Cách mạng công nghiệp 4.0: Chắc niềm tin vào tổ chức công đoàn
Thứ năm, 28/06/2018 - 08:00
Các cấp công đoàn thuộc CĐCTVN sẵn sàng thích ứng với CMCN 4.0
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) mang đến nhiều cơ hội và thách thức đối với người lao động. Bên cạnh mặt tích cực, cuộc cách mạng này sẽ buộc lực lượng lao động phải có sự thay đổi cả về chất và lượng. Hơn lúc nào hết họ càng mong chờ sự hỗ trợ về mọi mặt của tổ chức công đoàn.
Chủ tịch CĐCTVN Trần Quang Huy thăm Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao
Trước tình hình đó, CĐCTVN đã có sự chuẩn bị hành trang cho người lao động của mình từ rất sớm. Hãy cùng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các chủ tịch công đoàn và người lao động trong ngành Công Thương để hiểu thêm những gì họ đang suy nghĩ.
Đồng chí Vũ Tiến Dũng, CTCĐ Công nghiệp Hóa chất Việt Nam
“Cần quan tâm đến đội ngũ cán bộ công đoàn từ cơ sở đến cấp trên cơ sở”
Trong nhiệm kỳ 2018-2023, trước xu hướng phát triển của cuộc CMCN 4.0, máy móc sẽ thay thế con người, ảnh hưởng tới việc làm của người lao động, tôi cho rằng hoạt động công đoàn phải có thay đổi, không thể theo lối mòn.
Muốn vậy, trước tiên phải quan tâm tới đội ngũ cán bộ công đoàn. Các tổ chức công đoàn mà cấp cao nhất trong ngành Công Thương chính là CĐCTVN cần quan tâm đến đội ngũ cán bộ công đoàn từ cơ sở đến cấp trên cơ sở, đến ngành Công Thương, để lựa chọn những người có tầm, có tâm với công tác công đoàn.
Cái khó nhất của CĐCTVN là xây dựng được niềm tin của người lao động với tổ chức công đoàn, điều đó thể hiện ở nội dung hoạt động công đoàn cụ thể như thế nào? Mọi hoạt động của công đoàn phải hướng về cơ sở, phải đạt được mục đích hoạt động công đoàn giúp gì cho cơ sở phát triển, giúp bảo vệ quyền lợi cho người lao động như thế nào, tạo được niềm tin trong họ. Muốn vậy thì phải quan tâm đến phong trào thi đua LĐG-LĐST, quan tâm đến từng người lao động ở cơ sở, biết trân trọng ý tưởng, sáng kiến dù nhỏ nhất của người lao động và tổ chức tuyên dương khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến kịp thời, xứng đáng.
Đồng chí Phạm Việt Dũng – CTCĐ TCty CP Bia-Rượu-NGK Hà Nội (Habeco)
“Mất việc làm là nguy cơ hiện hữu”
Môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, cộng với Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tạo nhiều cơ hội và thách thức đối với người lao động. Tổ chức và hoạt động của công đoàn tiệm cận nhiều hơn với các tiêu chuẩn quốc tế nên quan hệ lao động ngày càng phong phú, phức tạp. Yêu cầu, đòi hỏi của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức công đoàn cũng ngày càng cao.
Trong cuộc CMVN 4.0, việc sử dụng công nghệ càng hiện đại sẽ càng đòi hỏi lực lượng lao động cao hơn về trình độ lao động, sức khỏe, tâm lý, khả năng sáng tạo và tinh thần làm việc. Mất việc làm là nguy cơ hiện hữu đối với lực lượng lao động không đủ khả năng thích ứng và cạnh tranh. Tình hình trên đặt ra những yêu cầu mới đối với việc làm, đời sống của đoàn viên, người lao động, phong trào CNVCLĐ và hoạt động CĐCTVN nói chung và công đoàn Habeco nói riêng.
Do vậy, chúng tôi xác định phải nỗ lực đổi mới tư duy, phương thức và nội dung hoạt động, bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người lao động, là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, đồng thời khẳng định vị trí, nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn.
KS. Phạm Minh Khuê – Phòng Kỹ thuật KCS Nhà máy Bia Hà Nội
“Tự đặt cho mình những tiêu chuẩn mới trong giai đoạn mới”
Chúng tôi, những người trực tiếp lao động cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong giai đoạn mới, buộc chúng tôi phải tự nâng cao trình độ học vấn bên cạnh việc nâng cao năng lực sử dụng máy tính văn phòng cũng như chương trình kỹ thuật. Thái độ và tinh thần làm việc phải chủ động hơn. Trau dồi các kinh nghiệm trong sửa chữa thực tế để áp dụng vào công việc với tinh thần sáng tạo cao, có nhiều sáng kiến cải tiến để phù hợp với yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.
Riêng với tổ chức công đoàn Habeco thời gian qua đã tích cực vận động công nhân lao động học tập nâng cao kỹ năng nghề thông qua hình thức luyện tay nghề, thi thợ giỏi. Tăng tỷ lệ công nhân lao động có tay nghề cao trong lĩnh vực sản xuất. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động tạo điều kiện để công nhân lao động chưa qua đào tạo nghề đang làm công việc đơn giản tại các doanh nghiệp được đào tạo nghề dưới hình thức bồi dưỡng, tập huấn tại doanh nghiệp hoặc bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp tại các cơ sở dạy nghề phù hợp công việc đang làm.
Mặt khác, Công đoàn cũng đưa nội dung học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên, người lao động vào nội dung nghị quyết Hội nghị CBCC, Hội nghị người lao động và nội quy, quy chế của đơn vị hàng năm; đồng thời thương lượng, đàm phán để đưa nhiệm vụ nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp vào thỏa ước lao động tập thể với những nội dung cụ thể về thời gian, kinh phí, tổ chức các lớp bồi dưỡng tại doanh nghiệp cho công nhân lao động. Nhiệm vụ của người lao động chúng tôi chỉ là quyết tâm học tập để thay đổi chính mình và thích ứng.
Đồng chí Vương Duy Khánh - CTCĐ TCty Thép VN - CTCP
“Đồng hành với doanh nghiệp trong tái cơ cấu là nhiệm vụ then chốt”
Trong giai đoạn mới, Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam càng phải phát huy tính chủ động sáng tạo trong mọi hoạt động hơn nữa, thực hiện đúng vai trò là đại diện của người lao động, kịp thời lắng nghe mọi tâm tư nguyện vọng của cơ sở để có mặt chia sẻ, những nơi nào càng khó khăn thì càng phải có mặt. Đặc biệt chú trọng khen thưởng, vinh danh các gương lao động sáng tạo từ đó tạo sự lan tỏa tới toàn thể người lao động.
Cuộc CMCN 4.0 buộc ngành Thép phải tiếp tục phải đối mặt với những thách thức với hội nhập kinh tế cũng như tình trạng cạnh tranh gay gắt trong nước. Đặc biệt, riêng với Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP, Chính phủ sẽ thoái hết phần vốn nhà nước đến năm 2020, điều này cũng tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm của đội ngũ người lao động về việc làm, thu nhập và hướng phát triển của Tổng Công ty. Do vậy, với vai trò đại diện cho tiếng nói, cho quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp và chính đáng của người lao động ngành Thép Việt Nam trong giai đoạn mới này, Ban Chấp hành Công đoàn TCty Thép Việt Nam - CTCP cần phải chuẩn bị cho mình những kiến thức mới cùng bản lĩnh vững vàng để đảm đương những nhiệm vụ mới.
Đồng chí Hồ Kỳ Quốc Hùng - CTCĐ TCty Thuốc lá VN (Vinataba)
“Đón nhận CMCN 4.0 trong sự thống nhất và đoàn kết”
Trong xu thế khi đất nước ngày càng tham gia sâu, rộng với nền kinh tế thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển mạnh mẽ thì đó cũng tạo ra nhiều cơ hội để Vinataba phát triển lên một tầm cao mới.
Để cùng Tổng công ty thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Công đoàn tập trung mạnh mẽ vào những giải pháp chủ yếu sau: Chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; phối hợp với chuyên môn, chỉ đạo công đoàn cơ sở cùng tham gia thảo luận các vấn đề liên quan đến quyền lợi người lao động, qua đó đưa ra các biện pháp bảo vệ; tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại các đơn vị; chú trọng công tác đảm bảo an toàn trong lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm và các vấn đề về quyền an sinh xã hội…
Sự thống nhất và đoàn kết luôn là sức mạnh mà tổ chức công đoàn tổng hợp được từ mỗi người lao động của mình, đối với cách mạng công nghiệp 4.0, điều này càng cần thiết.
Đồng chí Nguyễn Thu Hương - Phó Chủ tịch CĐ Công ty Thuốc lá Sài Gòn
“Hãy nhìn nhận CMCN 4.0 là cơ hội thay vì thách thức”
Cùng với những tác động tích cực đem lại cơ hội tốt, CMCN 4.0 cũng có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động. Trong bối cảnh như vậy, việc xây dựng, hoàn thiện và đảm bảo thực thi các quy định pháp luật về lao động để phát huy thế mạnh về người lao động của Việt Nam đóng vai trò quan trọng.
Đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng như Công đoàn Vinataba cần có sự chuẩn bị đầy đủ hơn nữa để thực hiện tốt chức năng của mình là đại diện và bảo vệ người lao động thông qua nhiều hoạt động cụ thể. Trong đó, có xây dựng chính sách, pháp luật, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các tổ chức công đoàn thế giới, hướng về cơ sở để phát huy vai trò và vị thế của công đoàn cơ sở.
Mặt khác, người lao động cần có cách tiếp cận chủ động đối với CMCN 4.0, phải nhìn nhận CMCN 4.0 là cơ hội thay vì thách thức, không ngừng cập nhật và nâng cao năng lực và kỹ năng làm việc để từng bước làm bạn với công nghệ, máy móc mới tiến đến làm chủ công nghệ, máy móc mới.
Đồng chí Nguyễn Khắc Hán - CTCĐ Công ty Xăng dầu B12 - Petrolimex
“Cuộc cạnh tranh gay gắt nhất là về công nghệ”
Tôi nghĩ rằng trong những năm tới đây, mặc dù thế giới sẽ còn có nhiều diễn biến phức tạp, khó đoán định, nhưng xu thế chủ yếu vẫn là hòa bình, hợp tác và phát triển. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Cuộc CMCN 4.0 tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống. Cạnh tranh ngày càng lớn, nhất là cạnh tranh về công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao gay gắt giữa các nước.
Trước bối cảnh mới, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với hoạt động công đoàn, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với tổ chức công đoàn. Để vượt qua thách thức và đón nhận cơ hội nói trên đòi hỏi các cấp công đoàn phải nỗ lực đổi mới mạnh mẽ nhằm tập hợp đông đảo người lao động tham gia công đoàn, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các cấp công đoàn trong tình hình mới, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, có khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình mới. Xác định chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động là mục tiêu hoạt động cao nhất vì vậy phải hướng về cơ sở, sát với thực tế, giải quyết kịp thời vấn đề đối với người lao động.
KS. Nguyễn Ðình San - XN Kho vận Xăng dầu K130, Cty Xăng dầu B12
“CMCN 4.0 đòi hỏi khả năng học tập và ứng dụng những tiến bộ KHCN”
Nhận thức tầm quan trọng và tác động của CMCN 4.0, đoàn viên công đoàn và người lao động Công ty Xăng dầu B12 luôn ý thức xây dựng mục tiêu mà bản thân mình cần hướng tới. Trong nhiều năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của Ban lãnh đạo Công ty, Xí nghiệp, bản thân tôi và đồng nghiệp đã thực hiện nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị mang lại lợi ích không nhỏ, góp phần vào việc xây dựng đào tạo một lực lượng lao động có tay nghề cao, năng động, đạt hiệu quả thiết thực trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị.
Một nét đẹp của người lao động Xí nghiệp Kho vận xăng dầu K130, Công ty xăng dầu B12 chính là truyền thống yêu nước, yêu nghề, yêu doanh nghiệp, không ngừng học tập nắm bắt, khai thác và vận hành tốt các trang thiết bị hiện đại trong công cuộc đổi mới của ngành xăng dầu. Đây là nguồn sức mạnh to lớn trong lao động và sản xuất mà các thế hệ lãnh đạo đã biết trân trọng và phát huy.
Đồng chí Quách Đức Tuấn - Trưởng ca D phụ gia, Phân xưởng Giấy - Nhà máy Giấy Bãi Bằng
“Công đoàn phải là đơn vị đi đầu trong tuyên truyền, phổ biến cho người lao động hiểu về CMCN 4.0”
Qua tìm hiểu về CMCN 4.0 tôi nhận thấy thấy Nhà nước có vai trò quan trọng là chủ thể và người sử dụng lao động cần phải đầu tư nguồn vốn lớn cho các máy móc thiết bị công nghệ cao; còn đối với người lao động phải có trình độ chuyên môn vững vàng, liên tục học hỏi để điều khiển các máy móc thiết bị đó.
Tuy nhiên khi máy móc, thiết bị hiện đại thay thế con người thì sẽ có một bộ phận không nhỏ người lao động mất việc làm do không đủ trình độ đáp ứng được yêu cầu công việc, lao động thất nghiệp và dôi dư lớn sẽ có tác động không nhỏ đến kinh tế, xã hội, lúc đó tổ chức công đoàn càng cần phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động thất nghiệp và mất việc làm. Công đoàn phải là đơn vị đi đầu trong tuyên truyền, phổ biến cho người lao động hiểu về CMCN 4.0, để tất cả người lao động thấu hiểu và nỗ lực thay đổi, thích ứng.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Liên - Công ty Truyền tải điện Hà Nội
“Muốn được đào tạo, bồi dưỡng tập huấn kiến thức về CMCN 4.0 của ngành điện để khỏi bị đào thải”
Chúng tôi cảm nhận được sự ảnh hưởng rõ ràng của cuộc CMCN 4.0 ngay tại nơi tôi đang công tác là Trạm Truyền tải điện 220 kV Mai Động thuộc Công ty Truyền tải điện Hà Nội. Trong mấy năm trở lại đây, ngành điện nói chung và lĩnh vực truyền tải điện nói riêng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa rất cao. Nhiều công việc, nhiều vị trí vận hành hoạt động trong lĩnh vực truyền tải điện trước đây phải sử dụng nhiều kỹ sư, công nhân kỹ thuật để vận hành thì đến nay đã giảm đi phần lớn, có những vị trí giảm 100% công nhân kỹ thuật vận hành được thay thế bằng hệ thông tự động hóa. Cụ thể như Trạm Truyền tải điện Mai Động 22 kV của chúng tôi chỉ cách đây mấy năm có tới hơn 50 cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật, thì nay chỉ còn chưa đến 10 người, bao gồm cả bảo vệ.
Theo kế hoạch của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, sắp tới, Trạm Truyền tải điện 220 kV Mai Động sẽ là trạm biến áp điều khiển từ xa, không người trực. Khi trạm không cần người trực nữa, lại là công nhân nữ trong ngành điện, chúng tôi đang lo lắng khi sắp tới không biết mình sẽ đi đâu, được sắp xếp làm công việc gì, hay bị tinh giản ra khỏi ngành điện.
Chúng tôi mong muốn tổ chức Công đoàn, đặc biệt là công đoàn ngành truyền tải điện cần tăng cường tuyên truyền, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tập huấn cho công nhân những kiến thức về CMCN 4.0 của ngành Điện nói chung và Truyền tải điện nói riêng, để giúp người lao động hiểu biết, có ý thức học tập, trau dồi kiến thức, từng bước nắm bắt được công nghệ, máy móc mới, đáp ứng được yêu cầu công việc trong tình hình mới.
Nguồn: Tạp chí Công Thương