[In trang]
Điểm tin ngành Công Thương ngày 09/10/2017
Thứ hai, 09/10/2017 - 13:22
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh- thông tin cụ thể như sau:
1. Xử lý các dự án thua lỗ của Bộ Công Thương: Phá sản dự án là sự lựa chọn cuối cùng.
Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia độc lập về chính sách công cho rằng, để doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không làm thất thoát nguồn lực quốc gia, điều quan trọng nhất là thu hẹp “đất” của DNNN lại. Như vậy cũng sẽ thu hẹp được “đất” của tham nhũng. Ông cũng mong Quốc hội có một phiên điều trần về 12 dự án này, truy được cá nhân phải chịu trách nhiệm.
Ông cũng cho rằng cần điều tra để làm rõ thêm các sai phạm liên quan đến sử dụng tài sản nhà nước ở những dự án này. Việc xem xét ở đây gồm cả 2 khía cạnh, trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự nếu có. Hàng chục nghìn tỷ đồng tiền ngân sách, cũng tức là tiền thuế của người dân, không chỉ là thế hệ hiện tại, mà còn là thế hệ tương lai sẽ phải oằn lưng gánh chịu để trả nợ, không thể bị ném xuống sông, xuống biển mà không có câu trả lời rõ ràng về trách nhiệm.
2. Xăng E5 rẻ và nhiều ưu điểm hơn xăng A92.
Theo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, từ ngày 1-1-2018, chỉ cho phép sản xuất và kinh doanh xăng E5 và xăng khoáng A95 nhằm góp phần bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường, đồng thời thực hiện tốt các cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế về giảm khí thải nhà kính. Như vậy, từ đầu năm tới, xăng E5 sẽ chính thức thay thế xăng khoáng A92 trên thị trường toàn quốc. 
Theo ông Nguyễn Phú Cường, (Bộ Công Thương), phát triển xăng nhiên liệu sinh học E5 là một chủ trương đúng của Chính phủ. Đến nay, năng lực sản xuất ethanol nhiên liệu của các cơ sở sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu phối trộn để thay thế hoàn toàn xăng khoáng A92 bằng xăng sinh học E5. Xu thế sử dụng xăng E5 có chiều hướng tăng dần, thể hiện ở lượng xăng E5 tiêu thụ tháng 12-2016 đạt gần 50.000m³/tháng, chiếm 9,14% so với tổng lượng xăng khoáng A92. Số cửa hàng kinh doanh xăng dầu có bán xăng E5 đạt 1.256 cửa hàng, chiếm 11% so với tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu. 
Tuy nhiên, việc triển khai E5 chưa thực sự hiệu quả như mong muốn. Lợi nhuận và chiết khấu chưa đủ mạnh để khuyến khích các đại lý và cửa hàng xăng dầu tham gia kinh doanh xăng E5. Việc xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, phụ trợ, bồn, bể, các cột bơm xăng E5 tại các đại lý và cửa hàng xăng dầu đòi hỏi đầu tư về mặt bằng cũng như nguồn vốn, dẫn đến các chủ cửa hàng còn nhiều do dự, ngần ngại đầu tư. Trong khi đó, giá dầu thô liên tục giảm thời gian qua là nguyên nhân dẫn đến các nhà máy trong nước không cạnh tranh được với xăng khoáng, phải hoạt động cầm chừng, sản lượng tiêu thụ rất thấp so với công suất, thậm chí ngừng hoạt động.
Một lý do nữa là tâm lý e ngại về chất lượng xăng E5 khi sử dụng vẫn còn trong một bộ phận người tiêu dùng, cộng thêm với việc độ chênh lệch về giá cả giữa xăng E5 và xăng truyền thống chưa đủ lớn để khuyến khích khách hàng chuyển đổi thói quen sử dụng từ xăng truyền thống sang xăng E5. Ngoài ra, công tác truyền thông về sản phẩm nhiên liệu sinh học còn yếu, chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
 Ông Cường cũng chia sẻ, với nhiều lợi ích mà nhiên liệu sinh học đem lại, hiện nay Bộ Tài chính đang đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và một số sắc thuế khác cho các sản phẩm nhiên liệu sinh học là xăng E5 và tới đây có thể là xăng E10. Đây cũng là thông lệ được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng khi muốn đưa một sản phẩm mới thân thiện với môi trường vào đời sống. 
Hiện nay, bằng các công cụ thuế phí, giá xăng E5 thấp hơn giá xăng A92 khoảng 300 đồng/lít. Tới đây, với các giải pháp về thuế, phí mà Bộ Tài chính đang đề xuất thì xăng E5 sẽ thấp hơn xăng khoáng (A95) khoảng 1.500 - 2.000 đồng/lít. Sau này, nếu sử dụng xăng E10 thì giá xăng sẽ còn thấp hơn nữa.
3. Bộ Công Thương đang xem xét việc dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab.
Báo Người lao động phản ánh, gần đây, xuất hiện tình trạng các xe taxi thuộc hãng taxi Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab với nội dung: "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam"; "Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh". Những xe này lưu thông trên nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm TP HCM, đón - trả khách bình thường.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về tình trạng trên vào sáng nay 9-10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Luật Cạnh tranh cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. "Bộ đã có chỉ đạo Cục Quản lý Cạnh tranh nghiên cứu và sớm có báo cáo về việc này. Trong đó, xem xét liệu có hành vi vi phạm cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp hay không"- Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay. Ông Hải cũng cho biết Cục Quản lý Cạnh tranh đang nghiên cứu và sẽ có báo cáo chính thức. Hiện, chưa thể kết luận ngay được.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, ông Trịnh Anh Tuấn, cũng xác nhận hiện Cục Quản lý Cạnh tranh đang thu thập thông tin của các bên. "Khi nào có kết quả, chúng tôi sẽ thông báo"- ông Tuấn nói.
LH (Nguồn VP Bộ CT)