác sử dụng cán bộ, cần coi trọng việc đánh giá năng lực, trình độ cán bộ, ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và tác phong lề lối làm việc của cán bộ. Cán bộ công đoàn cần phải có khả năng nghiên cứu, tổng hợp tình hình thực tiễn từ phong trào CNVCLĐ để đúc kết thành kỹ năng, kinh nghiệm và trí tuệ trong hoạt động công đoàn. Muốn nâng cao vị thế, uy tín của tổ chức, của bản thân, cán bộ công đoàn phải có đủ năng lực, trình độ và bản lĩnh để tự tin trao đổi, phối hợp và tham gia quản lý với chuyên môn để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động./.

HT (thực hiện)