[In trang]
Bộ Công Thương đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn
Thứ hai, 16/07/2018 - 16:18
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Thế Đức và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đến dự và phát biểu ý kiến tại Hội thảo.
Sáng ngày 12/7/2018, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn với sự tham dự của Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Thế Đức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, đại diện của một số Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và doanh nghiệp.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: “An toàn thực phẩm là một trong những vấn đề mà Đảng, Nhà nước ta từ lâu đặc biệt quan tâm, coi đây là một vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội, sức khỏe cộng đồng và cũng là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của Việt Nam. Do đó, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định sự cần thiết phải tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả hơn về an toàn thực phẩm. Quan điểm chỉ đạo của Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030 chỉ rõ, bảo đảm an toàn thực phẩm chính là bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe nhân dân, là một nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của mỗi người dân. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay”.
Cùng với việc tổ chức thực hiện đồng bộ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp tiên tiến trong quản lý an toàn thực phẩm, mỗi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần chú trọng tới việc xây dựng và phát triển các thương hiệu thực phẩm an toàn. Đây sẽ là những yếu tố quan trọng, quyết định tạo nên sự thành công của mỗi doanh nghiệp đồng thời góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Năm 2018, nhằm khuyến khích các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, đồng thời, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa đặc sản an toàn của các doanh nghiệp, địa phương trên cả nước.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc chỉ đạo triển khai và kiểm tra thực hiện các quy định bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, đặc biệt là các chợ đầu mối; kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu. Đồng thời, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất, phân phối thực hiện an toàn thực phẩm.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương Lê Việt Nga phát biểu tại Hội thảo
Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, để hỗ trợ việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần hỗ trợ phát triển mạng lưới cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn, Đại diện Vụ Thị trường trong nước khẳng định, Bộ Công Thương đã và đang rất tích cực trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc phạm vi quản lý. Cụ thể: Tư vấn xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm ngành Công Thương; Tư vấn hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm; phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh thành phố thực hiện xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh triển khai xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh với các mặt hàng được cam kết bao tiêu sản phẩm tiêu biểu như lúa, ớt, khoai tây, hành củ, cải bó xôi, gà thịt an toàn sinh học, rau an toàn...
Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương Trịnh Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), đồng chí Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng cho biết, nhằm xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp hoạt động, phát triển thương hiệu, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, thời gian qua Cục đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ giúp đỡ doanh nghiệp như: Tăng cường thực thi pháp luật cạnh tranh, qua đó bảo vệ thương hiệu cho các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường; cùng với UBND các tỉnh, thành phố, các tổ chức xã hội và các đơn vị liên quan đã chủ động, tích cực và năng động trong việc kiến thiết, hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành những chính sách tốt, cơ chế tốt để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam; triển khai xây dựng và phát triểntổng đài tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ miễn phí cho người tiêu dùng với đầu số 18006838; xây dựng Đề án Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giúp doanh nghiệp thực thi tốt pháp luật bảo vệ người tiêu dùng...
Hội thảo “Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn” là một trong những hoạt động thiết thực nằm trong khuôn khổ Dự án An toàn thực phẩm thuộc Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số của cả nước. Tại Hội thảo, các đại biểu là đại diện các Hiệp hội và doanh nghiệp đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn của các doanh nghiệp; yêu cầu và quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm trong các hoạt động phân phối hiện đại; kinh nghiệm trong xử lý sự cố về an toàn thực phẩm tại các hệ thống phân phối, nhà hàng; kinh nghiệm bảo vệ người tiêu dùng song hành cùng hoạt động phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn...
Các khách mời trao đổi ý kiến tại Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Mục tiêu chính của chương trình nhằm chia sẻ vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu thực phẩm an toàn gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, hội thảo góp phần kết nối thông tin giữa các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn với những kênh phân phối hiện đại, người tiêu dùng.
Việc Tổ chức Hội thảo lần này hết sức có ý nghĩa, góp phần định hình rõ nét hơn nữa về những cơ hội và kinh nghiệm xây dựng thương hiệu thực phẩm an toàn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đại diện Tạp chí Công Thương, đơn vị tổ chức Hội thảo cho biết, những ý kiến đóng góp của các diễn giả và người tham gia Hội thảo sẽ được Ban tổ chức tổng hợp và chuyển đến các bên liên quan, những người có trách nhiệm tiếp thu, trao đổi và giải đáp; qua đó, góp phần vào sự lớn mạnh và phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Nguồn: Cổng TTĐT MOIT