[In trang]
Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn
Thứ hai, 09/12/2013 - 10:25
Về vai trò của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muốn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”.

Về vai trò của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muốn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”. Như vậy chúng ta có thể hiểu rằng, cán bộ là lực lượng tinh tuý của xã hội, có vị trí vừa là tiên phong vừa là trung tâm của xã hội và có vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ thống chính trị nước ta. Chính vì vậy, để thực hiện tốt chức năng của Công đoàn, cần phải có đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, có bản lĩnh và nhiệt tình với công việc. Và để có đội ngũ cán bộ công đoàn giỏi thì phải chú trọng, quan tâm đến công tác công tác đào tạo - đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp công đoàn, nhất là trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường, định hướng XHCN và hội nhập khu vực, thế giới.

Tổng Liên đoàn LĐVN đã ban hành Nghị quyết 4a/NQ-TLĐ về “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn giai đoạn 2010 - 2020”, trong đó xác định nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là yếu tố quan trọng đảm bảo thành công của hoạt động công đoàn, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.

Thực trạng công tác đào tạo cán bộ công đoàn hiện nay

Với 7.946.617 đoàn viên tại 114.196 CĐCS, (tính đến tháng 12/ 2012), tổ chức Công đoàn có gần 900.000 cán bộ (từ tổ trưởng, tổ phó công đoàn trở lên) ở các cấp trong toàn hệ thống. Cán bộ công đoàn phần lớn đều kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo nghiệp vụ công đoàn, hoạt động bằng kinh nghiệm, thói quen. Để khắc phục tình trạng này, các cấp công đoàn đã tăng cường tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn (đại học phần công đoàn) hoặc các lớp tập huấn về nghiệp vụ công đoàn cho cán bộ các cấp, nhất là cán bộ mới tham gia công tác công đoàn.

Tuy vậy công tác đào tạo cán bộ công đoàn những năm qua đều theo hướng đơn vị tổ chức thông báo chủ đề, nội dung đào tạo và phân bổ số lượng để các đơn vị cử người tham gia. Vì vậy có người liên tục được tham dự các lớp đào tạo, tập huấn nhưng có nhiều người không được tham dự một lớp tập huấn nào trong nhiều năm. Cách làm này chưa xuất phát từ đối tượng cần được đào tạo, nhu cầu đào tạo, mà hoàn toàn theo ý chủ quan của đơn vị tổ chức đào tạo và đơn vị cử người đi đào tạo. Đa số các ngành nào, đơn vị chưa xây dựng kế hoạch tổng thể về công tác đào tạo cho từng năm, từng nhiệm kỳ, tiến tới đào tạo đúng mục đích, đúng đối tư-ợng và nội dung đào tạo phù hợp với từng đối tư¬ợng.

Thực tế hiện nay, ngành nào, cấp nào cũng đều quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn cán bộ công đoàn. Song không có sự thống nhất, mà mỗi địa phương, ngành có cách đào tạo riêng tuỳ thuộc vào khả năng, hoàn cảnh cụ thể của ngành, địa phương, đơn vị. Tài liệu đào tạo, tập huấn cán bộ công đoàn hiện nay rất phong phú, mỗi ngành, mỗi cấp, thậm chí mỗi cơ sở đều soạn tài liệu riêng cho mỗi lớp, mỗi khóa tập huấn. Điều này cũng có ưu điểm là phù hợp với từng ngành, từng đối tượng, từng lớp cụ thể, song không có sự thống nhất trong toàn hệ thống và phân tác nguồn lực. Khi chuyển sang kinh tế thị trường, phần lớn hoạt động công đoàn đều phải tổ chức ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ, nên việc tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn rất khó khăn. Cán bộ công đoàn kiêm nhiệm nên bị động trong việc sắp xếp thời gian theo học các khoá đào tạo, tập huấn do công đoàn tổ chức. Bên cạnh đó, kinh phí cho công tác đào tạo còn hạn chế (theo quy định của TLĐ dành 15% tổng kinh phí cho công tác đào tạo những hầu hết đều không thực hiện đủ). Nhiều đơn vị số thu kinh phí ít nên không tự tổ chức đào tạo mà hoàn toàn phụ thuộc vào cấp trên.

Một số kinh nghiệm có được từ công tác đào tạo cán bộ công đoàn của ngành Công Thương

Để đào tạo đúng mục đích, đúng đối tượng và nội dung phù hợp với từng đối tượng, tạo sự chủ động của đơn vị tổ chức đào tạo cần phải xây dựng kế hoạch đào tạo. Xây dựng kế hoạch đào tạo là việc làm cần thiết ở các đơn vị, có loại hình đào tạo bắt buộc (hoàn thiện tiêu chuẩn, yêu cầu từng chức danh cán bộ công đoàn), đào tạo theo nhu cầu của cá nhân, đào tạo cán bộ nguồn… Có kế hoạch đào tạo sẽ lựa chọn đúng nội dung, đúng đối tượng, đúng yêu cầu cần đào tạo, tránh lãng phí về thời gian và kinh phí. Chủ động biên soạn Bộ tài liệu những nội dung cơ bản có thêm phần tình huống thực tế là những nội dung cần thiết hướng dẫn hoạt động CĐCS. Nội dung tài liệu đào tạo thích hợp cho từng loại đối tượng: có nội dung cơ bản cho người mới tham gia (hoặc mới được tuyển dụng), nội dung cho cán bộ cấp cơ sở, nội dung cho cán bộ cấp trên cơ sở, nội dung theo chuyên đề…

Những năm qua với sự giúp đỡ của Tổng Liên đoàn và một số công đoàn ngành quốc tế, Công đoàn Công Thương đã đào tạo được đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm giảng dạy theo phư¬ơng pháp tích cực tại các khoá, lớp tập huấn về nghiệp vụ công đoàn, về pháp luật và các hoạt động chuyên đề. Có đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm nên chủ động trong công tác đào tạo. Hầu hết các lớp tập huấn tại cơ sở, trên cơ sở và ngay cả cấp ngành đều do các giảng viên kiêm nhiệm đảm nhận. Với việc Công đoàn Công Thương hỗ trợ toàn bộ tài liệu và giảng viên, các cấp công đoàn chủ động đăng ký nội dung, chương trình, thời gian tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ công đoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo ở tất cả các đơn vị trong ngành. Với sự nỗ lực cố gắng của các cấp công đoàn trong công tác đào tạo nên đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là công đoàn cơ sở đã nâng lên rất nhiều. Chính vì hiểu về chức năng nhiệm vụ công đoàn, biết những nội dung cần thiết cho hoạt động CĐCS, cán bộ công đoàn ở cơ sở chủ động xây dựng chương trình hoạt động phù hợp với thực tế tại đơn vị.

Ban Chấp hành công đoàn các cấp đã xác định công tác đào tạo là một nhiệm vụ quan trọng của hoạt động công đoàn. Dành nguồn tài chính cho công tác đào tạo. Theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn, trong dự toán kế hoạch hàng năm, các cấp công đoàn phải dành 10 - 15 % tổng chi cho công tác đào tạo, tập huấn.

Một số đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo cán bộ công đoàn

Cần đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo trong hệ thống công đoàn. Công đoàn Công Thương Việt Nam xin đề xuất một số ý kiến như sau:

1. Xác định nội dung cần đào tạo

Yêu cầu về đào tạo, tập huấn cho cán bộ công đoàn rất nhiều và thấy nội dung nào là cần thiết. Phải xác định đối tượng đào tạo để thấy nội dung chuyên đề nào cần phải được ưu tiên cần đào tạo, tập huấn. Cán bộ công đoàn ở cơ sở số lượng lớn, thường xuyên thay đổi, nhiều người mới được bầu làm công đoàn, chưa có khái niệm, hiểu biết về công đoàn, về chức năng nhiệm vụ của công đoàn, cho nên cần tập trung tập huấn cho nhóm đối tượng này.

Nội dung đào tạo tập huấn cho cán bộ CĐCS nhiều, nhưng có thể nhóm theo chuyên đề như sau:

- Nội dung cơ bản: Nội dung bắt buộc cần có đối với mỗi cán bộ công đoàn bao gồm: Tổ chức Công đoàn Việt Nam (sự hình thành, quá trình phát triển, chức năng nhiệm vụ, mối quan hệ, nguyên tắc hoạt động của tổ chức công đoàn...). Hoạt động của công đoàn cơ sở (chức năng nhiệm vụ, nội dung hoạt động của CĐCS, nhiệm vụ và phương pháp làm việc của chủ tịch CĐCS, hoạt động của Tổ công đoàn...).

- Nội dung cần thiết cho cán bộ CĐCS: Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, với chức năng đại diện, bảo vệ người lao động, cán bộ CĐCS cần được trang bị những kiến thức pháp luật liên quan đến người lao động và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong nội dung về Hợp đồng lao động, Thoả ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công, vai trò của công đoàn với công tác ATVSLĐ, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà tại doanh nghiệp.

- Nội dung theo chuyên đề hoạt động: Đó là các nội dung cụ thể theo chuyên đề hoạt động của công đoàn: công tác thi đua, tuyên giáo, nữ công, kiểm tra công đoàn, giải quyết khiếu nại tố cáo, Điều lệ Công đoàn, đại hội công đoàn…. và các nội dung hướng dẫn hoạt động công đoàn tại cơ sở.

- Nội dung nghiên cứu, tham gia với chuyên môn: Những nội dung cần được phổ biến, nghiên cứu để tham gia với chuyên môn trong việc hoạch định chính sách, kế hoạch như: Định hướng kế hoạch phát triển ngành, địa phương, văn bản chính sách, hoạt động liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp...

2. Nội dung tập huấn phù hợp với đối tượng

Mỗi một nội dung (bài) thường dài và có nhiều phần, tuỳ theo đối tượng tập huấn để có dung lượng phù hợp. Ví dụ với một lớp tập huấn cho tổ công đoàn, bài Tổ chức Công đoàn Việt Nam bao gồm các phần lịch sử hình thành, quá trình phát triển, tính chất vị trí vai trò chức năng, mô hình tổ chức, nguyên tắc phương pháp hoạt động... không cần giới thiệu chi tiết các phần mà chỉ nên tập trung giới thiệu sơ đồ về mô hình tổ chức công đoàn để người học biết được khái quát về tổ chức Công đoàn, bài hoạt động Công đoàn cơ sở chỉ cần đi sâu vào phần hoạt động của Tổ công đoàn.

Như vậy tài liệu có đầy đủ các phần, các bài nhưng tuỳ thuộc vào đối tượng, thời gian tập huấn mà sử dụng phần nào, dung lượng bao nhiêu cho phù hợp.

3. Tài liệu tập huấn

Tổng Liên đoàn thống nhất biên soạn Bộ tài liệu, từ Bộ tài liệu này, mỗi đơn vị, mỗi lớp sẽ lựa chọn nội dung tập huấn thích hợp. Tài liệu giảng dạy cần nghiên cứu, xác định cho từng loại đối tượng, đặc biệt ở cơ sở cán bộ công đoàn hầu hết kiêm nhiệm, với nhiều trình độ khác nhau, đa số là công nhân trực tiếp sản xuất nên cách viết phải đơn giản, ngắn gọn, hạn chế dùng các thuật ngũ, từ chính trị khó hiểu. Trong bài giảng nên có phần bài tập tình huống phù hợp nội dung bài học để học viên tham khảo áp dụng vào thực tế tại đơn vị.

4. Phương pháp đào tạo

Sử dụng phương pháp tích cực trong đào tạo, tập huấn là phương pháp tối ưu hiện nay. Với phương pháp này sẽ không gây nhàm chán, nặng nề mỗi buổi học và chất lượng tiếp thu bài giảng thông qua làm việc, thảo luận nhóm được nâng cao. Song áp dụng phương pháp này để tập huấn cho số lượng lớn, với thời gian hạn chế sẽ có khó khăn. Mặt khác để thay đổi phương pháp tập huấn sẵn có từ lâu là điều không dễ dàng, vì vậy cần có sự ủng hộ từ các cấp công đoàn, đặc biệt BCH, lãnh đạo công đoàn các đơn vị và sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên về giảng viên, về điều kiện thực hiện các lớp tập huấn theo phương pháp tích cực.

Tăng cường nguồn lực, để Công đoàn thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, cần thiết phải quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn. Trong bối cảnh hiện nay không những chú trọng đến công tác đào tạo mà cần phải đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với nhu cầu và thích ứng với sự phát triển của tổ chức Công đoàn trong quá trình hội nhập chung của đất nước.

 

Nguyễn Xuân Thái