Những năm đầu mới đi vào hoạt động Nhà máy Cán thép Thái Nguyên đã phát sinh nhiều vấn đề, sự cố liên quan đến thiết bị và công nghệ. Sản lượng, năng suất lao động và hiệu suất làm việc của máy móc thấp hơn nhiều so với các chỉ tiêu kỹ thuật đặt ra. Với sự nỗ lực không ngừng của CB, CNV Nhà máy, nhiều giải pháp hợp lý hóa sản xuất và sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được thực hiện và áp dụng vào quá trình sản xuất. Kết quả sản xuất kinh doanh của Nhà máy đến nay đã có những tiến bộ vượt bậc.
Chỉ trong vòng 5 năm sản lượng của Nhà máy đã tăng lên một cách đáng kể, cụ thể năm 2006 chỉ đạt 180.000 tấn, thì năm 2011 sản lượng đạt được ~ 340.000 tấn vượt mức thiết kế trên 40.000 tấn thép cán, nghĩa là bằng 113% so với công suất thiết kế. Những thành quả trên có sự đóng góp thầm lặng của Trần Đức Mạnh Trưởng, Phòng kỹ thuật Công nghệ, Nhà máy cán thép Thái Nguyên, Cty CP Gang thép Thái Nguyên.
Trần Đức Mạnh Trưởng, Phòng kỹ thuật Công nghệ, Nhà máy cán thép Thái Nguyên, Cty CP Gang thép Thái Nguyên.
Với niềm say mê lao động sáng tạo, Trần Đức Mạnh luôn giải quyết nhanh chóng các tình huống sự cố trong sản xuất, không ngừng nghiên cứu cải tiến công nghệ nhằm hợp lý hóa sản xuất, giảm sức lao động, góp phần duy trì sản xuất ổn định với năng suất cao và chất lượng tốt nhất. Anh luôn có những ý kiến kịp thời đề xuất với lãnh đạo Nhà máy để giải quyết những tồn tại trong sản xuất, từ đó tìm ra những biện pháp khắc phục. Bên cạnh đó, anh luôn động viên anh em trong đơn vị khắc phục khó khăn, cải tiến công nghệ cho phù hợp với điều kiện sản xuất của đơn vị, từ đó tăng được công suất và hiệu suất máy móc, thiết bị, nâng cao năng suất sản xuất, giảm chi phí và giá thành sản phẩm, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm thép TISCO trên thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế. Là cử nhân ngành Cơ học biến dạng cán kim loại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, lại được đào tạo chuyên ngành Cán thép, Mạnh có nhiều thuận lợi để nắm bắt và phát huy thế mạnh của bản thân khi đã được kinh qua nhiều vị trí sản xuất trực tiếp trong dây truyền. Khởi đầu là một công nhân kỹ thuật làm việc trực tiếp với sản xuất, từ thợ vận hành sàn nguội, thợ lò nung, thợ điều chỉnh thép cán sau 1 năm, anh làm kỹ thuật viên phân xưởng, sau đó làm phó quản đốc phân xưởng, rồi Trưởng phòng kỹ thuật. Thời gian trực tiếp gắn bó với sản xuất trên dây truyền đã giúp anh nắm rõ được những điểm mạnh, điểm yếu của dây truyền, hiểu rõ được những vất vả của người lao động đang làm việc trực tiếp do những điểm không phù hợp của dây truyền gây ra. Trên cơ sở đó, anh không ngừng nghiên cứu, tìm tòi phương pháp, cách thức khắc phục và cải tiến những điểm không phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế của Nhà máy và vận dụng vào thực tế sản xuất.
Với yêu cầu chất lượng và sự đổi mới công nghệ, dây truyền sản xuất của Nhà máy không phù hợp với điều kiện thực tế đặt ra. Ví dụ như: nguồn nguyên liệu dầu vào của Nhà máy bây giờ chủ yếu là phôi thép có kích thước 150x150mm trong khi dây truyền được thiết kế chỉ đáp ứng cán các loại phôi có kích thước 120x120mm, 130x130mm. Để đảm bảo sản xuất thì cải tiến, sửa đổi công nghệ trên dây truyền hiện tại trước khi có sự đầu tư mới là điều cần thiết và cấp bách, anh đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, thực hành tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu và chi phí sản xuất, kết quả nỗ lực của cá nhân đã được những thành tích phải kể. Trong 5 năm (2007-2012) anh đã có 34 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất với giá trị làm lợi ước tính đạt ~4,2 tỷ đồng. Được Giám đốc Nhà máy khen thưởng ~80 triệu đồng. Với một số sáng kiến tiêu biểu có giá trị làm lợi cao như: Thiết kế hệ thống lỗ hình, công nghệ sản xuất sản phầm D8, D10, D12, d8-T bằng phôi 150x150mm trên dây truyền thiết kế cho phôi 120x120mm,130x130mm, nâng cao năng suất sản xuất từ 50T/h lên ~70T/h. Sáng kiến thiết kế hệ thống lỗ hình trung gian dùng chung cho các loại sản phẩm thép cán của Nhà máy đã giúp cho quá trình chuyển đổi sản phẩm rút ngắn từ 4h xuống 2h/lần chuyển đổi. Giảm được 2/3 số lượng bánh cán, trục cán dự phòng cho các loại sản phẩm.
Thành quả lao động được ghi nhận, Trần Đức Mạnh liên tục đạt chiến sỹ thi đua cơ sở, 4 năm liên tục được Tổng LĐLĐVN tặng bằng Lao động sáng tạo (2008, 2009, 2010 và 2011). Năm 2010 đạt 3 giải nhất trong các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật trong CNVLĐ tỉnh Thái Nguyên, sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên do Hiệp hội KHKT tỉnh Thái Nguyên tổ chức và giải thưởng sáng tạo trẻ tỉnh Thái Nguyên. Năm 2011 đạt giải 3 giải thưởng sáng tạo trẻ tỉnh Thái Nguyên. Có 01 đề tài được bình trọn đề tài sáng tạo trẻ tiêu biểu toàn quốc tại Fitivan sáng tạo trẻ toàn quốc năm 2010 và nhiều các cấp Công đoàn tặng bằng khen. Phong trào Lao động sáng tạo đã góp phần to lớn vào thành tích sản xuất kinh doanh của Nhà máy Cán thép Thái nguyên cũng như Công ty CP Gang thép Thái Nguyên nếu việc khai thác và phát huy hết tiềm năng LĐ sáng tạo của CBCNV sẽ đem lại hiệu quả rất to lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vừa qua, anh được lựa chọn là đại biểu, đại diện cho CBCNVCLĐ Ngành Công Thương và Cty CP Gang thép Thái Nguyên về dự Hội nghị Tuyên dương “Lao động sáng tạo 5 năm (2007 -2012)” của Tổng LĐLĐVN, anh xúc động nói “Đây là niềm vinh dự, nguồn động viên khích lệ to lớn đối với bản thân tôi và toàn thể đội ngũ CBCNLĐ của Công ty, nó tiếp thêm nghị lực và sức mạnh để chúng tôi tiếp tục thi đua, rèn luyện phấn đấu không ngừng vì sự nghiệp gang thép của Tổ quốc. Xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm ngang thép “Để làm ra gang thép tốt thì mỗi người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cứng rắn như thép, như gang”.
Lê Tâm